Nhà máy nghìn tỷ đồng “đắp chiếu”
Ngày 15/5, Bộ Công thương và các bên liên quan như Tổng công ty Thép, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Tisco… đã có cuộc họp triển khai kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về Dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 của Tisco. Tổng công ty Thép và SCIC là hai cổ đông lớn của Tisco, tỷ lệ sở hữu lần lượt là 42,11% và 35,21% vốn điều lệ. Theo nguồn tin của Báo Đầu tư Chứng khoán, các bên có quan điểm không thống nhất về nhiều vấn đề, nên mỗi bên sẽ có báo cáo đánh giá riêng gửi tới Bộ Công thương.
Trước đó, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về dự án trên của Tisco, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ trưởng Bộ Công thương thành lập tổ công tác, thuê tư vấn độc lập đánh giá toàn diện Dự án, trong đó có phương án bán Dự án và phương án kêu gọi doanh nghiệp góp vốn đầu tư tiếp dự án có quy mô đầu tư 8.000 tỷ đồng này; đề xuất phương án xử lý đối với Dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/7/2016.
Nhìn lại quá trình triển khai dự án cho thấy, việc lập kế hoạch và triển khai thiếu tính toán đã gây ra sự dở dang, lãng phí và kém hiệu quả. Cụ thể, ngày 29/7/2007, Tisco khởi công thực hiện Dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, nhằm nâng cao năng lực sản xuất phôi thép và thép cán từ nguyên liệu trong nước lên 1 triệu tấn/năm. Đến năm 2013, Dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 3.843 tỷ đồng lên 8.104 tỷ đồng và năm 2014 rà soát lại tổng mức đầu tư.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, vốn cho Dự án đã được thu xếp như sau: Ngân hàngPhát triển Việt Nam ký hợp đồng tín dụng cho vay bổ sung 1.359 tỷ đồng từ ngày 27/1/2015; SCIC góp 1.000 tỷ đồng vào Tisco thông qua mua cổ phiếu tăng vốn từ tháng 3/2015; VietinBank ký hợp đồng tín dụng cho vay bổ sung 1.100 tỷ đồng từ ngày 4/6/2015. Tuy nhiên, Dự án vẫn chưa thể khởi động trở lại. Tháng 10/2015, Tisco một lần nữa tính toán lại tổng mức đầu tư của Dự án và kết quả là tổng mức đầu tư tăng lên 9.428 tỷ đồng. Nội dung này đã được báo cáo lên Chính phủ.
Tisco cũng đã thuê Tổng công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam lập và Viện Kinh tế xây dựng - Bộ Xây dựng thẩm tra báo cáo điều chỉnh tổng mức đầu tư và rà soát hiệu quả kinh tế của Dự án.
Chủ đầu tư đã có báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Công thương, các bộ, ngành liên quan đề nghị cấp có thẩm quyền chấp thuận phê duyệt tổng mức đầu tư để làm cơ sở tái khởi động Dự án. Bộ Công thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất các cơ chế ưu đãi, tuy nhiên, Bộ Tài chính bác bỏ các đề xuất trên, thậm chí còn yêu cầu chủ đầu tư phải khẩn trương thu xếp trả nợ vốn vay.
Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, các bên đang rà soát lại tổng thể Dự án để báo cáo Thủ tướng trước ngày 1/7/2016.
Nhiều ý kiến cho rằng, càng kéo dài tình trạng “dở dang” ngày nào, Tisco càng lâm vào tình thế nguy cấp bấy nhiêu. Báo cáo tài chính quý I/2016 của Tisco cho thấy, riêng khoản chi phí lãi vay dài hạn trong kỳ là 347 tỷ đồng, con số này chiếm 1/5 doanh thu bán hàng của Công ty.
Nhiều khoản nợ khó đòi
Do quản trị công nợ yếu kém, tính đến cuối quý I/2016, khoản phải thu của khách hàng tại Tisco lên tới 860 tỷ đồng, trong đó có nhiều khoản khả năng thu hồi rất khó khăn, khiến Công ty phải trích dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi 306 tỷ đồng.
Một số khoản phải thu tại Tisco đáng chú ý là: Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Trung Dũng (Trung Dũng) nợ 251 tỷ đồng; Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Hà Nam nợ 127 tỷ đồng; Công ty TNHH Hồng Trang nợ 74 tỷ đồng; Công ty Lưỡng Thổ nợ 102 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Tisco, Công ty có nhiều khoản nợ chậm thu hồi do khách hàng gặp khó khăn về tài chính và chây ỳ, dây dưa không thanh toán. Việc thu hồi nợ phần lớn phải nhờ đến tòa án. Trong năm 2015, các cơ quan pháp luật đã thu hồi cho Công ty 192 tỷ đồng nợ.
Về khoản nợ 251 tỷ đồng của Trung Dũng, hiện Tisco đang kỳ vọng vào việc “xiết nợ” lượng cổ phiếu mà công ty này sở hữu tại Tisco (hơn 2 triệu cổ phiếu), tương đương 11% vốn điều lệ.
Quý I/2016, Tisco đạt doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ 2.244 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2015; lãi 53 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2015 lỗ 21 tỷ đồng. Trong kỳ, chi phí bán hàng giảm 37%, còn 10 tỷ đồng, nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gấp đôi, lên 84 tỷ đồng, dự phòng công nợ phải thu khó đòi 25 tỷ đồng và trợ cấp thôi việc 17 tỷ đồng. Đáng chú ý, Công ty có khoản lỗ lũy kế gần 200 tỷ đồng.
Theo TNCK