Thị phần xuất khẩu xe điện của Trung Quốc tăng gấp 8 lần, BYD dẫn đầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đối mặt với mối đe tại khu vực Đông Nam Á, trước sự trỗi dậy của các thương hiệu Trung Quốc.

Chiếc SUV điện Atto 3 do hãng xe Trung Quốc BYD sản xuất được trưng bày tại triển lãm thương mại xe điện ở Farnborough, Anh (Ảnh: Reuters)
Chiếc SUV điện Atto 3 do hãng xe Trung Quốc BYD sản xuất được trưng bày tại triển lãm thương mại xe điện ở Farnborough, Anh (Ảnh: Reuters)

Sự hiện diện của Trung Quốc trên thị trường xe điện toàn cầu đang gia tăng, và trong vòng 5 năm qua, thị phần xuất khẩu xe điện của nước này đã tăng lên gấp 8 lần.

BYD, công ty đang nhanh chóng tăng cường sản xuất xe điện (EV) giá cả phải chăng, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy xu hướng này. Và khi mức tiêu thụ chững lại ở Trung Quốc, các nhà sản xuất nước này có thể tăng xuất khẩu sang khu vực Đông Nam Á, lấn chiếm thị trường từng được coi là truyền thống của các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản.

Trung Quốc chiếm 35% lượng xuất khẩu EV toàn cầu vào năm 2022 so với chỉ 4,2% vào năm 2018, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Ngược lại, Nhật Bản là nước xuất khẩu EV lớn nhất năm 2018 với thị phần 24,5%, nhưng đã giảm mạnh xuống 9,3% vào năm ngoái. Mỹ và châu Âu cũng tụt lại phía sau rất xa.

Vào năm 2022, 40% lượng phương tiện sử dụng năng lượng mới, một danh mục bao gồm EV, được sản xuất tại Trung Quốc và xuất khẩu sang châu Âu, là phương tiện thuộc về các thương hiệu Trung Quốc như BYD.

Các nhà sản xuất Trung Quốc đang tập trung nhắm tới thị trường xuất khẩu "khó tính" như châu Âu. Tập đoàn ô tô Dongfeng của Trung Quốc đang tăng cường xuất khẩu thương hiệu Voyah EV. Vào tháng 2, công ty đã bắt đầu xuất khẩu xe EV thể thao đa dụng, Free, sang Israel. Vào cuối tháng 6, họ quyết định xuất khẩu EV sang Hà Lan, Đan Mạch và Phần Lan, đồng thời có kế hoạch xuất khẩu sang Thụy Sĩ và Iceland trong tương lai.

Dongfeng tập trung vào việc xuất khẩu EV sang châu Âu, bắt đầu bằng việc xuất khẩu sang Na Uy vào tháng 6/2022 và hiện có khoảng 10 showroom tại quốc gia này. Họ tạo được sự khác biệt với các nhà sản xuất phương Tây bằng cách nhấn vào lịch sử và văn hóa Trung Quốc.

Châu Âu là nhà xuất khẩu xe chạy bằng động cơ đốt trong nhưng lại trở thành nước nhập khẩu ròng EV. Theo Hiệp hội Thông tin Thị trường Xe khách Trung Quốc, xuất khẩu xe năng lượng mới sang châu Âu từ tháng 1 đến tháng 6 đạt tổng cộng khoảng 350.000 xe, chiếm khoảng 25% tổng số EV và xe plug-in hybrid bán ra ở châu Âu trong thời gian đó.

Trong khối EU, Bỉ, nơi có cảng dỡ ô tô lớn nhất châu Âu và đóng vai trò là trung tâm trung chuyển của lục địa, là điểm đến lớn nhất với 130.000 phương tiện.

Xuất khẩu của Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục tăng. Chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc trong tháng 7 đã giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm đầu tiên sau hơn 2 năm, do chi tiêu tiêu dùng ngày càng suy giảm. Sự bất ổn tài chính lan rộng do khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản gây ra cũng có thể gây thêm áp lực giảm tiêu dùng.

Ngay cả khi nhu cầu trong nước bị thu hẹp, Chính phủ Trung Quốc vẫn thúc đẩy sản xuất phương tiện sử dụng năng lượng mới bằng các khoản trợ cấp khổng lồ. Trong tương lai, Trung Quốc có thể sẽ dư thừa năng lực sản xuất và nếu lượng dư thừa đó được dùng để xuất khẩu sẽ khiến giá cả giảm xuống. Nếu nhiều ô tô Trung Quốc được xuất khẩu sang Đông Nam Á, sức cạnh tranh của Nhật Bản trong xuất khẩu có thể giảm sút.

S&P Global dự báo thị phần toàn cầu của các nhà sản xuất Nhật Bản sẽ giảm từ khoảng 30% vào năm 2020 xuống dưới 26% vào năm 2030. Nước này đã tụt hậu về điện khí hóa và chưa tìm được khả năng cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.

“Sản xuất ô tô của Nhật Bản được hỗ trợ bởi xuất khẩu trong bối cảnh nhu cầu trong nước giảm, nhưng chúng tôi cần tính đến rủi ro sản xuất trong nước sẽ giảm trong tương lai”, Masatoshi Nishimoto đến từ S&P cho biết./.

Theo Nikkei Asia