Thế kẹt của Trungnam Group

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Sử dụng đòn bẩy cao, khối nợ tăng lên nhanh chóng nhưng việc nhiều dự án trọng điểm phát sinh vấn đề, giới chủ Trungnam Group đang đối diện với không ít thách thức.

Ông Nguyễn Tâm Thịnh - Chủ tịch HĐQT Trungnam Group (Nguồn: Trungnam Group)
Ông Nguyễn Tâm Thịnh - Chủ tịch HĐQT Trungnam Group (Nguồn: Trungnam Group)

Hai năm, huy động 14.900 tỉ đồng qua trái phiếu

Trong số 14.900 tỉ đồng trái phiếu kể trên, theo thống kê của VietTimes, chỉ riêng Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam (Trung Nam Thuận Nam) đã hút về 5.873 tỉ đồng – cao gấp đôi so với quy mô vốn điều lệ.

Doanh nghiệp này là chủ đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450MW kết hợp với đầu tư Trạm biến áp 500kV Thuận Nam và các đường dây 500kV, 220kV đấu nối hệ thống điện quốc gia tại tỉnh Ninh Thuận.

Gấp rút huy động nhiều nghìn tỉ đồng để đầu tư, có thể thấy giới chủ của Trung Nam Thuận Nam kỳ vọng rất lớn vào việc dự án sẽ vận hành thuận lợi.

Tuy nhiên, kể từ ngày vận hành thương mại chính thức tới nay, nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam thường xuyên bị cắt giảm công suất phát, nhiều thời điểm nhà máy bị giảm tới hơn 80% công suất thiết kế.

Việc cắt giảm công suất không chỉ làm giảm doanh thu phát điện của nhà máy, mà còn tạo áp lực tài chính, trả nợ gốc, lãi vay cho chủ đầu tư Trung Nam Thuận Nam.

Để rồi, công ty này mới đây đã có văn bản gửi Bộ Công thương kiến nghị ưu tiên điều độ khai thác toàn bộ công suất, điện năng phát của dự án nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam. Nhưng lưu ý rằng, ở Ninh Thuận, nhiều chủ đầu tư nhà máy điện gió, điện mặt trời khác cũng đang phải “kêu cứu” vì tình trạng dư điện.

Theo tìm hiểu của VietTimes, Trung Nam Thuận Nam tiền thân là CTCP Điện mặt trời Phước Minh, được thành lập từ tháng 4/2018. Công ty này có 3 cổ đông sáng lập. Trong đó, CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trung Nam) nắm chi phối với tỉ lệ sở hữu 92% vốn điều lệ. Trung Nam, lưu ý, là thành viên lõi trong hệ sinh thái hàng chục thành viên của Trungnam Group.

Trước đó, cập nhật đến ngày 31/12/2019, Trung Nam Thuận Nam vẫn là một cái tên không quá nổi bật trong hệ sinh thái Trungnam Group với tổng tài sản và vốn chủ sở hữu chỉ lần lượt ở mức 12,2 tỉ đồng và 9,99 tỉ đồng.

Thế kẹt của Trungnam Group

Thành lập từ năm 2004, Trungnam Group ban đầu hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng, xây dựng, bất động sản, rồi lấn sân sang mảng năng lượng. Dù đã mở rộng về quy mô và lĩnh vực hoạt động so với cách đây 17 năm, tập đoàn này vẫn mang mô hình một công ty gia đình, của nhà Chủ tịch HĐQT Nguyễn Tâm Thịnh.

Song song với động thái huy động cả chục nghìn tỉ từ kênh trái phiếu, Trungnam Group cũng bước vào thời kỳ tăng trưởng nóng. Sử dụng đòn bẩy cao, khối nợ tăng lên nhanh chóng nhưng việc triển khai ở nhiều dự án gặp khó khăn đã đặt ra không ít nan đề cho giới chủ của tập đoàn này.

Trong các dự án của Trungnam Group, công chúng có lẽ đặt nhiều sự chú ý vào “siêu dự án” chống ngập 10.000 tỉ đồng tại Tp. HCM mà tập đoàn của ông Nguyễn Tâm Thịnh đã được chỉ định làm nhà đầu tư theo hình thức BT.

Dù nhận được kỳ vọng lớn xong siêu dự án này đã triển khai hơn 4 năm, nhiều lần phải tạm ngưng và vẫn chưa hẹn ngày về đích.

Cuối tháng 11/2020, CEO Trungnam Group Nguyễn Tâm Tiến công bố thông tin cho biết dự án đã hoàn thành 93% khối lượng công trình nhưng đang phải tạm ngưng do gặp nhiều vướng mắc. Vị này cho hay chủ đầu tư đã phải gồng mình để dự án có thể tiếp tục triển khai, thiệt hại mỗi ngày ước tính khoảng 200 triệu đồng. Ông Tiến cảnh báo nếu không tìm ra giải pháp tháo gỡ, nhà đầu tư chỉ có thể cầm cự tối đa 2 tháng, buộc phải dừng thi công.

Theo dữ liệu của VietTimes, nguồn vốn nợ phải trả của doanh nghiệp dự án - Công ty TNHH Trung Nam BT 1547, liên tục gia tăng trong giai đoạn 2017 – 2019, cao gấp nhiều lần quy mô vốn chủ sở hữu. Tính đến cuối năm 2019, nguồn vốn nợ phải trả của Trung Nam BT 1547 đạt mức 4.951,8 tỉ đồng, cao gấp 4,5 lần so với quy mô vốn chủ sở hữu.

Trong lĩnh vực bất động sản, CTCP Trung Nam (Trungnam Land) là cái tên nổi bật của Trungnam Group, hút vốn từ trái phiếu chỉ đứng sau Trung Nam Thuận Nam. Riêng trong năm 2020, công ty này đã hút về 4.500 tỉ đồng qua kênh trái phiếu.

Từ cuối năm 2019, Trungnam Land tiếp tục duy trì đòn bẩy tài chính ở mức cao, khi nợ phải trả trên báo cáo riêng lẻ cao gấp 5,6 lần quy mô vốn chủ sở hữu, đạt mức 4.088,4 tỉ đồng.

Trungnam Land là chủ đầu tư dự án Golden Hills tọa lạc tại phường Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu và xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng (Golden Hills City). Dự án này có quy mô 351 ha, tổng mức đầu tư dự kiến lên đến 1,67 tỉ USD (tương đương hơn 38.000 tỉ đồng), nhiều lần lỗi hẹn về tiến độ.

Ngoài các pháp nhân kể trên, Chủ tịch HĐQT Trungnam Group - ông Nguyễn Tâm Thịnh, còn đứng tên tại CTCP Địa ốc Trung Nam Đà Lạt, có trụ sở chính tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Công ty này tiền thân là CTCP Kinh doanh địa ốc Đà Lạt - Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV – Dalat Land), được thành lập bởi Trungnam Group và Ngân hàng BIDV.

Lưu ý rằng, trước khi "kết thân" với ngân hàng khác, BIDV thời Chủ tịch Trần Bắc Hà chính là nhà tài trợ vốn chính yếu cho nhóm Trungnam Group. Ngân hàng BIDV cũng chính là đơn vị đã lên ý tưởng và từng tài trợ vốn cho “siêu dự án” chống ngập 10.000 tỉ đồng tại Tp. HCM do Trungnam Group làm chủ đầu tư.

Cũng trong lĩnh vực bất động sản, vào tháng 10/2019, ông Nguyễn Tâm Thịnh bất ngờ lộ diện trên cương vị Chủ tịch HĐQT của CTCP Đầu tư và Du lịch Bình Tiên (Bình Tiên). Doanh nghiệp này là chủ đầu tư dự án Khu du lịch Bình Tiên rộng 190,48ha, tổng vốn đầu tư 2.579 tỉ đồng tại tỉnh Ninh Thuận. Dự án này đã được gia hạn tới 4 lần.

Năm 2009, Trungnam Group còn tham gia góp vốn cùng Viendong Corp, Saigon Tel sáng lập CTCP Địa ốc Viễn Đông Việt Nam, đầu tư dự án toà nhà Viễn Đông Merdian Towers tại 84 Hùng Vương, Đà Nẵng. Tuy nhiên, sau gần chục năm không triển khai, dự án đã bị chính quyền địa phương đánh tiếng thu hồi.

Nuôi tham vọng lớn và liên tục mở rộng đầu tư, tận dụng các đòn bẩy tài chính để lớn thật nhanh nhưng khi những dự án trọng điểm phát sinh vấn đề, Trungnam Group cũng sẽ phải đối diện với thách thức lớn, mà một trong những thách thức lớn nhất là dòng tiền.

Cảng biển tổng hợp Trung Nam Cà Ná

Tháng 8/2020, CTCP Cảng quốc tế Trung Nam Cà Ná (Trung Nam Cà Ná) thực hiện động thổ Dự án Cảng biển tổng hợp Cà Ná giai đoạn 1 đón được tàu 100.000 DWT. Dự án có tổng vốn đầu tư 1.463 tỉ đồng.

Tại buổi lễ, đại diện Trungnam Group cam kết sẽ thực hiện đúng tiến độ dự kiến của dự án. Theo đó, tháng 12/2022 sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động bến số 1 (70.000 – 100.000 DWT). Tháng 1/2023 sẽ khởi công xây dựng bến số 2 (70.000 – 100.000 DWT). Tháng 10/2025, hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động bến số 2. Tháng 11/2025 sẽ khởi công xây dựng bến 20.000 DWT. Tháng 8/2026, hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động bến 20.000 DWT.

Theo tìm hiểu của VietTimes, Trung Nam Cà Ná tiền thân là Công ty TNHH MTV Cảng tổng hợp quốc tế Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận. Doanh nghiệp này do CTCP Tập đoàn Hoa Sen thành lập vào tháng 8/2016.

Đến tháng 8/2020, công ty đổi tên thành CTCP Cảng quốc tế Trung Nam Cà Ná, đánh dấu quá trình đổi chủ hoàn tất. Theo đó, cơ cấu cổ đông mới của Trung Nam Cà Ná bao gồm: CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (51% VĐL), Nguyễn Ngọc Thảo (24% VĐL) và Trần Đức Xuyên (25% VĐL)./.