Cách đây gần 10 ngày, chị Nguyễn Thị Trinh (ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM) đến siêu thị hàng điện tử N.A trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3) hỏi mua chiếc laptop với giá 18 triệu đồng. Do không mang tiền mặt, chị Trinh đến quầy thu ngân đề nghị thanh toán bằng thẻ Techcombank Visa Debit. Một lúc sau, nhân viên thu ngân thông báo phí cà thẻ gần 300.000 đồng cho hóa đơn 18 triệu đồng.
Đẩy khó cho khách hàng
Nhân viên quầy thu ngân giải thích mức phí cà thẻ trên do phía ngân hàng (NH) và tổ chức phát hành thẻ thu nên cửa hàng phải thu lại của khách. “Chỉ mua cái laptop mà mất gần 300.000 đồng phí cà thẻ. Lúc đó, trời tối và xung quanh không có máy ATM để rút tiền nên tôi đành “ôm cục tức” ra về” - chị Trinh bực bội.
Đáng nói, trên website của hệ thống cửa hàng N.A lại quảng cáo mua điện thoại, laptop thanh toán bằng thẻ do tổ chức Visa, Master phát hành sẽ được giảm 20%. Thấy lạ, chị Trinh hỏi lại thì nhân viên cửa hàng nói giảm giá thanh toán bằng thẻ chỉ áp dụng cho một số mẫu điện thoại, máy tính cũ từ năm trước.
Nhân viên đường dây nóng của N.A cho biết phí cà thẻ 2,75% là trả cho tổ chức phát hành thẻ và NH, do các sản phẩm điện tử của cửa hàng nhập về bán giá gốc, lời ít nên không thể chịu thêm khoản phí cà thẻ. Để tránh bị tốn phí, cửa hàng này khuyến khích khách hàng nên thanh toán bằng tiền mặt.
Dù NH Nhà nước quy định khách hàng không phải trả phí khi thanh toán bằng thẻ, qua POS (máy cà thẻ) nhưng rất nhiều đơn vị kinh doanh, nhất là các quán ăn, nhà hàng, hệ thống siêu thị điện máy, siêu thị điện thoại… vẫn thu phí.
Một số nơi còn cố tình “hạn chế” khách khi muốn thanh toán qua thẻ. Chị Lê Thị Minh (ngụ quận 9, TP HCM) kể chị và người bạn đi mua sắm ở một shop quần áo lớn trên đường Điện Biên Phủ (quận 3), đến lúc thanh toán, cả 2 người đều yêu cầu cà thẻ qua POS. Nhân viên ở đây liền nói: “Hai chị cà chung một thẻ hoặc thanh toán tiền mặt, nếu mỗi người cà một thẻ, cửa hàng em sẽ bị trừ phí 2 lần (!)”.
Phớt lờ quy định
Ông Đặng Công Hoàn, Giám đốc Trung tâm Thẻ và Dịch vụ tài khoản cá nhân NH TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), khẳng định các NH phát hành thẻ nói chung và Techcombank nói riêng không có chính sách thu phí khi khách mua hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam bằng tiền đồng.
Trong thanh toán qua POS, đơn vị chấp nhận thẻ phải là người trả phí dịch vụ cho NH thanh toán với thẻ quốc tế ở mức khoảng 2%-2,5% chứ không phải chủ thẻ. Còn mức phí dịch vụ thanh toán qua POS áp dụng cho thẻ ATM nội địa theo thông lệ từ 0%-1%. Mức phí này cũng không thu từ chủ thẻ mà do đơn vị chấp nhận thẻ trả và hiện nhiều NH đã giảm phí này xuống mức 0,5% để khuyến khích không dùng tiền mặt.
“Việc đơn vị chấp nhận thẻ đề nghị khách hàng trả phí để trả cho Visa/NH… là không đúng với thỏa thuận hợp đồng đã ký. Chủ thẻ cần yêu cầu nơi bán hàng ghi rõ phí cà thẻ trong hóa đơn để phản ánh với NH phát hành thẻ. Khi đó, NH phát hành thẻ sẽ tiến hành nghiệp vụ thông qua tổ chức chuyển mạch để yêu cầu NH thanh toán hoàn trả số tiền đó cho khách hàng” - ông Hoàn nói.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cũng khẳng định đơn vị bán hàng thanh toán qua POS không được thu phí của khách. Đơn vị nào vi phạm, NH sẽ làm công văn nhắc nhở, nếu vi phạm 3 lần trở lên, các NH thương mại sẽ hủy bỏ hợp đồng lắp đặt POS.
Nếu tổ chức thẻ quốc tế phát hiện đơn vị bán hàng có lắp đặt POS và 3 lần thu phí của chủ thẻ thì sẽ đưa vào “danh sách đen” và yêu cầu NH thương mại hủy bỏ hợp đồng. “Thanh tra NH phát hiện đơn vị bán hàng lắp đặt POS thu phí cà thẻ của khách sẽ xử phạt hành chính từ 30-50 triệu đồng” - ông Minh nói.
Quy định là vậy nhưng đến nay, rất ít đơn vị bán hàng bị hủy hợp đồng, bị phạt hành chính. Theo chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh, nhiều NH thương mại chạy đua phát hành thẻ, chạy chỉ tiêu lắp đặt POS nên không dại gì cắt hợp đồng với các cửa hàng, đơn vị bán hàng.
Ngược lại, tại các siêu thị điện thoại, điện máy…, giá bán hàng giữa các nơi chênh lệch không cao, cạnh tranh gay gắt nên nếu để khách thanh toán qua thẻ, họ phải mất thêm khoản phí.
“Có điều, nhiều cửa hàng đang kinh doanh kiểu “ăn xổi”, chỉ nhìn cái lợi trước mắt là thu tiền mặt và sợ bị trừ phí cà thẻ. Trong khi việc thanh toán qua thẻ tín dụng sẽ kích cầu tiêu dùng, khách mua hàng nhiều hơn (vì không cần có tiền trước) nên doanh thu sẽ tăng” - ông Minh phân tích.
Giảm thuế để “kích” thanh toán qua thẻ
Theo Hội Thẻ Việt Nam, đến cuối tháng 1-2015, lượng thẻ phát hành trên toàn quốc đã đạt mức 85,9 triệu, tăng 30% so với cuối năm 2013, trong đó có 63,5 triệu thẻ đang lưu hành (tỉ lệ thẻ không hoạt động, thẻ rác hơn 26%). Giao dịch qua thẻ trong năm 2014 cũng tăng hơn 13% về số lượng và 16% về giá trị, chủ yếu là các giao dịch thanh toán hàng hóa và dịch vụ.
Theo ông Đặng Công Hoàn, để tăng giao dịch qua thẻ, nhà nước cần xem xét giảm một phần thuế GTGT khi thanh toán bằng thẻ, doanh thu của doanh nghiệp qua NH sẽ giúp cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý thuế tiết kiệm được nguồn lực vận hành thu thuế so với các phương thức khai thuế thông thường. “Theo kinh nghiệm các nước Hàn Quốc, Uruguay, Ấn Độ, mức giảm thuế GTGT từ 1%-3%. Phần giảm thu ngân sách sẽ bù lại từ lợi ích của việc người dân tăng cường thanh toán bằng thẻ và doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ cũng sẽ minh bạch hơn” - ông Hoàn phân tích.
Theo NLĐ