Hôm nọ về quê tôi gặp lại một người bạn, người từng rất thân thiết thủa hàn vi nhưng rồi mất liên lạc lạc suốt mấy năm qua.
Bạn tôi từng là một doanh nhân trong ngành xây dựng. Anh kể, năm 2011 anh thế chấp nhà cửa để vay vốn làm ăn, nhưng rồi do lãi suất cao, nhiều đối tác phá sản, nhiều dự án bỏ dở, lại gặp nhiều nhũng nhiễu ngoài dự đoán nên việc làm ăn đổ bể.
Anh đành mất hết cả gia sản, phải đi thuê nhà và làm những việc vặt kiếm sống. Mặc cảm, anh không muốn liên lạc với bạn bè.
“Mình còn gượng được, chứ nhiều chủ doanh nghiệp xây dựng lớn còn chết thảm hơn nữa. Nhiều người mất trắng, bỏ đi biệt tăm”, anh kể lại và nhắc đến những cái tên mà tôi còn nhớ.
2011 là năm tiếp nối của thời kỳ bất ổn kinh tế vĩ mô kéo dài, lạm phát lên cao; và hệ lụy của nó là hàng loạt doanh nghiệp phá sản vẫn còn đến tận ngày nay.
Thời gian qua, tôi đã nghe nhiều những câu chuyện tương tự và cũng đã gặp nhiều doanh nhân phá sản bởi những nguyên nhân vô cùng đa dạng.
Đó là những câu chuyện thật sự đáng tiếc, dù có nhiều người khoác cho nó cái tên mỹ miều là “sự tàn phá sáng tạo”.
Nhìn lại số doanh nghiệp hiện nay, Việt Nam có rất ít, chỉ có 560.417 doanh nghiệp đang hoạt động tính đến cuối 2017 bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân.
Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp tư nhân không lớn nổi với tỷ lệ 98% là nhỏ và vừa. Trong hơn một thập kỷ qua, khu vực kinh tế này vẫn chỉ chiếm vỏn vẹn 8-9%GDP mỗi năm, nhỏ hơn nhiều so với tỷ lệ của khu vực kinh tế hộ gia đình (trên 30%).
Dưới thời Thủ tướng Phan Văn Khải, nhiều nhà kinh tế đã tính toán rằng, Việt Nam sẽ có 500.000 doanh nghiệp đến năm 2010 như là kết quả của Luật Doanh nghiệp. Vậy mà đến 2017, chúng ta mới đạt hơn được con số trên.
Tuy nhiên, số doanh nghiệp bình quân trên đầu người của Việt Nam vẫn thuộc hàng thấp nhất thế giới.
Đối với những quốc gia có nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật, Anh thì bình quân cứ 10-12 người dân đã có một doanh nghiệp. Con số này bình quân ở các nước ASEAN là 80-100 dân, trong khi ở Việt Nam bình quân 256 người dân mới có một doanh nghiệp, theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Thể chế nào, doanh nghiệp đó. Muốn có một lực lượng doanh nhân hùng hậu, tạo công ăn việc làm cho người dân, mang lại phồn thịnh cho quốc gia, thì điều kiện cần và đủ là phải có nền tảng thể chế thân thiện, an toàn cho họ làm ăn kinh doanh.
Sau Hiến pháp năm 2013 với những điều khoản đảm bảo quyền tự do kinh doanh của người dân, hàng loạt các bộ luật đã được ban hành, sửa đổi nhằm hiện thực hóa tinh thần đó như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Thương mại, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Việc làm, Luật Phá sản...
Bốn nghị quyết 19 của Chính phủ suốt từ năm 2014 đến nay với nỗ lực phá bỏ những rào cản hành chính, tệ quan liêu, nhũng nhiễu nhằm đưa môi trường kinh doanh Việt Nam vào top 4 trong ASEAN cũng là những nỗ lực làm giới doanh nghiệp ấm lòng.
Dù đã có những bước đi dài đầy tích cực, cải cách thể chế vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp.
Các cuộc khảo sát gần đây của VCCI cho thấy tín hiệu đáng lo ngại là doanh nghiệp tư nhân càng lớn thì chi phí tuân thủ thủ tục hành chính càng cao, doanh nghiệp quy mô càng lớn và kinh doanh càng thành công thì bị thanh tra, kiểm tra càng nhiều.
Điều này là một trong những nguyên nhân làm các doanh nghiệp Việt Nam không lớn lên được.
Môi trường kinh doanh lành mạnh không phải chỉ là môi trường kinh doanh thuận lợi mà còn là một môi trường kinh doanh an toàn.
Sự yếu kém của các thiết chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của doanh nghiệp trong kinh doanh đang là một trong những điểm quan ngại hàng đầu của doanh nghiệp hiện nay.
Sự chậm trễ trong xét xử, hiện tượng oan sai, việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế, và hiệu lực thi hành các phán quyết của tòa án không nghiêm, hiện tượng không công nhận và tòa án hủy các phán quyết trọng tài khá tùy tiện… đang phát đi những tín hiệu không tốt về môi trường kinh doanh lành mạnh.
Do vậy, song hành với cải cách hành chính, cải cách tư pháp cần phải là một trọng tâm cải thiện môi trường kinh doanh sắp tới.
Khi xây dựng một bộ luật, các bên liên quan luôn đứng trước tình thế lưỡng lự giữa việc trao thêm quyền cho người dân hay tăng thêm quyền quản lý cho mình. Song, thực tế đã chứng minh, những bước phát triển vượt bậc của Việt Nam trên chặng đường hơn 30 năm Đổi mới đều gắn với những đổi mới có tính chất quyết định về thể chế, mà bản chất là mở rộng dân chủ, tăng quyền tự do cho người dân.
Hơn mọi lý thuyết, thực tế trên là bằng chứng hùng hồn rằng, cởi trói, trao quyền cho người dân, thay vì hạn chế, bao cấp cho họ sẽ huy động được nguồn lực khổng lồ về tài chính, trí tuệ cho phát triển.
Nhà nước phải thay đổi tư duy cũ kỹ “năng lực quản lý đến đâu thì mở đến đó” bằng tư duy tiến bộ “năng lực quản lý phải theo kịp sự phát triển”.
Cuộc chiến hiện nay chống lại nạn giấy phép con nở rộ là một hướng đúng đắn, và giới doanh nghiệp đang rất trông chờ, hy vọng.
Những văn kiện của Đảng đã xác định, thể chế là một trong các điểm yếu cho đất nước phát triển, bên cạnh cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.
Hi vọng là những điểm yếu đó tiếp tục được cải thiện nhằm bảo đảm quyền tài sản của người dân, của doanh nghiệp để người dân tin tưởng khởi nghiệp làm ăn kinh doanh.
Chỉ có giới doanh nhân hùng mạnh mới tạo nền tảng vững chắc cho sự phồn vinh của đất nước.
Còn tôi thì cứ nhớ mãi đến cuộc gặp gần đây với người bạn thiếu thời, người rất tài hoa và nghị lực. Chia tay tôi, anh quả quyết sẽ vẫn thành lập doanh nghiệp vì đó là danh dự của anh.
Theo Tuần Việt Nam
Link gốc: http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/the-che-nao-doanh-nghiep-do-489597.html