Có thể nói rằng tuần lễ vừa qua là tuần tồi tệ nhất của thế giới công nghệ trong vòng 2 năm trở lại. Các ông lớn lần lượt công bố kết quả tài chính gây thất vọng cho Phố Wall rồi chứng kiến cổ phiếu của mình lao dốc.
Google không đạt doanh thu và lợi nhuận kỳ vọng, cùng lúc hé lộ khoản tiền lỗ tới 800 triệu đô đốt vào Other Bets. Cổ phiếu ngay lập tức sụt 8%.
Apple lần đầu chứng kiến iPhone suy giảm kể từ khi ra mắt 9 năm trước. Cổ phiếu cũng giảm 8%
Doanh thu của Microsoft sụt giảm 25% trong quý vừa rồi. Ngay cả tin mừng về đám mây và Surface cũng không đủ để giúp cổ phiếu hãng này tránh được mức giảm lên tới 7%. Đồng minh thân cận của Microsoft cũng chẳng khá khẩm hơn: với tuyên bố cắt giảm 12.000 nhân sự, cổ phiếu Intel sụt giảm tới 5%.
Những tin mừng đến từ Facebook và Qualcomm không đủ để giúp các tín đồ công nghệ có được cái nhìn tươi sáng hơn về thị trường hi-tech hiện thời, bởi đơn giản là các hãng này mới chỉ đạt doanh thu vỏn vẹn tầm 5 tỷ USD. Còn Google, Apple, Microsoft và Intel ư? Khi Phố Wall mất niềm tin vào các hãng này, hàng chục tỷ USD bốc hơi khỏi các sàn giao dịch trong vài giờ đồng hồ.
Cả thị trường lao dốc chứ chẳng riêng ai
Ngay sau khi các con số ảm đạo này được công bố, các tờ báo lớn đã nhanh chóng lên tiếng than thở... hộ cho các gã khổng lồ công nghệ. Thu hút sự chú ý nhất vẫn là Apple, người ta vẽ ra một kịch bản vô cùng đen tối cho Táo, như thể công ty này sẽ trở thành Nokia ngay trong ngày mai vậy.
Cả đất nước Trung Quốc đi qua khủng hoảng chứ không riêng gì mảng làm ăn của Apple tại đây.
Song, những bình luận u ám đang mang nhiều phần sai lệch. Doanh số iPhone năm nay suy giảm là bởi cái bóng của iPhone 6 và 6 Plus quá lớn. Sở dĩ iPhone 6 lại tạo ra được cái bóng lớn đến vậy là bởi chiếc iPhone này cũng là chiếc smartphone Apple có thiết kế mới đầu tiên ra mắt chính thức tại Trung Quốc (qua nhà mạng China Mobile và các kênh chính thức chứ không phải chủ yếu qua đường xách tay như iPhone 5 trở về trước). Đây cũng là chiếc iPhone thỏa mãn cơn khát màn hình lớn của iFan châu Á.
Với cái bóng khổng lồ ấy, chẳng có gì khó hiểu khi iPhone 6s lại "gây thất vọng".
Trong khi Apple bị ảnh hưởng vì tầng lớp trung lưu Trung Quốc phải gánh chịu khủng khoảng tài chính, các ông lớn còn lại sẽ chịu ảnh hưởng lớn khi smartphone giá rẻ của Trung Quốc thế chỗ hoàn toàn cho smartphone giá rẻ của Samsung, LG hay các tên tuổi "cũ" khác. Google không chỉ không kinh doanh được tại Trung Quốc mà còn bị các nhà sản xuất nước này bỏ qua các khoản phí liên quan tới Android. Và chắc chắn Google, Microsoft hay bất kỳ một ông lớn kỳ cựu nào khác đều không thể kiện Xiaomi, Huawei hay OPPO vì vi phạm bằng sáng chế - một điều gần như chắc chắn sẽ xảy ra tại Trung Quốc.
Khi Xiaomi thế chỗ Samsung thì Google cũng sẽ thêm phần thiệt thòi.
Ngay cả thị trường được nhiều người nhắc tới nhất là Ấn Độ cũng chẳng giúp được gì. Khi một nửa dân số Ấn Độ chẳng biết iPhone là gì thì chắc chắn smartphone Android cao cấp cũng không thể làm ăn quá tốt được. Kéo theo đó là các dịch vụ trả phí của Google và Microsoft cũng không thể tăng trưởng đủ nhanh để sinh lời cho 2 ông lớn dịch vụ/phần mềm này. Smartphone Trung Quốc phá giá sẽ chỉ giải quyết bài toán thị phần chứ không mang lại lợi ích nào cho các bên liên quan: nhà sản xuất chẳng thu được lợi nhuận (thậm chí là chịu lỗ) còn nhà phát triển phần mềm thì chẳng hút được người dùng.
Ví dụ, trong quý gần đây nhất, chi phí thu được từ mỗi lượt click quảng cáo Google đã giảm 9% thay vì tăng 11% như mong đợi của Phố Wall. Số lượt click mang lại doanh thu chỉ tăng 29%, thấp hơn mức dự đoán 32%. Về phần mình, Microsoft chứng kiến khoản thu nhượng quyền bằng sáng chế giảm tới 26%. Rõ ràng là cuộc phổ cập smartphone giá rẻ quá "nóng" đang đem đến những con số đáng lo ngại.
Chưa sẵn sàng cho tương lai
Khi nhìn lại thì bạn sẽ thấy chiếc smartphone là sản phẩm công nghệ duy nhất thực sự "hot" trong 10 năm gần đây. PC đã ngừng tăng trưởng từ lâu; trào lưu tablet thậm chí còn chóng vánh hơn cả smartphone. Đến khi smartphone trở thành nhàm chán, lại vừa kịp lúc giá dầu mỏ hỗn loạn, kinh tế thế giới lao đao, các con số suy giảm của quý này là quá đáng mừng (vì diễn ra rất muộn) chứ không phải là đáng lo. Khi thiết bị điện tử quan trọng nhất bắt đầu thoái trào, chẳng có ai là không bị ảnh hưởng cả.
Nhưng nói như vậy không có nghĩa rằng tình hình công nghệ thế giới hiện thời không… đáng chán.
Sau khi chiếc tablet lên đỉnh quá sớm, chúng ta hiện giờ vẫn chưa thực sự tìm ra cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo. Trong vòng 3 năm gần đây, báo chí đã nhắc rất nhiều tới đồng hồ thông minh, kính thông minh (nói chung là thời trang công nghệ), nhà thông minh, xe tự lái…, nhưng thực tế là chưa một công nghệ nào đủ trưởng thành để tạo ra tầm ảnh hưởng rộng khắp như iPod hay iPad chứ chưa nói tới iPhone. Hãy nhớ lại cái chết thảm hại của Google Glass, hãy đặt câu hỏi đã có bao nhiêu người đã được thuyết phục mua hub smarthome, tủ lạnh Wi-Fi của Samsung hay máy báo cháy Nest của Google.
Thế giới chưa sẵn sàng cho những công nghệ được các ông lớn coi là tương lai.
Ngay cả trải nghiệm VR và AR choáng ngợp cũng chưa đủ trưởng thành. Trở ngại lớn nhất với những chiếc VR "nghiêm túc" như Oculus Rift hay HTC Vive là ở gần như chưa có game chất lượng thực sự cao. Với VR xã hội của Facebook, bao nhiêu người dùng sẵn sàng bỏ ra 100 USD để mua kính Samsung chỉ để tận hưởng video 360 độ? Trải nghiệm AR (kết hợp thực tại ảo và thực) của Microsoft HoloLens đang có sức hấp dẫn đáng kể nhất, nhưng cũng giống như IBM PC hay Apple iPhone, xây dựng và hoàn thiện nền tảng cũng phải tính bằng năm. Những năm đầu chỉ để "đốt tiền".
Xe tự lái thì sao? Đầu tiên hãy đợi xem Tesla có sống sót qua 400.000 đơn hàng của Model 3 hay không. Tiếp đó, hãy đợi chính phủ Mỹ nói riêng và chính phủ các nước tạo ra khung pháp lý. Đây sẽ là một hành trình vô cùng dài hơi tính bằng năm tài chính hoặc thậm chí là các bản kế hoạch nửa thập kỷ chứ không phải là bằng quý.
Ngay đến cả xu hướng hiện đang được nhắc đến rất nhiều là điện toán đám mây cũng không hề mới mẻ. Trong phần lớn các quý tài chính của 2 năm gần đây, đám mây được coi là chìa khóa giúp cho Microsoft và Intel giảm thiểu được tác động tiêu cực của thị trường PC. Nói vậy nhưng đám mây cũng chỉ có giới hạn – dù có đột phá đến mấy thì các doanh nghiệp cũng không thể bước từ máy chủ private lên mây public chỉ trong vòng 1 ngày. Kết quả là lợi nhuận ngắn hạn của bộ đôi "Wintel" cũng không thể cứ tiếp tục tăng trưởng "khủng" để bù cho PC.
Kịch bản 2000 trở lại
Hãy nhớ Google cũng đã từng khốn đốn vì dot-com.
Tình hình kinh doanh ảm đạm của các ông lớn thể hiện 2 điều chưa sẵn sàng của thế giới. Thứ nhất, các thị trường mới chưa sẵn sàng cho iPhone, cho smartphone Android cao cấp, cho dịch vụ trả phí của Microsoft và Google.
Thứ hai, các công nghệ mới chưa đủ để thay đổi cuộc sống của người tiêu dùng. Thị trường công nghệ của ngày hôm nay rất giống với những năm đầu 2000, khi Windows đã trở nên nhàm chán còn PDA hay smartphone Symbian, BlackBerry không đủ cuốn hút với số đông.
Nhưng chưa sẵn sàng không có nghĩa rằng thị trường sẽ đi vào chỗ chết kể từ ngày hôm nay. Kinh tế sẽ có lúc ổn định trở lại, Ấn Độ sẽ chứng kiến mức sống nâng cao, nhà thông minh và xe tự lái sẽ trưởng thành và giảm giá thành để trở nên phổ biến.
Nhiều ông lớn thống trị hiện tại là những người sống sót qua cơn bĩ cực 2000.
Từ nay tới lúc đó sẽ là một chặng đường rất dài, may mắn nhất cũng phải tính bằng năm chứ không tính bằng quý. Bởi vậy nên bạn chớ vội hoảng sợ về tình hình ảm đạm của các tên tuổi công nghệ lớn, dù rằng họ đã chứng kiến hàng chục (thậm chí là hàng trăm) tỷ đô bay hơi chỉ trong vòng chưa đầy một tuần. Năm 2000, chúng ta còn từng chứng kiến bong bóng dot-com nổ như... bom, ấy thế mà ngày nay ai cũng có smartphone, có Internet. Qua cơn bĩ cực này, biết đâu "thái lai" smarthome hay VR sẽ đến? Hãy chịu khó chờ nhé!
Theo Trí Thức Trẻ