Cần phải đẩy mạnh tái cơ cấu để có hệ thống ngân hàng lành mạnh, có sức cạnh tranh.
Thống đốc chia sẻ, trước đây, khi mới nhậm chức, bản thân nội lực của NHNN tham gia can thiệp vào các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng còn nhiều hạn chế, do chính sách tiền tệ chạy theo thị trường. Bởi vậy, giai đoạn 1 của tái cơ cấu chỉ tập trung vào những ngân hàng cực kỳ yếu kém, nếu không thì hệ thống sẽ bị đổ vỡ.
“Nhưng đến nay tình hình đã khác, thị trường tiền tệ ổn định, bởi vậy, NHNN sẽ làm mạnh tái cơ cấu để ổn định, lành mạnh hệ thống. Do vậy, giai đoạn hai của tái cơ cấu sẽ có sự tham gia tích cực của NHNN, bởi thời điểm này chính sách tiền tệ đã có thể dẫn dắt thị trường”, Thống đốc chia sẻ.
Sẽ có một số ngân hàng được mua lại với giá 0 đồng
Ngay từ đầu năm, một động thái chưa có tiền lệ, đó là Ngân hàng Nhà nước đã mua lại Ngân hàng Xây dựng với giá 0 đồng. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ có những bước tiếp theo như thế nào để tái cơ cấu hệ thống ngân hàng?
Khi các cổ đông đã làm mất hết vốn của mình, thậm chí là dùng cả vốn của xã hội thì những cổ đông đó phải ra đi, Nhà nước phải tiếp quản lại để giữ được ổn định của hệ thống. Điều hành phù hợp với pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế. Hơn nữa, làm như vậy để đảm bảo được quyền lợi hợp pháp của người dân và doanh nghiệp trong ngân hàng đó.
Sắp tới cũng sẽ phát triển mạnh mẽ chương trình này và cũng không chỉ có Ngân hàng Xây dựng mà còn có một số ngân hàng khác cũng sẽ được xử lý như vậy. Mục tiêu chung là trong 6 tháng đầu năm sẽ triển khai quyết liệt để theo dõi trong 6 tháng cuối năm cho hoạt động được ổn định hơn.
Nhiều ngân hàng sẽ hợp nhất, sáp nhập và cũng sẽ có một số ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước mua lại như Ngân hàng Xây dựng. Kể cả những ngân hàng đang khỏe mạnh cũng sáp nhập lại với nhau để tạo ra một ngân hàng có quy mô lớn hơn và có khả năng hoạt động tốt hơn.
Cũng sẽ có cả những ngân hàng nhà nước sáp nhập lại với nhau, ngân hàng thương mại nhà nước sáp nhập với ngân hàng cổ phần và cả những ngân hàng cổ phần hoạt động lành mạnh cũng sáp nhập với nhau. Hy vọng trong năm 2015 sẽ xử lý ít nhất từ 6 – 8 ngân hàng.
Thống đốc từng nói về ý muốn chủ quan của Ngân hàng Nhà nước trong việc hình thành một vài ngân hàng có quy mô vươn tầm khu vực. Ý muốn này cũng được thực hiện từ việc sáp nhập hai ngân hàng lại với nhau?
Thực tế hệ thống ngân hàng còn yếu kém lắm. Bởi vậy, với ý muốn chủ quan của Ngân hàng Nhà nước là phải đẩy mạnh tái cơ cấu để tăng năng lực của ngân hàng cũng như có một vài ngân hàng làm trụ cột cho hệ thống.
Chính vì còn yếu kém nên cần phải đẩy mạnh tái cơ cấu để có một hệ thống ngân hàng khỏe mạnh, có sức cạnh tranh, đặc biệt là có được 1 - 2 ngân hàng vươn tầm khu vực không chỉ về quy mô, vốn điều lệ mà sức cạnh tranh, thương hiệu. Để có được điều đó, chỉ còn cách đưa hệ thống ngân hàng vào khuôn khổ.
Làm thế nào để có được một hệ thống như thế cũng đã có câu trả lời. Với số lượng ngân hàng nội hiện nay nhưng quy mô nhỏ thì nên sáp nhập lại với nhau. Còn với những ngân hàng lớn, thì cần tìm thêm ngân hàng sáp nhập vào hệ thống. Với giải pháp này, những ngân hàng tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu sẽ giúp được Ngân hàng Nhà nước xử lý những ngân hàng yếu kém.
Dường như cách làm đó không được nhiều ngân hàng ủng hộ lắm, do lo ngại những vấn đề xử lý hậu sáp nhập như nợ xấu, nhân sự… Quan trọng hơn, liệu việc sáp nhập có mang lại lợi ích thật sự, đó là nguồn vốn, cơ sở khách hàng và nhân sự hay chỉ là những “bánh vẽ”?
Khi tôi có đề xuất này thì trong đầu các lãnh đạo ngân hàng đã có suy nghĩ tham gia xử lý ngân hàng yếu kém họ có được lợi gì không? Và hầu hết đều cho rằng lại mất tiền để xử lý hậu sáp nhập từ những ngân hàng yếu kém.
Nhưng tôi khẳng định, những ngân hàng tham gia tái cơ cấu đợt này không hề bị mất mát gì. Cái mà các ngân hàng bỏ ra đó là công sức, uy tín, nhân lực… còn cơ chế chính sách thì cơ quan quản lý đảm bảo làm sao để không bị thua thiệt.
Cái được rất lớn, đó là bỗng dưng có mấy chục, mấy trăm chi nhánh mà không mất đồng nào, lại còn được tiếng với Ngân hàng Nhà nước. Với tình hình hiện tại, dù có vui thì Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ chấp thuận cho thành lập đến 2 - 3 điểm giao dịch trong một năm là cùng. Trong khi, nếu sáp nhập với ngân hàng khác thì sau một ngày có thêm vài chục hoặc vài trăm điểm giao dịch mới mà không mất đồng nào.
Nói như thế để những ngân hàng nhỏ muốn xây dựng thành ngân hàng lớn thì cần phải xác định đối tác của mình để sáp nhập, còn những ngân hàng lớn muốn vươn tầm khu vực thì nên chọn đối tác để nhập vào hệ thống. Chỉ có thông qua tái cơ cấu theo hướng này chúng ta mới đạt được mục tiêu đó.
Mặc dù là ý muốn chủ quan của Ngân hàng Nhà nước nhưng các ngân hàng có tham gia hay không là tự nguyện. Nhưng cần phải nói thẳng với nhau là mình làm được gì, nếu không làm thì để cho ngân hàng khác làm. Mọi thứ cần phải sòng phẳng, nhưng phải bằng tinh thần cố gắng nhất, quyết liệt nhất.
"Yên tâm lãi suất và tỷ giá"
Vấn đề mà thị trường quan tâm nhất hiện nay, đó là nợ xấu. Liệu mục tiêu đưa nợ xấu về 3% của Ngân hàng Nhà nước trong năm nay có khả thi không?
Nội dung về xử lý nợ xấu Ngân hàng Nhà nước đã triển khai và chỉ đạo quyết liệt. Tôi muốn các NHTM, nhất là khối nhà nước tiên phong trong xử lý nợ xấu. Đề án giảm nợ xấu về dưới 3% có nhiều người bảo tôi chủ quan hay sao mà đề ra như thế, nhưng cái này đã có nghiên cứu xem xét và thấy khả thi nhưng các ngân hàng phải quyết liệt. Trước hết, các NHTM nhà nước phải là trụ cột.
Thực tế, ngay từ đầu nhiệm kỳ này, chúng tôi cũng xác định vấn đề xử lý nợ xấu là một nội dung quan trọng và sẽ theo suốt trong cả nhiệm kỳ. Tôi vẫn còn nhớ phát biểu của Thủ tướng Chính phủ khi tới dự hội nghị triển khai nhiệm vụ hoạt động ngân hàng trong năm 2012: “Đất nước chúng ta còn đang có nhiều khó khăn, ngân sách còn rất eo hẹp. Vậy việc xử lý nợ xấu là Chính phủ trông chờ vào nỗ lực của hệ thống ngân hàng”.
Mặc dù không có những cơ chế hỗ trợ khác như các nước nhưng tính đến tháng 8/2014, nợ xấu đã xử lý được trên 54% số nợ xấu phát sinh từ năm 2012 bằng chính các nguồn lực và giải pháp của hệ thống ngân hàng. Chúng tôi đã cam kết trước Quốc hội đến hết 2015 sẽ đưa nợ xấu về mức dưới 3%.
Thực tế, lời hứa này là có cơ sở thực tiễn và khoa học phân tích tất cả các giải pháp cũng như thực trạng của hệ thống ngân hàng. Từ đó, chúng tôi khẳng định mục tiêu đó là khả thi nhưng phải hết sức cố gắng.
Các NHTM dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước vẫn phải tích cực trích lập dự phòng rủi ro để tự bản thân ngân hàng có thể xử lý được nợ xấu hoặc một phần nợ xấu.
Ngân hàng Nhà nước làm thế nào để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 13 – 15%? Một trong những giải pháp kích cầu tín dụng đó là giảm lãi suất sẽ được thực hiện như thế nào trong năm 2015?
Năm 2014 mục tiêu tăng trưởng tín dụng đặt ra là 12-14% để các ngân hàng phấn đấu, nhưng mục tiêu năm nay là 15% để hạn chế tín dụng tăng đến mức này thôi, vì có thể cầu tín dụng tốt lên trong năm nay.
Khi đặt ra mục tiêu này, chúng tôi đã phân tích trên tất cả các yếu tố, các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và các khả năng đầu tư của nền kinh tế thì thấy rằng ở mức 13 – 15% là hợp lý. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thấy tăng trưởng tín dụng là gắn kết với các chỉ tiêu khác.
Năm nay có những yếu tố có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế chung của đất nước, đặc biệt là việc tăng giảm của giá dầu. Cũng không loại trừ những khả năng trong thời gian tới giá dầu có thể hồi phục ở một mức độ nào đó. Tất cả việc tăng và giảm mạnh như trong thời gian qua đều tác dụng bất lợi đối với ổn định kinh tế vĩ mô. Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 13 - 15% đó là trong bối cảnh bình thường.
Nếu trong trường hợp cần thiết để bảo đảm cho hỗ trợ tăng trưởng, nếu như giá dầu có những biến động bất lợi mà ảnh hưởng tới tăng trưởng thì chúng tôi có thể điều chỉnh chỉ tiêu này lên mức khoảng 17% để đảm bảo cho nền kinh tế của chúng ta vẫn phát triển ở mức trên 6,2% và vẫn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô nói chung.
Riêng về lãi suất, về cơ bản sẽ giữ mặt bằng lãi suất ổn định như hiện nay. Nếu trong điều kiện thuận lợi hơn thì sẽ cố gắng làm sao giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn xuống thêm 1 - 1,5% để tạo điều kiện hỗ trợ thêm cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất. Đặc biệt, đối với doanh nghiệp áp dụng các khoa học công nghệ mới để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước khẳng định tỷ giá năm 2015 sẽ ổn định và điều chỉnh không quá 2% nhưng vẫn còn nhiều ý kiến lo ngại về tính khả thi của mục tiêu này, khi ngay từ đầu năm đã điều chỉnh 1%. Thống đốc có bình luận gì về mục tiêu tỷ giá này?
Thông điệp điều chỉnh 2% trong năm 2015 không phải là ý muốn chủ quan của chúng tôi mà được dựa trên các dự báo, phân tích hết sức kỹ lưỡng. Trong suốt thời gian vừa qua, công tác dự báo và phân tích của chúng tôi đã đạt được những kết quả rất tốt.
Trên thực tiễn, tất cả những dự báo, định hướng đều hoàn toàn phù hợp với kết quả thực hiện được. Do vậy, dự báo và định hướng ổn định tỷ giá với mức điều chỉnh không quá 2% là khả thi. Còn việc Ngân hàng Nhà nước chủ động điều chỉnh ngay từ đầu năm 1% tỷ giá là có nguyên nhân.
Về mặt khách quan, đáng ra vào tháng 11/2014, Ngân hàng Nhà nước cũng nên điều chỉnh tỷ giá thêm 1% nữa. Tuy nhiên, chúng tôi quyết định không điều chỉnh vào thời điểm đó vì có các lý do.
Thứ nhất, nếu chúng ta điều chỉnh vào lúc đó thì sẽ gây ra bị động cho các doanh nghiệp vì họ đã có kế hoạch sản xuất, kinh doanh của cả năm rồi. Thời điềm đó cũng là những tháng cuối sắp sửa chốt lại kết quả kinh doanh. Nếu điều chỉnh, nhất là những doanh nghiệp nhập khẩu sẽ bị ảnh hưởng tới phần thu nhập lợi ích của họ.
Thứ hai, trong năm 2014 Ngân hàng Nhà nước đã mua vào một lượng ngoại tệ rất lớn nên cung ra một lượng tiền VND cũng rất lớn. Đây cũng là dịp để Ngân hàng Nhà nước hút bớt lại tiền lưu thông.
Theo Bizlive