"Các nước lớn tăng cường sức mạnh quân sự, tập hợp lực lượng, tranh giành ảnh hưởng trong khu vực ngày càng quyết liệt. Tranh chấp lãnh thổ, đặc biệt là trên Biển Đông diễn biến phức tạp, gay gắt và rất khó lường", ông Dũng phát biểu sáng nay khi tham dự Đại hội thi đua yêu nước của Bộ Ngoại giao.
Theo Thủ tướng, khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn là trung tâm phát triển năng động của kinh tế thế giới. Toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cùng với khoa học công nghệ phát triển rất nhanh đã tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển kinh tế xã hội của các quốc gia. Hợp tác và đấu tranh vì lợi ích quốc gia, vì hòa bình phát triển và cùng chung tay giải quyết những thách thức toàn cầu là xu hướng chung của nhân loại.
Ông Dũng cho rằng bối cảnh quốc tế và trong nước đòi hỏi Việt Nam phải kiên định mục tiêu lợi ích quốc gia, dân tộc là cao nhất, tranh thủ thời cơ để xây dựng đất nước độc lập, thống nhất, chủ quyền quốc gia toàn vẹn lãnh thổ.
Về đường lối ngoại giao, ông Dũng đề cao nhiệm vụ hàng đầu là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tăng cường hữu nghị hợp tác với các quốc gia, bình đẳng cùng có lợi. Công tác ngoại giao phải gắn với bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
"Thực hiện hiệu quả các biện pháp chính trị ngoại giao trong giải quyết các tranh chấp bất đồng trên cơ sở luật pháp quốc tế, đề cao tinh thần đoàn kết quốc tế, trên cơ sở Hiến chương Liên Hợp Quốc, tôn trọng độc lập chủ quyền, lợi ích chính đáng của nhau, hợp tác bình đẳng cùng có lợi", Thủ tướng khẳng định.
Một trong những trọng tâm của ngành ngoại giao là vấn đề Biển Đông, nơi đang tồn tại các tuyên bố chủ quyền chồng lấn và là điểm nóng quốc tế. Trong sáng nay, quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên xác nhận nước này đã điều tàu USS Lassen vào trong phạm vi 12 hải lý quanh đá Subi, nơi Trung Quốc bồi đắp trái phép ở Biển Đông. Tàu này đi cùng các máy bay trinh sát của hải quân Mỹ.
Mục đích của hoạt động này của Hải quân Mỹ là nhằm duy trì lợi ích của Mỹ với tự do đi lại trên không, trên biển và hoạt động ở bất cứ nơi nào trên thế giới mà luật quốc tế cho phép.
Tại Biển Đông, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích, chồng lấn lên vùng biển của các quốc gia láng giềng như Việt Nam, Philippines. Bắc Kinh còn ngang nhiên tiến hành cải tạo đất phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Việt Nam nhiều lần khẳng định có chủ quyền không thể tranh cãi với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Mọi hành động xây dựng, mở rộng của nước ngoài trên các đảo đá, bãi ở hai quần đảo này mà không được phép của chính phủ Việt Nam đều phi pháp và vô giá trị.
Thủ tướng, phải,trao Huân chương Lao động hạng nhất cho Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, thứ hai từ trái sang. Ảnh: Nguyễn Chung |
Theo VnE