Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng sẽ điều phối hoạt động của Bộ TT&TT khi Bộ trưởng vắng mặt

VietTimes -- Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trực tiếp Lãnh đạo, quản lý chung mọi hoạt động và công tác của Bộ, chịu trách nhiệm trước Trung ương, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về mọi hoạt động của Bộ theo quy định. Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng được Bộ trưởng uỷ quyền tổ chức điều phối hoạt động chung của Bộ khi Bộ trưởng vắng mặt.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng.

Ngày 6/6/2017, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã ký Quyết định số 866/QĐ-BTTTT về việc phân công công việc giữa Bộ trưởng và các Thứ trưởng Bộ TT&TT.

Theo Quyết định 866/QĐ-BTTTT, Bộ trưởng Bộ TT&TT lãnh đạo, quản lý chung mọi mặt hoạt động và công tác của Bộ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được Chính phủ giao; chịu trách nhiệm trước Trung ương, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về mọi hoạt động của Bộ theo quy định.

Các Thứ trưởng giúp Bộ trưởng chỉ đạo, thực hiện từng lĩnh vực công tác của Bộ theo sự phân công của Bộ trưởng, được sử dụng quyền của Bộ trưởng để giải quyết các công việc thuộc lĩnh vực được phân công hoặc được uỷ quyền và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về các quyết định của mình.
Cụ thể, Quyết định có nội dung chi tiết việc phân công nhiệm vụ của Bộ trưởng và các Thứ trưởng như sau:
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn trực tiếp Lãnh đạo, quản lý chung mọi hoạt động và công tác của Bộ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được Chính phủ giao; Chịu trách nhiệm trước Trung ương, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về mọi hoạt động của Bộ theo quy định.
Bộ trưởng cũng trực tiếp phụ trách các lĩnh vực: Chính sách, pháp luật; Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; báo chí; Tổ chức, cán bộ; Thanh tra; Hợp tác quốc tế; Chương trình, Đề án về phát triển ngành Thông tin và Truyền thông; Bảo vệ chính trị nội bộ; Thi đua - khen thưởng, Lịch sử - truyền thống; Cải cách hành chính; Phòng, chống tham nhũng, buôn lậu; Thực hành tiết kiệm và các công tác khác do Chính phủ giao.
Ngoài ra, Bộ trưởng còn theo dõi và chỉ đạo các đơn vị: Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Thi đua - Khen thưởng; Thanh tra Bộ; Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng phụ trách các lĩnh vực: Kế hoạch - Tài chính của Bộ; Định mức kinh tế - kỹ thuật, thống kê, thông tin kinh tế chuyên ngành thông tin và truyền thông; Pháp chế; Bưu chính và chuyển phát; Nội chính; An ninh - Quốc phòng, Quân sự của Bộ; Các Dự án về lĩnh vực Bưu chính, chuyển phát.
Khi Bộ trưởng vắng mặt, được Bộ trưởng uỷ quyền tổ chức điều phối hoạt động chung của Bộ, giải quyết công việc thuộc phạm vi thẩm quyền Bộ trưởng phụ trách theo quy chế làm việc và theo quy định của pháp luật.
Theo dõi và chỉ đạo các đơn vị: Vụ Kế hoạch - Tài chính; Vụ Bưu chính; Vụ Pháp chế; Văn phòng Bộ (bao gồm Đại diện văn phòng Bộ tại Đà Nẵng và Đại diện văn phòng Bộ thành phố Hồ Chí Minh); Ban Quản lý Dự án nâng cao khả năng truy cập Internet công cộng tại Việt Nam; Ban Quản lý dự án Bộ Thông tin và Truyền thông; Tổng công ty Bưu điện Việt Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng phụ trách các lĩnh vực: Công nghệ thông tin (bao gồm Công nghiệp CNTT; An toàn thông tin; Ứng dụng CNTT); Điện tử; Bản quyền về sản phẩm và dịch vụ Công nghệ thông tin và truyền thông; Các Dự án thuộc lĩnh vực Công nghệ thông tin, Điện tử. 
Theo dõi và chỉ đạo các đơn vị: Vụ Công nghệ thông tin; Cục Tin học hóa; Cục An toàn thông tin; Trung tâm Thông tin; Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia; Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam; Viện Công nghiệp phần mềm và Nội dung số Việt Nam; Ban Quản lý Dự án “Phát triển Công nghệ thông tin và truyền thông tại Việt Nam”; Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC.

Thứ trưởng Phạm Hồng Hải phụ trách các lĩnh vực: Viễn thông; Internet; Truyền dẫn phát sóng, tần số vô tuyến điện; Công tác phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai; Đổi mới tổ chức quản lý, tái cơ cấu, công tác cổ phần hóa doanh nghiệp, công tác đầu tư, tài chính và hoạt động của các doanh nghiệp; Các Dự án về lĩnh vực Viễn thông, Internet, Truyền dẫn phát sóng, tần số vô tuyến điện.  
Theo dõi và chỉ đạo các đơn vị: Cục Viễn thông; Cục Tần số vô tuyến điện; Cục Bưu điện Trung ương; Vụ Quản lý doanh nghiệp; Trung tâm Internet Việt Nam; Ban quản lý Chương trình viễn thông công ích; Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích Việt Nam; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; Tổng công ty Viễn thông MobiFone.
Thứ trưởng Phan Tâm giúp Bộ trưởng phụ trách lĩnh vực Hợp tác quốc tế; Phụ trách các lĩnh vực: Khoa học và Công nghệ; Sở hữu trí tuệ; Tiêu chuẩn chất lượng; Đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực; Hội nhập kinh tế quốc tế; Công tác Đảng, Đoàn thể. 
Theo dõi và chỉ đạo các đơn vị: Vụ Khoa học và Công nghệ; Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông; Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin Hữu nghị Việt - Hàn; Trường Cao đẳng công nghiệp In; Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản lý Thông tin và Truyền thông. 
Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo giúp Bộ trưởng phụ trách lĩnh vực Báo chí; Phụ trách các lĩnh vực: Xuất bản, in, phát hành; Thông tấn; Thông tin điện tử; Thông tin đối ngoại; Thông tin cơ sở; Bản quyền tác giả đối với các sản phẩm báo chí, xuất bản; Các Dự án thuộc lĩnh vực Báo chí, xuất bản, in, phát hành, thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở; Quản lý hoạt động thông tin báo chí, xuất bản của Bộ.

Theo dõi và chỉ đạo các đơn vị: Cục Báo chí; Cục Xuất bản, In và Phát hành; Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử; Cục Thông tin đối ngoại; Cục Thông tin cơ sở; Báo Bưu điện Việt Nam; Báo điện tử VietNamNet; Tạp chí Thông tin và Truyền thông; Nhà Xuất bản Thông tin và Truyền thông. 
Quyết định 866/QĐ-BTTTT có hiệu lực kể từ ngày ký.

Được biết, ngày 20/5 vừa qua, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng đắc cử Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) nhiệm kỳ 2017 – 2020. TS. Lê Doãn Hợp – Nguyên Chủ tịch Hội khoá I là Chủ tịch Danh dự của Hội trong khoá II.

Hội Truyền thông số Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 68/QĐ-BNV ngày 25/01/2011 của Bộ trưởng Bộ Nội Vụ và quyết định số 316/QĐ-BNV ngày 09/04/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt Điều lệ Hội Truyền thông số Việt Nam.

Mục đích của hội là tập hợp các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực truyền thông số và có liên quan đến truyền thông số nhằm góp phần đẩy mạnh công tác nghiên cứu, đào tạo, phổ biến, ứng dụng và phát triển hoạt động truyền thông số bằng dữ liệu điện tử phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, theo kịp sự phát triển khoa học, kỹ thuật của thế giới cũng như đáp ứng nhu cầu truyền thông số ngày càng cao của người dân Việt Nam.