“Thủ tướng cũng đang giục lắm”

Trong lần gặp gỡ với báo chí tại TPHCM gần đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng đã cung cấp một số thông tin về các chính sách sắp tới của NHNN, kể cả việc tái cấu trúc các ngân hàng “không đồng”...
Ocean Bank là một trong ba ngân hàng được mua lại với giá 0 đồng. NHNN đang gấp rút tiến hành để có thể trình lên Chính phủ đề án tái cấu trúc ba ngân hàng không đồng cùng một số ngân hàng khác. Ảnh: TUỆ DOANH
Ocean Bank là một trong ba ngân hàng được mua lại với giá 0 đồng. NHNN đang gấp rút tiến hành để có thể trình lên Chính phủ đề án tái cấu trúc ba ngân hàng không đồng cùng một số ngân hàng khác. Ảnh: TUỆ DOANH

“Không vì bất cứ nhóm lợi ích nào”

Trong bối cảnh Chính phủ đang tập trung vào những vấn đề quan trọng của nền kinh tế như giải quyết vướng mắc về thuế, hải quan, thủ tục hành chính, cấp phép đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh... cho doanh nghiệp; ổn định tỷ giá và giảm lãi suất cho vay, giải quyết nợ xấu bằng tiền tươi thóc thật; khơi dậy tinh thần và tìm vốn cho khởi nghiệp (startups), tiến trình tái cơ cấu ngân hàng tưởng như đã được đẩy vào một góc, nhưng không phải. “NHNN đang gấp rút tiến hành để có thể trình lên Chính phủ đề án tái cấu trúc ba ngân hàng không đồng (0 đồng) cùng một số ngân hàng khác. Chúng tôi biết đây là vấn đề phải giải quyết, phải làm một cách công khai, minh bạch, công bằng. Thủ tướng cũng đang giục lắm”, Thống đốc Lê Minh Hưng nói.

Mỗi ngân hàng trong danh sách tái cơ cấu có khó khăn riêng, với những đặc điểm riêng về các khoản nợ xấu. Xử lý ngân hàng nào cũng cần thời gian. Những ngân hàng tỷ lệ nợ xấu cao, đương nhiên thời gian xử lý dài hơn, nhưng nhất định phải làm.

Đề cập đến tổ chức tín dụng đang được báo chí phản ánh liên tục những tuần qua kể từ khi diễn ra hai kỳ đại hội đồng cổ đông đều không thành công là Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank), Thống đốc cho biết Eximbank không vướng phải những vấn đề về tài chính, mà chủ yếu do các cổ đông lớn, cổ đông tổ chức chưa tìm được tiếng nói thống nhất. Gốc rễ sở hữu chéo ở Eximbank cần được làm sáng tỏ. Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng đang tiếp tục thanh tra đột xuất ở Eximbank và sẽ chấn chỉnh hậu thanh tra ở một số ngân hàng khác.

“NHNN đứng trên tinh thần thượng tôn pháp luật, không vì bất cứ nhóm lợi ích nào, không chịu sức ép của bất cứ ông chủ ngân hàng nào và tôi xin khẳng định không nhóm lợi ích nào có thể gây sức ép với NHNN. Chúng tôi sẽ xử lý theo đúng luật định”, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nhấn mạnh.

NHNN khẳng định sẽ cử người đại diện cho phần vốn nhà nước thông qua sở hữu cổ phần tại Eximbank của Vietcombank. Sau khi ông Cao Xuân Ninh, thành viên Hội đồng quản trị Eximbank, xin từ nhiệm vì lý do cá nhân, hiện vị trí này chưa có người thay thế.

Hiện NHNN đã dự trù phương án cho các ngân hàng yếu kém tái cơ cấu. Ngoài lộ trình xử lý về mặt thời gian, sẽ có những cơ chế đi kèm. “NHNN đứng trên tinh thần thượng tôn pháp luật, không vì bất cứ nhóm lợi ích nào, không chịu sức ép của bất cứ ông chủ ngân hàng nào và tôi xin khẳng định không nhóm lợi ích nào có thể gây sức ép với NHNN. Chúng tôi sẽ xử lý theo đúng luật định”, ông Hưng nhấn mạnh.

Đây cũng là lần đầu tiên, người đứng đầu ngành ngân hàng nhắc lại không dưới ba lần quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng đang và sẽ thực hiện một cách “công khai, minh bạch, công bằng”. “Công bằng” là từ mà giới ngân hàng - tài chính, doanh nghiệp, dư luận và cả các cơ quan truyền thông đại chúng đã mong ngóng từ lâu.

Không để phát sinh thêm sở hữu chéo

Từ trước đến nay có những thông tin nhạy cảm về một số ngân hàng mà báo chí đã cố gắng để ra ngoài vùng phủ sóng. Lý do vì các ngân hàng là nơi huy động tiền gửi của dân cư. Tuy nhiên việc NHNN mua lại ba ngân hàng 0 đồng, chuyển chúng thành các ngân hàng TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước, đã đảm bảo việc gửi tiền của người dân, doanh nghiệp tại đây an toàn tuyệt đối. Ở thời điểm này, tái cơ cấu các ngân hàng có lẽ không chỉ là khôi phục từng bước để các ngân hàng hoạt động trở lại bình thường, dần dần có nguồn thu, lợi nhuận, bù đắp các khoản nợ xấu có khả năng mất vốn, mà còn là xử lý các cá nhân, tổ chức đã có hành vi sai phạm, gây thiệt hại cho các ngân hàng. Sự công bằng, công khai, minh bạch cần được nhìn nhận từ góc độ như vậy, thì sức răn đe và tính nghiêm minh của luật pháp mới phát huy tác dụng. Giải quyết sở hữu chéo trước mắt cần làm thế nào để chấm dứt nó, để nó không phát sinh, phát triển thêm, từ đó mới có thể tháo gỡ dứt điểm những dây mơ rễ má sở hữu chéo đang đan xen ngày một chặt tại một số ngân hàng.

Tổng giám đốc một tổ chức tín dụng cổ phần giãi bày năm nay ngân hàng không chia cổ tức. Cổ đông lớn không hài lòng, hỏi mọi năm vẫn chia tiền mặt, năm nay không chia là cớ làm sao? Bà nói ban lãnh đạo cũng suy tính lung lắm, quyết định trích lập bằng hết dự phòng rủi ro, nợ xấu chỉ còn hơn trăm tỉ đồng. Lợi nhuận ngân hàng thấp đành chấp nhận, nhưng ít nhất những người làm ngân hàng có thể kê cao gối ngủ hàng đêm.

Nhìn lại trường hợp một ngân hàng TMCP sáp nhập vào một ngân hàng TMCP lớn tháng 10 năm ngoái, giờ đây giới quan sát nhận ra nếu chỉ khoanh vùng, xử lý ngân hàng yếu kém kia, thì thiệt hại của nó sẽ không ảnh hưởng tới ngân hàng nhận sáp nhập. Sự trộn lẫn không thể dẫn tới hòa lẫn để cả hai cùng yếu đi. Đó là lý do tại sao Hội đồng quản trị Vietcombank luôn khẳng định NHNN yêu cầu Vietcombank hỗ trợ Ngân hàng Xây dựng về mặt nhân sự, nghiệp vụ và có thể cả chia sẻ việc tài trợ một số dự án, Vietcombank chấp hành. Song sẽ không thể có chuyện Xây dựng về chung một nhà với Vietcombank.

Khi những cá nhân đã từng gây thiệt hại cho ngân hàng, đã bị bãi miễn chức vụ, tên tuổi của họ thực tế đã bị cách ly khỏi ngân hàng. Chính vì thế các thông cáo báo chí, khởi tố vụ án, bắt tạm giam của Cơ quan Cảnh sát điều tra về thiệt hại do một số cá nhân gây ra ở ba ngân hàng 0 đồng đã được công bố rộng rãi trên trang web của Bộ Công an. Đấy rõ ràng là một bằng chứng xác thực không thể phủ nhận. Đã đến lúc tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng phải tách rời hoạt động ngân hàng ở thời điểm mới với xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sai phạm. Có như thế, sự minh bạch, công khai, công bằng mới làm được trách nhiệm nặng nề lấy lại niềm tin của người dân vào một hệ thống ngân hàng trong sạch, vững mạnh!

Theo TBKTSG