Thiên tài đầu tư Charlie Munger là ai?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Với tư cách là Phó Chủ tịch Berkshire Hathaway, trí thông minh sắc bén của Charlie Munger đã khiến nhiều thế hệ nhà đầu tư ngưỡng mộ.

2.png
Charlie Munger cũng là một nhà đầu tư xuất sắc theo đúng nghĩa, không thua kém Warren Buffett (Ảnh: Reuters)

Theo thông báo của Berkshire Hathaway, ông Munger đã từ trần vào sáng ngày 28/11/2023. Gia đình ông thông báo rằng ông đã ra đi thanh thản tại một bệnh viện ở California. Người bạn thân nhất và người cố vấn của tỉ phú Warren Buffett chuẩn bị tròn 100 tuổi vào ngày đầu năm mới.

Là cộng sự hoàn hảo của Warren Buffett, Charlie Munger cũng là một nhà đầu tư xuất sắc theo cách riêng của mình. Ông bắt đầu quản lý các đối tác đầu tư vào năm 1962. Từ đó đến năm 1969, S&P 500 tăng trung bình 5,6% mỗi năm. Các công ty đối tác của Buffett mang lại lợi nhuận trung bình 24,3% mỗi năm. Munger thậm chí còn làm tốt hơn, đạt mức tăng trung bình hàng năm là 24,4%.

Warren Buffett từng chia sẻ: “Berkshire Hathaway không thể có được ngày hôm nay nếu không có nguồn cảm hứng, trí tuệ và sự chung tay của Charlie Munger”.

Munger là ai?

Charles Thomas Munger sinh ra ở Omaha, Nebraska, vào ngày đầu năm mới 1924. Cha ông, Alfred, là một luật sư; mẹ là Florence, một người nội trợ có niềm đam mê đọc sách.

Munger học chuyên ngành toán tại ĐH Michigan, sau đó bỏ học để gia nhập Không quân Mỹ trong Thế chiến II. Munger được cử đi nghiên cứu nhiệt động lực học và khí tượng học tại Đại học New Mexico và Viện Công nghệ California. Sau đó, ông được gửi đến căn cứ không quân ở Nome, Alaska, nơi Munger đảm nhận vai trò dự báo thời tiết.

Sau chiến tranh, Munger đã thuyết phục một trưởng khoa tại Trường Luật Harvard nhận ông mà không cần bằng đại học. Ông đã tốt nghiệp loại xuất sắc.

Ông từng cân nhắc việc tham gia hành nghề luật sư giống cha mình ở Omaha trước khi định cư ở Nam California. Cuối cùng, ông và một số đối tác đã mở văn phòng luật sư riêng vào năm 1962. Ngày nay, công ty có tên Munger, Tolles & Olson, có khoảng 200 luật sư.

Cuộc hôn nhân đầu tiên của ông với bà Nancy Huggins đã kết thúc bằng cuộc ly hôn. Ông kết hôn với người vợ thứ hai, Nancy Barry Borthwick, vào năm 1956. Bà mất năm 2010. Họ có với nhau 4 người con, và mỗi người có 2 người con từ những cuộc hôn nhân trước.

1.png
Charlie Munger tạo dáng trong loạt ảnh năm 1988 (Ảnh: Getty)

Munger từng phải đối mặt với những bi kịch: Năm 1955, con trai ông là Teddy qua đời vì bệnh bạch cầu lúc lên 9 tuổi. Munger từng kể ông đã đi lang thang trên đường phố Pasadena trong nước mắt khi mất con. Hơn 6 thập kỷ sau, ông vẫn nghẹn ngào khi nhớ lại nỗi đau mà con trai mình phải chịu đựng.

Năm 1978, một bác sĩ phẫu thuật đã gây tổn thương trong quá trình phẫu thuật đục thủy tinh thể, khiến Munger bị mù một mắt, sau đó phải phẫu thuật cắt bỏ. Ông từ chối đổ lỗi cho bác sĩ, cho rằng 5% những ca phẫu thuật như vậy đều có biến chứng. Đối với ông, như mọi khi, vấn đề chỉ là những con số.

Munger tự học chữ nổi Braille, sau đó nhận ra rằng mình vẫn có thể nhìn đủ rõ để đọc. Ông đã tự lái được xe trước sự sửng sốt của bạn bè và gia đình cho mãi đến khi 90 tuổi.

“Nhân vật phụ” được yêu mến

Charlie Munger, trái, và Warren Buffett được chiếu trên màn hình lớn tại cuộc họp cổ đông thường niên của Berkshire Hathaway năm 2009 (Ảnh: AP)
Charlie Munger, trái, và Warren Buffett được chiếu trên màn hình lớn tại cuộc họp cổ đông thường niên của Berkshire Hathaway năm 2009 (Ảnh: AP)

Trước công chúng, đặc biệt là trước hàng chục nghìn người tham dự các cuộc họp thường niên của Berkshire, Munger chiều theo Buffett, để cho vị Chủ tịch công ty chiếm lấy micro và ánh đèn sân khấu. Munger thường xuyên khiến đám đông phải bật cười khi nói rằng “Tôi không có gì để nói thêm cả.”

Hai nhà điều hành Berkshire Hathaway gặp nhau vào năm 1959 khi Munger, lúc bấy giờ đã chuyển đến Los Angeles, đến dự một bữa tối ở quê nhà mà Buffett cũng tham dự.

Họ đã biết tên nhau từ trước: Munger làm việc tại cửa hàng tạp hóa của ông nội Buffett khi còn là một cậu bé. Một trong những nhà đầu tư đầu tiên trong công ty hợp danh của Buffett đã đầu tư tiền cho ông chỉ vì “Anh làm tôi nhớ đến Charlie Munger”.

Người vợ đầu tiên của Buffett, Susan, khi nhớ lại bữa tối đó, đã nói vào năm 1998: “Tôi nghĩ Warren cảm thấy Charlie là người thông minh nhất mà anh ấy từng gặp, và tôi nghĩ Charlie cũng có cảm giác tương tự với Warren ”.

Họ ngay lập tức quý mến nhau và chẳng bao lâu sau trở nên không thể tách rời, thường xuyên nói chuyện qua điện thoại nhiều lần trong ngày.

Một bức ảnh từ chuyến đi đến Savannah, Georgia vào những năm 1980 cho thấy hai nhà đầu tư trông giống nhau một cách kỳ lạ: nói chuyện và sải bước đều đặn, cả hai đều mặc quần kaki và áo sơ mi xanh có cổ hở. Mọi thứ từ chiều cao đến đường chân tóc, từ gọng kính cho đến nếp nhăn trên quần áo, dường như đều khớp với nhau.

Hình tượng của Munger là Benjamin Franklin, người mà ông ngưỡng mộ vì sự tò mò, khéo léo và hóm hỉnh. Tính cách của Munger với sự hài hước sâu sắc, sự thẳng thắn đến khó tin và thái độ coi thường những hiểu biết thông thường đã khiến ông trở thành một người nổi tiếng trong giới đầu tư.

Charlie Munger tại cuộc họp cổ đông của Berkshire Hathaway năm 1997 (Ảnh: Getty)

Charlie Munger tại cuộc họp cổ đông của Berkshire Hathaway năm 1997 (Ảnh: Getty)

Trong các phiên hỏi đáp tại cuộc họp thường niên của Berkshire, Munger thường ngồi im lặng khi Buffett đọc những đoạn văn phức tạp. Những khán giả yêu mến Munger biết rằng ông đang chờ để giải thích ngắn gọn.

Tại cuộc họp thường niên của Berkshire năm 2000, một cổ đông đã hỏi việc đầu cơ cổ phiếu Internet sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế như thế nào. Buffett đã trả lời gần 550 từ. Munger chỉ nói đơn giản vài từ, "nếu bạn trộn nho khô với phân, chúng vẫn là phân".

Trong một bài viết đăng tải trên tờ Wall Street Journal năm 2023, xuất bản vào thời điểm ông 99 tuổi, Munger đã kêu gọi Chính phủ Mỹ cấm bitcoin và các loại tiền mã hoá khác, nói rằng tiền mã hoá là “một hợp đồng đánh bạc với gần 100% phần thắng cho nhà cái”. Trước đó, ông mô tả bitcoin là “thuốc diệt chuột”.

“Thày dạy đầu tư” của Buffett

Munger và Buffett từ lâu đã có chiến lược đầu tư khác biệt. Buffett, dưới sự ảnh hưởng của người cố vấn Benjamin Graham, mua hầu hết mọi doanh nghiệp, ngay cả khi nó "sắp chết", miễn là rẻ.

Trong khi đó, Munger lại tập trung vào các doanh nghiệp lớn với mức giá chấp nhận được, cho rằng khả năng tạo ra tiền mặt trong tương lai của chúng sẽ bù đắp cho việc đưa ra một mức giá khởi điểm cao.

im-103656.jpg
Charlie Munger, trái, bắt tay với Eitan Wertheimer, chủ tịch hội đồng quản trị của Iscar Metalworking, Warren Buffett và Stef Wertheimer, người sáng lập Iscar, ở Tefen, Israel năm 2006 (Ảnh: AP)

Về mặt cá nhân, Buffett, 93 tuổi, thường nhắc đến Munger. Năm 1971, Munger thuyết phục ông mua See's Candy Shops với mức giá gấp 3 lần giá trị tài sản ròng của chuỗi cửa hàng này - một “mức giá hời”, Buffett sau này nhớ lại, cho rằng mức giá đó cao hơn nhiều so với mức giá mà ông thường chi trả.

Và trong những thập kỷ sau đó, See’s Candy Shop đã tạo ra doanh thu cộng gộp 2 tỉ USD cho Berkshire.

Như Buffett đã viết vào năm 2015: “Thương vụ mua bán này đã chấm dứt việc tôi theo đuổi những khoản đầu tư “xì gà hút dở” (cigar butts investing) – đầu tư vào những công ty tầm thường với mức giá được “mặc cả” – và thúc đẩy tôi theo đuổi những doanh nghiệp tuyệt vời được bán với giá hợp lý”. Anh ấy nói thêm, “Charlie đã thúc giục tôi học điều này trong vài năm, nhưng tôi là người học chậm”.

Buffett còn tôn trọng Munger nhiều hơn khi chứng kiến phó tướng của mình kiên quyết trong việc từ chối các khoản đầu tư tiềm năng, bao gồm cả những khoản mà lẽ ra Buffett có thể đã thực hiện. Nhưng Munger, người bị mê hoặc bởi kỹ thuật và công nghệ, cũng là người thúc đẩy Buffett, vốn sợ công nghệ, đặt cược lớn vào BYD, nhà sản xuất pin và xe điện của Trung Quốc, và Iscar, một nhà sản xuất công cụ của Israel.

Triết lý sống và khiếu hài hước không đổi

Bằng lòng với hình ảnh công chúng của mình với tư cách là người bạn đồng hành của Buffett, Munger cũng tích lũy được tài sản cho riêng mình.

Ông đã quyên góp cho nhiều tổ chức, từ ĐH Stanford và Bệnh viện Good Samaritan ở Los Angeles cho đến tổ chức Planned Parenthood. Ông cũng là một kiến ​​trúc sư nghiệp dư và sống trong ngôi nhà do chính ông thiết kế vào những năm 1950. Về cuối đời, ông bận rộn với việc thiết kế các tòa nhà cho khuôn viên trường đại học và trung học.

Bên cạnh đó, Munger cũng thu hút được nhiều người hâm mộ của riêng mình. Munger làm chủ tịch Wesco Financial, một công ty con của Berkshire. Người hâm mộ từ những nơi xa xôi như Trung Quốc và Ấn Độ thường đổ về để nghe ông phát biểu tại các cuộc họp thường niên của Wesco và sau đó là Daily Journal.

Một tuyển tập các bài viết của Munger và về bản thân ông có tên là “Poor Charlie’s Almanack” đã trở thành sách bán chạy quốc tế.

Munger không ngừng rao giảng những đức tính cổ điển, với hai từ yêu thích của ông là sự kiên trì và bình tĩnh.

Bản thân Munger thích điều đầu tiên. Ông nói trong một bài phát biểu vào năm 2007, ông thích bản tính kiên trì bởi nó “có nghĩa là hãy ngồi im cho đến khi bạn làm được điều đó”. Ông thường nói rằng chìa khóa để đầu tư thành công là không làm gì trong nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ, chờ đợi mua với thái độ “mạnh mẽ” khi thấy được giá.

Ông thích đức tính còn lại vì nó phản ánh triết lý đầu tư và cuộc sống của ông. Munger thường xuyên nói rằng mọi nhà đầu tư đều có thể phản ứng một cách bình tĩnh trước khoản lỗ 50% trên thị trường chứng khoán sau mỗi vài thập kỷ.

Ở độ tuổi ngoài 90, Munger vẫn giữ được khiếu hài hước mặc dù ông gần như bị mù, không thể đi lại và luôn thương nhớ người vợ yêu quý của ông, Nancy, đã qua đời nhiều năm trước đó.

Khoảng năm 2016, một người quen từng hỏi ông người nào mà ông cảm thấy biết ơn nhất trong suốt cuộc đời. “Người chồng đầu tiên của người vợ thứ hai của tôi”, Munger trả lời. “Tôi đã có được tình yêu với người phụ nữ tuyệt vời này trong 60 năm chỉ đơn giản vì tôi là một người chồng đỡ tệ hơn anh ta”./.

Theo Wall Treet Journal