Báo cáo dựa trên khảo sát được thực hiện với khoảng 150.000 người tại hơn 140 quốc gia/vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Tại Việt Nam, chỉ 31% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng, bằng một nửa so với mức trung bình toàn thế giới tại 62%. Tỷ lệ này tại nông thôn là 19%. Việt Nam đứng thứ 119 trong danh sách của World Bank.
Có tới ba nước chia nhau vị trí đầu bảng với 100% người trưởng thành sở hữu tài khoản ngân hàng là Đan Mạch, Phần Lan và Na-uy. Theo sát sau tại hơn 99% là Thụy Điển, Thụy Sỹ, New Zealands và Canada.
Những người chỉ sử dụng tiền mặt hoàn toàn đứng ngoài lề thị trường tài chính, họ không có tài khoản tiền gửi, không tài sản thế chấp, không check, không thẻ ATM, Ngân hàng Thế giới chỉ ra.
Theo đó, Trung Đông là khu vực có số người chỉ sử dụng tiền mặt nhiều nhất thế giới. Chỉ 14% người trưởng thành tại đây có tài khoản ngân hàng.
Ấn Độ và Trung Quốc chiếm một nửa mức tăng trưởng số lượng người mở mới tài khoản toàn cầu. Tuy nhiên tới 43% người dân Ấn Độ có tài khoản cho biết họ chưa gửi tiền vào hoặc rút tiền ra trong 12 tháng qua.
Châu Phi hạ Sahara là khu vực duy nhất trên toàn thế giới mà người dân sử dụng “tài khoản di động” của các công ty điện thoại, thay vì tài khoản ngân hàng như bình thường.
Đáng lưu ý, tới 46% người trưởng thành tại các quốc gia đang phát triển cho biết họ tiết kiệm tiền theo cách “truyền thống” như cất tiền trong tủ hoặc mang tiền mua nữ trang, gia súc hoặc đầu tư bất động sản.
Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới, những người tham gia vào hệ thống tài chính có cơ hội mở rộng kinh doanh, đầu tư vào giáo dục và quản trị rủi ro, shock tài chính cao hơn.
Theo Bizlive