Dư luận lại vừa một phen xôn xao với thu nhập của phi công Vietnam Airlines.
“Phi công VNA thu nhập trăm triệu mỗi tháng”, “Choáng với thu nhập của phi công Vietnam Airlines”,… đó chỉ là hai trong nhiều tiêu đề hút khách, cùng mô-típ, mà truyền thông đã sử dụng để phản ánh câu chuyện.
Tất cả bắt đầu từ Báo cáo thường niên 2015 mà Vietnam Airlines công bố. Đáng nói, đây cũng là lần đầu tiên công chúng được tiếp cận một Báo cáo thường niên đầy đủ của hãng bay này.
Bởi, VNA mới chỉ chính thức được cổ phần hóa và trở thành công ty đại chúng từ cuối năm 2014. Để rồi, với sự thay đổi đó, VNA phải tuân thủ các quy định công bố thông tin đối với một doanh nghiệp đại chúng.
Không lạ khi các thông tin về lương, thưởng của cán bộ, công nhân viên VNA lại thu hút sự chú ý của công chúng đến vậy.
Theo Báo cáo thường niên phát hành ngày 30/06/2016 – trang 21, mục 6.3 Chính sách liên quan đến người lao động, VNA cho biết, tổng số lao động của hãng thực hiện trong năm 2015 là 10.095 người, đạt 98,9% kế hoạch.
Trong đó, thu nhập bình quân của người lái là 101,0 triệu đồng/tháng, đạt 95,6% kế hoạch đề ra (105,6 triệu đồng/tháng); tiếp viên là 22,6 triệu đồng/tháng (23 triệu đồng/tháng), đạt 95,8% kế hoạch; và lao động còn lại là 14,2 triệu đồng/tháng, đạt 106,0% kế hoạch (13,4 triệu đồng/tháng).
So với mặt bằng xã hội, mức thu nhập nêu trên là khá ấn tượng, đặc biệt là thu nhập của đội ngũ phi công, lên tới cả trăm triệu đồng mỗi tháng, tức là bằng thu nhập năm của rất nhiều cán bộ, công chức và người lao động ở các ngành, lĩnh vực khác.
“Tiếng” và “miếng”
Song cũng cần phải nhận thức, phi công lái máy bay thương mại, là một công việc rất đặc thù, nhiều áp lực, đòi hỏi trình độ thể lực, trí lực cao; trong cả vạn người, thậm chí chục vạn người mới có thể tìm và đào tạo được một phi công. Do đó, việc đem ra so sánh mức thu nhập của phi công với các lao động phổ biến khác sẽ là không thỏa đáng.
Thứ nữa, cũng cần lưu ý, rằng con số thu nhập bình quân 101,0 triệu đồng/tháng của người lái ở Vietnam Airlines là kết quả của một phép toán bình quân gia quyền, “cào bằng” giữa thu nhập của cơ trưởng, cơ phó, cơ trưởng giáo viên…; giữa phi công nhiều kinh nghiệm và người mới vào nghề; giữa phi công giữa các đội bay (loại tàu bay); và đặc biệt là giữa cả phi công người Việt và phi công ngoại quốc.
Nên biết, do số lượng phi công nội địa còn hạn chế nên Vietnam Airlines đang phải thuê một lượng đáng kể phi công từ nước ngoài. Và mức lương chi trả cho phi công ngoại quốc và phi công Việt Nam cũng có sự phân biệt.
Thực tế này đã được đại diện Vietnam Airlines xác nhận, và như tuyên bố của ông Nguyễn Bùi Lâm, Phó Ban Tổ chức và Phát triển nguồn nhân lực VNA vào đầu năm 2015 thì, phấn đấu đến cuối năm 2015, thu nhập của phi công trong nước sẽ đạt mức 75 – 80% so với phi công nước ngoài ở chức danh tương tự.
Tuy nhiên, trao đổi với VietTimes, một số phi công VNA lại cho hay, hiện mức thu nhập của phi công nội mới chỉ bằng nửa phi công ngoại. “Đâu có 75 – 80%. Cơ trưởng nội thì bằng ½ ngoại, còn cơ phó chỉ bằng có 40% ngoại thôi”, một người nói. Đồng thời tiết lộ thêm về mức lương của các đồng nghiệp ngoại, “lương của cơ phó ngoại quốc ở Vietnam Airlines dao động từ $7.000 - $9.000/tháng, còn cơ trưởng (captain) là từ $11.000 - $13.000/tháng”.
Để chứng minh cho thông tin mà mình cung cấp, một cơ phó không ngần ngại rút điện thoại và mở tin nhắn báo lương cho phóng viên sở thị. Với nội dung “DB919 TT TIEN LUONGPC TRACH NHIEM VA LUONG SP CHANG BAY T6/2016”, tin nhắn thông báo, mức lương mà phi công này được trả trong tháng là hơn 60 triệu đồng.
“Lấy đâu ra lương hàng trăm triệu mỗi tháng. Một cơ phó “cứng”, 6 năm, “5000” giờ bay kinh nghiệm như tôi lương chỉ khoảng 60-65 triệu đồng. Lương một cơ trưởng nội lái máy bay Boeing 787 - 900, hiện đại nhất của VNA, cũng chỉ 100-105 triệu đồng”, anh tỏ ý không hài lòng với thông tin lương tháng trăm triệu mà báo đài xôn xao những ngày qua.
Chuyện cũ…
Cuộc trò chuyện đưa phóng viên và nhóm phi công nhớ lại một câu chuyện cũ, mà cũng chưa hẳn là cũ: Cuộc lãn công của phi công VNA, diễn ra vào dịp cuối 2014, đầu 2015, mà nguyên nhân sâu xa cũng là vấn đề đãi ngộ và điều kiện làm việc. Khi đó, thống kê từ 30/12/2014 đến 4/1/2015, có đến 117 lượt phi công của Vietnam Airlines báo ốm, trong đó 90% nằm ở các đội bay tàu bay Airbus…
Một người trong số phi công nhắc lại phát biểu của Tổng giám đốc VNA khi đó là ông Phạm Ngọc Minh (hiện là Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines) trên một tờ báo: “Hiện thu nhập của các phi công ở Vietnam Airlines khoảng 200 triệu đồng/tháng, cao hơn lương của giáo sư, tiến sĩ và lao động ở các lĩnh vực khác ở Việt Nam”; “Họ phải suy nghĩ mức lương họ đang được hưởng là bao nhiêu và với số tiền đó có chật vật khi sống ở Việt Nam hay không…”.
Phát biểu này không khỏi khiến dư luận dấy lên câu hỏi, hướng về phía các phi công VNA xin nghỉ việc – tất nhiên họ đều là phi công nội, với mức thu nhập khác xa phi công ngoại – rằng: Tại sao mức lương “khủng” như vậy mà phi công còn thi nhau nghỉ việc (?!), mà quên đi nhiều góc cạnh đáng ra nên tìm hiểu hơn.
Nói lại chuyện cũ và nhắc lại con số thu nhập bình quân, 101 triệu đồng/tháng - mà đã được ghi nhận là cao nhất nhiều năm qua, họ cười…
Giang Nguyên Dũng