“Cuộc chơi” ít biết của Trungnam Group tại Khu du lịch Bình Tiên

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Dự án Khu du lịch Bình Tiên do CTCP Đầu tư và Du lịch Bình Tiên (Bình Tiên) làm chủ đầu tư, quy mô 190,48ha, tổng vốn đầu tư 2.579 tỉ đồng, toạ lạc tại xã Công Hải, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận.

Dự án Khu du lịch Bình Tiên tại Ninh Thuận

Dự án Khu du lịch Bình Tiên tại Ninh Thuận

Ngày 14/5/2020, ông Lê Văn Bình – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận – đã có buổi kiểm tra thực địa tiến độ triển khai thực hiện dự án Khu du lịch Bình Tiên.

Theo đó, các hạng mục chính trong giai đoạn 1 của dự án về cơ bản đã được hoàn thiện. Cụ thể, khu tái định cư đã hoàn thiện xây dựng hạ tầng và đưa vào sử dụng; hạng mục hạ tầng giao thông, hệ thống kè chắn sóng đã hoàn thiện hơn 50%; sân golf 18 lỗ hoàn thành cơ bản công tác đào đắp san ủi đất, đang trong quá trình triển khai thi công xây dựng chi tiết; 46 nhà biệt thự mẫu đang dần hoàn thiện.

Lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận đã yêu cầu các sở ngành tạo mọi điều kiện để chủ đầu tư thực hiện dự án, sớm đưa các hạng mục đi vào hoạt động ngay trong năm 2020. Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, thực hiện đúng cam kết.

Dự án Khu du lịch Bình Tiên do CTCP Đầu tư và Du lịch Bình Tiên (Bình Tiên) làm chủ đầu tư, quy mô 190,48ha, tổng vốn đầu tư 2.579 tỉ đồng, toạ lạc tại xã Công Hải, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận.

Cần lưu ý rằng, trước khi rục rịch thi công trở lại vào nửa đầu năm nay, Khu du lịch Bình Tiên đã được gia hạn tới 4 lần, từng bị đánh tiếng thu hồi.

Sau những lùm xùm về tiến độ thi công của dự án, tìm hiểu của VietTimes cho thấy Khu du lịch Bình Tiên đã được đổi chủ. Mà cụ thể là những chuyển biến tại pháp nhân dự án - CTCP Đầu tư và Du lịch Bình Tiên (Bình Tiên).

Quy mô tổng tài sản của Cty Bình Tiên tăng nhanh vào năm 2019

Quy mô tổng tài sản của Cty Bình Tiên tăng nhanh vào năm 2019

CTCP Đầu tư và Du lịch Bình Tiên

Công ty Bình Tiên được thành lập từ ngày 17/11/2005, chỉ vài tháng sau khi dự án Khu du lịch Bình Tiên được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư tại văn bản số 262/TTg ngày 14/3/2005.

Sau chục năm đi vào hoạt động, tới ngày 28/10/2015, Bình Tiên mới thực hiện đăng ký thay đổi đăng ký doanh nghiệp lần thứ 2.

Các cổ đông sáng lập cũng dần được hé lộ, bao gồm: Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank) góp 60 tỉ đồng, sở hữu 10% VĐL; CTCP Đầu tư và Phát triển Công nghệ Mefrimex (Mefrimex) góp 120 tỉ đồng, sở hữu 20% VĐL; ông Dương Văn Nguyên góp 258 tỉ đồng, sở hữu 43% VĐL và ông Nguyễn Nam Linh góp 162 tỉ đồng, sở hữu 27% VĐL. Trong đó, ông Dương Văn Nguyên (SN 1947) đảm nhiệm cương vị Tổng Giám đốc kiêm người đại diện cho Bình Tiên.

Đáng chú ý, Mefrimex và ông Dương Văn Nguyên đều đăng ký địa chỉ trụ sở/hộ khẩu thường trú tại số B7 Giảng Võ, Quận Ba Đình, Hà Nội. Đây cũng là nơi Habubank từng đặt trụ sở chính. Ông Dương Văn Nguyên cũng từng sở hữu tới cả triệu cổ phần và là anh trai của Chủ tịch nhà băng này - ông Nguyễn Văn Bảng.

Dấu hiệu đổi chủ của Bình Tiên thể hiện rõ nét vào tháng 4/2019, khi ông Dương Văn Nguyên nhường lại vị trí CEO Bình Tiên cho ông V.T (SN 1982).

Ông V.T và ông Kiều Xuân Nam là những cá nhân nổi bật trong thương vụ CTCP Xây dựng số 3 (VC3) thâu tóm CTCP Đầu tư Tài chính Hoàng Minh (KPF) hồi tháng 6/2018.

Song, chỉ sau hơn 2 tháng, “ghế nóng” tại Bình Tiên đã được chuyển sang ông Trần Đức Xuyên (SN 1969) – nhân sự chủ chốt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo của Trungnam Group.

Đến tháng 10/2019, ông Nguyễn Tâm Thịnh – Chủ tịch HĐQT Trungnam Group – cũng chính thức lộ diện trên cương vị lãnh đạo cao nhất tại Bình Tiên. Mặt khác, một dữ liệu khác của VietTimes cho thấy, CTCP Đầu tư xây dựng Trung Nam cũng đã nắm giữ 163.161 cổ phần (mệnh giá 1 triệu đồng/cp), của doanh nghiệp này.


Sau thời gian dài đình đốn, Trungnam Group tuyên bố sẽ đưa siêu dự án chống ngập trị giá 10.000 tỉ đồng cho Tp. HCM đi vào vận hành từ cuối năm nay. (Ảnh: Internet)

Tín hiệu mới từ siêu dự án chống ngập

Trong lĩnh vực bất động sản, ông Nguyễn Tâm Thịnh còn đứng tên tại CTCP Địa ốc Trung Nam Đà Lạt, đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Doanh nghiệp này tiền thân là CTCP Kinh doanh địa ốc Đà Lạt - Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV – Dalat Land), được thành lập bởi Trungnam Group và Ngân hàng BIDV.

Lưu ý rằng, trước khi "kết thân" với MBBank, BIDV thời Chủ tịch Trần Bắc Hà chính là nhà tài trợ vốn chính yếu cho nhóm Trungnam Group.

Thêm nữa, BIDV thời ấy cũng chính là đơn vị đã lên ý tưởng và tài trợ vốn cho “siêu dự án” chống ngập 10.000 tỉ đồng tại Tp. HCM mà Trungnam Group đã được chỉ định làm nhà đầu tư theo hình thức BT.

Nhưng sang đầu năm 2018, với lý do UBND Tp. HCM chậm xác nhận báo cáo cho vay, BIDV đã dừng giải ngân. Siêu dự án chống ngập, vì thế, bị đình đốn suốt một thời gian dài, mãi đến đầu năm nay mới được thi công trở lại.

Theo công bố mới đây của CEO Trungnam Group Nguyễn Tâm Tiến, dự án đã hoàn thành 93% khối lượng công trình và dự kiến đi vào vận hành từ cuối năm nay.

Việc dự án đi vào hoàn thiện, đồng nghĩa, nguồn vốn tài trợ đã được thông dòng. Nhưng có phải BIDV đã giải ngân trở lại (?). Tài liệu của VietTimes cho thấy, cách đây ít tháng, Trungnam Group đã sử dụng quyền đòi khoản nợ hơn 6 nghìn tỷ đồng đối với Tp. HCM (phát sinh từ Dự án giải quyết ngập do triều khu vực Tp. HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - Giai đoạn 1) để bảo đảm vào một nhà băng, nhưng không phải BIDV, mà ở phía Nam.

Chủ tịch Trungnam Group Nguyễn Tâm Thịnh.

Chủ tịch Trungnam Group Nguyễn Tâm Thịnh.

Chủ tịch Trung Nam Group Nguyễn Tâm Thịnh, nên biết, còn là cổ đông, nắm tỷ lệ sở hữu chi phối tại CTCP Xây dựng và Lắp máy Trung Nam (Trungnam E&C). Doanh nghiệp này vẫn được coi là là thành viên của Trungnam Group, dù xét về tỷ lệ sở hữu thì Trungnam Group chỉ cầm hạn chế.

Trung Nam E&C hoạt động trong lĩnh vực xây lắp, là một trong những thành viên có mức doanh thu "khủng" của Trungnam Group. Tuy nhiên, biên lợi nhuận của doanh nghiệp này rất mỏng. Điều này sẽ được VietTimes làm rõ trong kỳ tới.

CTCP Trung Nam (Trungnam Land) vừa công bố thông tin về đợt phát hành 2.500 tỉ đồng trái phiếu, kỳ hạn 60 tháng, mã TNL_BOND2020_02. Trước đó, vào các ngày 27/3 và 15/4/2020, Trungnam Land cũng đã huy động tổng cộng 1.300 tỉ đồng từ phát hành trái phiếu.

Dòng vốn gần 4.000 tỉ đồng cấp tập chảy về Trungnam Land, cùng nhiều thành viên khác trong thời gian qua, cho thấy khả năng thu xếp vốn, cũng như tiềm lực đáng nể của nhóm Trungnam Group.

Trungnam Land là một trong những thành viên được thành lập sớm nhất, từ năm 2001, trước cả pháp nhân lõi là CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group), hoạt động trong lĩnh vực bất động sản./.