Vụ thử - được thực hiện lúc 8h30 ngày 12/12 (giờ địa phương) – được thực hiện với một đầu đạn truyền thống. Nó được chuẩn bị suốt nhiều tháng qua, mà trước đó các quan chức trong Bộ Quốc phòng Mỹ đã nêu rõ là họ hy vọng sẽ tiến hành vào thời điểm trước khi kết thúc năm nay.
“Không quân Mỹ, phối hợp với Văn phòng Các khả năng Chiến lược (SCO), đã thực hiện một vụ phóng thử một mẫu tên lửa đạn đạo nguyên bản phóng từ mặt đất từ căn cứ không quân Vandenberg, bang California” – phát ngôn viên Lầu Năm Góc Robert Carver nói trong một tuyên bố.
“Tên lửa được thử nghiệm đã rời bệ phóng tĩnh và kết thúc hành trình trên vùng biển rộng, sau khi bay được quãng đường hơn 500 km. Dữ liệu thu thập và kết quả nghiên cứu được từ vụ thử này sẽ được sử dụng để phát triển các khả năng tầm trung trong tương lai của Bộ Quốc phòng” – tuyên bố nói thêm.
Chỉ ít phút sau khi đoạn video ghi cảnh vụ thử được công bố, cộng đồng các nhà quan sát đã nhanh chóng đưa ra giả thuyết cho rằng tên lửa mới này là một phiên bản được chỉnh sửa của một tên lửa phòng thủ từng được sử dụng trong các vụ thử khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo trước đây. Nếu giả thuyết là đúng thì việc hợp tác với SCO trong vụ thử vừa qua là hợp lý, bởi SCO là bên chuyên cải biến các hệ thống vũ khí hiện hữu của Lầu Năm Góc thành các loại vũ khí có khả năng ứng dụng mới.
Việc cải tiến một tên lửa phòng thủ để biến nó thành một vũ khí tấn công là động thái hết sức đáng chú ý. Trước đây, Nga từng nhiều lần cáo buộc Mỹ nâng cấp các hệ thống phòng thủ tên lửa của họ ở châu Âu để có thêm khả năng tấn công.
Trong lúc đưa ra tuyên bố về vụ thử, ông Carver từ chối đưa ra thông tin chi tiết hơn về thiết kế tên lửa mới, cũng không nhắc tới kế hoạch thử nghiệm tên lửa này trong tương lai.
Tuy nhiên, vị quan chức nói với Defense News rằng hãng Northrop Grumman Innovation Systems “là nhà thầu chính trong việc thực hiện nhiệm vụ này”. Northrop vốn là nhà cung ứng các hệ thống tên lửa đẩy nhiên liệu rắn và lỏng, động cơ phụ cho tên lửa đánh chặn và cả các phương tiện bị đem ra làm mục tiêu trong các vụ thử tên lửa phòng thủ.
Trong một vụ thử hồi tháng 8 năm nay – vụ thử tên lửa hành trình phóng từ mặt đất đầu tiên kể từ sau khi Mỹ rút khỏi INF – đã xuất hiện một biến thể của tên lửa hành trình Tomahawk được phóng từ hệ thống phóng thẳng đứng Mark 41. Mặc dù Mark 41 là hệ thống phóng được sử dụng trong tổ hợp phòng thủ tên lửa Aegis Ashore, Lầu Năm Góc vào thời điểm đó nói rằng nó là một biến thể khác của Mark 41, và điều đó không có nghĩa rằng Aegis Ashore sẽ được trang bị thêm khả năng tấn công – điều mà Nga từ lâu đã cáo buộc Mỹ đang thực hiện đối với các hệ thống Aegis Ashore tại châu Âu.
Nếu như giới chuyên gia xác nhận được vụ thử vừa qua sử dụng tới một tên lửa từng được sử dụng vì mục đích phòng thủ, chắc chắn sẽ còn có nhiều phản ứng từ các nước khác. Tuy nhiên, giờ các chuyên gia sẽ phải chờ đợi để có thêm thông tin và theo dõi phản ứng các nước – có khả năng là từ Nga hoặc Triều Tiên.
Mỹ đã đơn phương rút khỏi INF vào ngày 2/8 năm nay, sau khi tuyên bố rằng hiệp ước này không còn phục vụ lợi ích của nước Mỹ. INF được ký năm 1987 giữa Mũ và Liên Xô, quy định cấm các tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo cả truyền thống và hạt nhân với tầm bắn trong khoảng 500 – 5.500 km. Mỹ và các đồng minh NATO suốt nhiều năm liền cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước này, trong khi Moscow cực lực bác bỏ các cáo buộc trên.
(Theo Defense News)