Thấy gì từ BCTC của Nhà máy Nước mặt Sông Đuống?

VietTimes -- Trong 3 năm từ 2016 - 2018, trùng với giai đoạn đầu tư xây dựng Nhà máy nước mặt Sông Đuống, dễ hiểu khi CTCP Nước mặt Sông Đuống (NMN Sông Đuống) - chủ đầu tư dự án - liên tục báo lỗ. Điểm đáng chú ý trên báo cáo tài chính của công ty này có lẽ là việc “chậm” góp đủ số vốn đăng ký ban đầu, và quy mô cũng ở mức khiêm tốn so với tổng mức đầu tư dự án. 
Nhà máy nước mặt Sông Đuống. (Ảnh: aquaone.vn)
Nhà máy nước mặt Sông Đuống. (Ảnh: aquaone.vn)

Theo tìm hiểu của VietTimes, CTCP Nước mặt Sông Đuống (NMN Sông Đuống) thành lập ngày 8/6/2016, chỉ vài ngày sau khi được Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hà Nội cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống (ngày 4/6/2016).

Công ty NMN Sông Đuống có quy mô vốn điều lệ đăng ký ban đầu là 999,611 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông bao gồm 4 pháp nhân là: Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (10%); Công ty TNHH MTV Ứng dụng công nghệ mới và Du lịch (5%); VIAC Limited Partnership (27%) và Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (58%).

Mặc dù vậy, báo cáo tài chính của NMN Sông Đuống ghi nhận số vốn góp của chủ sở hữu tính đến cuối năm 2016 mới chỉ đạt hơn 669,856 tỷ đồng. Phải tới năm 2018, các cổ đông mới góp đủ vốn điều lệ đã đăng ký. Tất nhiên, đó mới là con số trên báo cáo do công ty này tự lập. 

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, trong suốt quá trình đầu tư xây dựng cho đến khi khai trương nhà máy nước, NMN Sông Đuống không thay đổi đăng ký quy mô vốn điều lệ.

Các cổ đông có vốn Nhà nước, do nhiều điều kiện ràng buộc, luôn duy trì tỷ lệ sở hữu cố định tại NMN Sông Đuống.

Đơn cử như trường hợp của Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (Hawaco), tính đến cuối năm 2016, công ty này mới chỉ ghi nhận góp hơn 49,98 tỷ đồng, trên tổng số 99,961 tỷ đồng vốn góp đăng ký, tại NMN Sông Đuống. Số vốn góp của Hawaco tăng lên mức gần 99,24 tỷ đồng vào cuối năm 2017 và hoàn thành góp đủ số vốn đăng ký trong năm 2018.

Cần lưu ý rằng, trong khoảng thời gian trên, số dư khoản mục tiền và tương đương tiền trên báo cáo tài chính của Hawaco luôn ở trên mức 700 tỷ đồng, cao gấp nhiều lần số vốn cần góp, mặc dù công ty này đang triển khai nhiều dự án khác.

Do đó, việc Hawaco chậm góp đủ số vốn đã đăng ký tại NMN Sông Đuống có khả năng xuất phát từ tiến độ triển khai dự án và biến động ở nhóm các cổ đông tư nhân - vốn chiếm tỷ lệ sở hữu chi phối.

Như VietTimes đã phân tích trước đó, VIAC Limited Partnership (VIAC) và Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank Capital) hay sau đó là CTCP Quản lý Quỹ Sài Gòn (Saigon Capital) nhiều khả năng đã nhận ủy thác đầu tư từ CTCP Nước Aqua One (Aqua One) - một thành viên trong “hệ sinh thái” tập đoàn của nữ doanh nhân Đỗ Thị Kim Liên.

Tiềm lực của Aqua One cũng là điểm đáng lưu ý khi trong quá trình triển khai dự án nhà máy nước, công ty này nhiều lần thế chấp lượng lớn cổ phần NMN Sông Đuống tại ngân hàng và chính đơn vị nhận ủy thác đầu tư là Saigon Capital.

Nguồn vốn chủ sở hữu bị giới hạn, việc xây dựng nhà máy nước và phát triển dự án (đặc biệt là năm 2018) phụ thuộc phần lớn vào nguồn vốn ngân hàng.

Năm 2018, dư nợ vay dài hạn của NMN Sông Đuống tăng đột biến, với giá trị ghi nhận tính đến cuối năm là 2.483,1 tỷ đồng. Trong khi đó, số dư chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng gấp 5,3 lần, đạt 3.197 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2018.

Theo tìm hiểu của VietTimes, tài sản đảm bảo cho khoản vay dài hạn của NMN Sông Đuống chính là các tài sản và quyền tài sản hình thành trong tương lai có liên quan đến dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống.

Được biết, dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 lên tới 5.000 tỷ đồng, bao gồm 2 hợp phần chính: Công trình thu - trạm bơm nước thô, nhà máy nước (diện tích gần 61,5 ha, tại khu vực xã Phù Đổng và xã Trung Mầu, huyện Gia Lâm) và Tuyến ống truyền dẫn nước sạch dài 76 km (phân bổ tại huyện Gia Lâm, quận Long Biên, huyện Sóc Sơn, huyện Đông Anh, quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì và tỉnh Hưng Yên).

Về hiệu quả kinh doanh, trong giai đoạn triển khai dự án từ 2016 - 2018, NMN Sông Đuống không phát sinh doanh thu và chỉ ghi nhận chi phí quản lý doanh nghiệp, với số lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2018 là 16,6 tỷ đồng.

Sau khi chính thức vận hành vào đầu tháng 9/2019, nhiều khả năng NMN Sông Đuống sẽ bắt đầu ghi nhận doanh thu, song song với đó là việc ghi nhận các khoản chi phí khấu hao và chi phí tài chính (chủ yếu là lãi vay ngân hàng).

Theo truyền thông trong nước, giá bán nước sạch của Nhà máy nước Sông Đuống tạm tính ở mức 10.246 đồng/m3 (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) và còn có lộ trình tăng giá 7%/năm. Đáng chú ý, mức giá nước tạm tính này đã được UBND Tp. Hà Nội chấp thuận từ tháng 7/2017 - thời điểm Nhà máy nước mặt Sông Đuống đang triển khai và chưa được quyết toán.

Giải thích thêm về giá nước, mới đây, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội - ông Nguyễn Việt Hà - cho biết ước tính chi phí lãi vay của dự án nhà máy này chiếm khoảng 20% giá thành nước, tương đương 2.103 đồng/3; chi phí khấu hao rơi vào khoảng 2.100 đồng/m3.

“Để giải quyết vấn đề Nhà máy Sông Đuống chưa quyết toán nhưng vẫn cấp nước, ông Hà cho biết Sở Tài chính đã tổ chức hiệp thương thông qua mức giá bán buôn của Nhà máy Sông Đuống thời gian tới là 7.700 đồng/m3” - tờ Tuổi trẻ đưa tin.

Dù mức giá bán nước sạch của Nhà máy nước Sông Đuống ở mức nào thì lợi ích của dự án này, xét về mặt kinh tế, là rất lớn.

Bởi lẽ, hồi cuối tháng 10 vừa qua, WHA Utilities & Power (WHAUP), thành viên của Tập đoàn WHA (Thái Lan) đã chi ra khoảng 2.073,19 tỷ đồng để gom mua 33.986.774 cổ phần của NMN Sông Đuống, tương ứng với mức giá 61.000 đồng/cổ phần.

Nếu không phải "shark" Liên, mà cho Nhật Bản đầu tư NMN Sông Đuống thì sao?

Theo tìm hiểu, dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống nằm trong danh mục dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài tới năm 2020 theo Quyết định số 631/QĐ-TTg ngày 29/4/2014.

Trước đó, ngày 17/1/2013, Bộ Xây dựng có Quyết định số 72/QĐ-BXD về việc phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) và cho phép Liên doanh các Nhà đầu tư: Tổng Công ty đầu tư nước và môi trường Việt Nam (Viwaseen), Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Nội (Hawaco), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và đối tác Nhật Bản thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Hệ thống cấp nước Nhà máy nước sông Đuống.

JICA đã tìm hiểu và đề xuất phương án tham gia với vai trò là nhà đầu tư, đồng thời là đơn vị thu xếp vốn vay từ quỹ PSIF của Nhật Bản.

Khi đánh giá các đề xuất trong nghiên cứu của phía Nhật bản, Viwaseen, với vai trò đại điện chủ đầu tư do Chính phủ Việt nam chỉ định, nhận thấy còn tồn tại một số điểm khác biệt lớn so với Báo cáo FS của Viwaseen thực hiện trước đó.

Cụ thể, phía Nhật Bản đề xuất giá bán nước là 14.000 - 18.000 đồng/m3, cao hơn nhiều so với giá bán đang áp dụng trên địa bàn thành phố; áp dụng hình thức chỉ định thầu EPC đối với các hạng mục cung cấp dây chuyền công nghệ, thiết bị của dự án.

Đáng chú ý, phía Nhật Bản còn đề xuất bao tiêu toàn bộ sản phẩm ngay sau khi nhà máy nước sạch vận hành.

Vì những khác biệt trên nên các bên không tìm được tiếng nói chung. Sau đó JICA giới thiệu thêm nhà đầu tư Mitsubisi  tuy nhiên nhà đầu tư này cũng đưa ra các cơ chế đặc thù khác đề nghị áp dụng và không được Chính phủ đồng ý nên JICA không tiếp tục tham gia dự án.

Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho UBND Tp. Hà Nội triển khai, kêu gọi nhà đầu tư khác thực hiện dự án này. Và kết quả chính là sự xuất hiện và thực hiện dự án của nhóm "shark" Liên hiện nay./.