Hiệp ước Bầu trời mở được ký năm 1992 và có hiệu lực từ năm 2002, trong đó cho phép 34 nước thành viên thực hiện các chuyến bay do thám không mang vũ khí trên lãnh thổ của nước khác. Việc Mỹ rời khỏi hiệp ước này có thể ảnh hưởng tới khả năng thực hiện các chuyến bay do thám của Mỹ đối với Nga và các nước thành viên khác.
Theo Cơ quan Giảm thiểu Đe dọa quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, hiệp ước Bầu trời mở rất hữu hiệu trong việc xác nhận thực thi các thỏa thuận kiểm soát vũ trang.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Hiệp ước này "được thiết kế nhằm tăng cường lòng tin và sự hiểu biết lẫn nhau, bằng cách cho phép tất cả các bên ký kết giữ một vai trò trực tiếp trong việc thu thập thông tin thông qua những hình ảnh chụp các lực lực quân sự cùng các hoạt động liên quan từ trên không".
Nếu có quyết định chính thức thì đây sẽ là một hiệp ước quốc tế lớn mà Mỹ tiêu hủy. Hồi tháng 8 vừa qua, Mỹ đã chính thức rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) ký với Nga, chấm dứt một thỏa thuận kiểm soát vũ trang quan trọng vốn giúp hạn chế triển khai các loại tên lửa phóng từ mặt đất với tầm bắn từ 500 - 5.500 km.
Giới phân tích lo ngại rằng quyết định rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở sẽ làm dấy lên một cuộc chạy đua vũ trang mới đầy nguy hiểm giữa Mỹ và Nga. CNN cũng đưa tin rằng quân đội Mỹ có kế hoạch thử nghiệm một tổ hợp tên lửa hành trình di động phi hạt nhân được thiết kế đặc biệt để thách thức Nga ở châu Âu.
Trong một tuyên bố đưa ra hôm 9/10, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay họ đã nắm được thông tin về bức thư phản đối của giới lập pháp đảng Dân chủ liên quan tới Hiệp ước Bầu trời mở.
"Chúng tôi không bình luận về phản ứng từ phía Quốc hội. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực thi Hiệp ước này và tuân thủ hoàn toàn các cam kết theo Hiệp ước, không giống như Nga" - phát ngôn viên trên cho hay.
Nhà Trắng và Lầu Năm Góc hiện cũng chưa có bình luận gì về sự việc. Tuy nhiên, đảng Dân chủ đã nhanh chóng chỉ trích dự định trên của chính quyền Trump.
"Rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở, một thỏa thuận kiểm soát vũ trang đang phương quan trọng, sẽ là một món quà khác mà chính quyền Trump trao cho Tổng thống Nga Vladimir Putin" - bức thư mà các thành viên của đảng Dân chủ tại các Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, Ủy ban Quân vụ Hạ viện; Ủy ban Quân vụ Thượng viện và Ủy ban Đối ngoại Thượng viện gửi cho Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, Ngoại trưởng Mike Pompeo nêu rõ.
Đại sứ quán Nga tại Mỹ cũng đưa ra bình luận trên Twitter để thể hiện rõ sự ủng hộ của họ đối với Hiệp ước Bầu trời mở, trong đó nói rằng: "Chúng tôi xem Hiệp ước Bầu trời mở là một nền tảng quan trọng trong việc đảm bảo an ninh của châu Âu, ngang với thỏa thuận Vienna 2011 liên quan tới xây dựng lòng tin và an ninh".
Năm 2017, một máy bay không mang vũ khí của không quân Nga đã bay qua đồi Capitol, Lầu Năm Góc, trụ sở của CIA và căn cứ Andrew với cao độ thấp như một phần trong Hiệp ước Bầu trời mở.
Mỹ trước đây từng cáo buộc Moscow áp đặt nhiều hạn chế bay gần khu vực Kaliningrad, khu vực nằm giữa Ba Lan và Lithuania nơi mà quân đội Nga có sự hiện diện dày đặc.
(Theo CNN)