Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng, tỷ giá tăng thêm 1% sẽ làm tăng sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu, nhất là đối với ngành thủy, hải sản.
Bởi đặc thù của ngành thủy, hải sản là nguyên phụ liệu đầu vào từ tôm, cá lấy nguồn cung trong nước, nên khi tỷ giá tăng không chỉ doanh nghiệp (DN) xuất khẩu hưởng lợi mà nông dân cũng có thể bán được giá cao hơn.
Nhưng theo ông Hòe, với 1% biên độ tỷ giá vừa được tăng thêm không đủ bù cho sự trượt giá mạnh của đồng euro và yên khiến các DN xuất khẩu đang lao đao.
Đối với xuất khẩu thủy sản, thị trường châu Âu, Mỹ và Nhật Bản chiếm phần lớn, nhưng vừa qua, khi đồng USD tăng giá thì euro và yên lại giảm giá mạnh, ảnh hưởng rất lớn đến DN xuất khẩu thủy sản.
Bởi theo ông Hòe, một khi euro và yên Nhật giảm kéo theo sức tiêu thụ của thị trường này đi xuống.
Các nhà nhập khẩu của thị trường châu Âu, Nhật Bản cũng chèn ép, hạ giá mua khiến DN xuất khẩu thủy sản Việt Nam gặp khó. Đó cũng là lý do khiến kim ngạch xuất khẩu của ngành giảm trong quý I/2015.
Thống kê của VASEP cho thấy, kim ngạch xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm 2015 chỉ đạt 1,27 tỷ USD, giảm 23% so với cùng kỳ năm 2014.
Thêm vào đó là sự hồi phục của USD và nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất cuối năm nay sẽ càng làm USD cao giá hơn so với yên, euro.
Trong khi đó, tỷ giá vẫn được kiểm soát và tính đến thời điểm này đã tăng hết "room" cam kết của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra cho năm 2015.
Mặt khác, các DN xuất khẩu sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu cho rằng, sự hồi phục của USD trong thời gian dài vừa qua và trước áp lực phá giá tiền đồng của nhiều quốc gia trên thế giới đã gây sức ép đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.
Vì thế, NHNN vừa điều chỉnh tăng thêm 1% biên độ tỷ giá cũng chưa tác động nhiều đến DN xuất khẩu.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sài Gòn 3, cho rằng, việc điều chỉnh tỷ giá tăng thêm 1% của NHNN mới đây cũng phần nào hỗ trợ cho các DN trong lĩnh vực xuất khẩu đỡ khó khăn hơn.
Tuy nhiên, theo ông Hồng, tăng 1% chưa theo kịp được đà tăng giá của các đồng tiền khác, đặc biệt là trước sức ép tăng giá của USD và FED nhiều khả năng tăng lãi suất.
"Thực tế cho thấy nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của các thị trường trên thế giới đang sụt giảm. Vì thế, nhiều nhà nhập khẩu ép giá hàng xuất khẩu của Việt Nam. Ví dụ một sản phẩm trước đây có giá 5 USD thì hiện chỉ còn khoảng 4,5 - 4,8 USD. Trong khi đó, tỷ giá của Việt Nam vẫn được kiểm soát trong biên độ cho phép và khó tăng cao", ông Hồng cho biết.
Tại thị trường châu Âu, DN xuất khẩu của Việt Nam cũng thiệt thòi khi euro giảm giá mạnh so với USD trong thời gian qua. Đặc biệt là các DN xuất khẩu có nhập khẩu nguyên liệu được trả bằng đồng euro, nhưng bán hàng ra thu về bằng đồng USD.
Đồng USD đang tăng mạnh so với euro, trong khi tiền đồng được kiểm soát thì tỷ giá sẽ tăng lên so với euro.
Nhiều dự báo cho thấy, trong cả ngắn và dài hạn, USD sẽ tiếp tục tăng giá vì tình hình kinh tế Mỹ có dấu hiệu phục hồi trong sự bền vững.
Một khi kinh tế bền vững thì FED sẽ điều chỉnh tăng lãi suất, tác động tích cực lên đồng USD. Ngoài ra, giá dầu và giá vàng sụt giảm cũng tác động tích cực lên USD.
Còn khu vực châu Âu tình hình kinh tế vẫn chao đảo khiến cho việc đưa tiền ra hỗ trợ kinh tế nhiều hơn làm đồng euro giảm xuống. Hiện đã có hơn 20 quốc gia trên thế giới đã phá giá tiền tệ để hỗ trợ cho xuất khẩu.
Xét thấy trong bối cảnh này, nếu Việt Nam không điều chỉnh tỷ giá sẽ có thiệt hại đối với xuất khẩu, làm giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, NHNN khẳng định sẽ không điều chỉnh tỷ giá từ nay đến cuối năm 2015. Các yếu tố trên thị trường gần đây cũng chưa đủ sức để biện minh cho việc phá giá tiền đồng lúc này.
Tuy chưa phải là thời điểm để phá giá thêm tiền đồng, song theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, cũng nên quan sát thị trường một cách chặt chẽ để có thể điều chỉnh tỷ giá và NHNN đang thể hiện vai trò này.
Theo DNSG