Ngày 26/12/2014, từ sân bay vũ trụ Plesetsk, kíp chiến đấu của Bộ đội Tên lửa chiến lược Nga đã phóng thử tên lửa đường đạn xuyên lục địa (ICBM) nhiên liệu rắn, cơ động, mang nhiều đầu đạn tách dẫn đường độc lập (MIRV) RS-24 Yars vốn đang được sản xuất loạt tại Nhà máy Votkinsk (được nhận vào trang bị từ năm 2009). Các đầu đạn tập “đã tiêu diệt các mục tiêu tại trường thử Kura với độ chính xác đã định”.
Không một chuyên gia Nga nào được hỏi trả lời được câu hỏi là vì sao phải thực hiện thêm lần phóng kiểm tra cho loại tên lửa đã qua thử nghiệm thành công. Nhưng một số người trong số đó, đây hoàn toàn không phải là RS-24.
Các chuyên gia lưu ý rằng, trong năm 2014, trước khi nổ ra cuộc khủng hoảng chính trị-quân sự ở Ukraine, Mỹ đã tỏ ra lo ngại về việc Nga thử tên lửa đường đạn mới RS-26 Rubezh có tầm bắn hiệu quả dưới 5.500 km, tức là bị cấm theo Hiệp ước thủ tiêu tên lửa tầm trung và tầm ngắn năm 1985.
Hồi đó, Bộ Quốc phòng Nga đã vội vã bác bỏ khẳng định của Lầu Năm góc rằng, tên lửa mới có thể đóng vai trò của tên lửa đương đạn tầm trung (IRBM).
Tiếp đó là cãi vã dai dẳng giữa Mỹ và Nga cả ở cấp độ giới quân sự và ngoại giao, kết thúc bằng việc giới quân sự Nga hứa “xua tan những loa ngại của các đối tác phương Tây”. Rubezh gần như bất khả xâm phạm đối với các tên lửa chống tên lửa Mỹ vì có tốc độ cực lớn ở giai đoạn bay tích cực và được trang bị “hệ thống cơ động thông minh” để có thể đồng thời tránh né 35 tên lửa chống tên lửa. Vấn đề RS-26 thậm chí đã được Quốc hội Mỹ coi là “mối đe dọa chưa từng có đối với an ninh quốc gia Mỹ trong 30 năm gần đây”. Bởi lẽ, tên lửa này có khả năng biến hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của Mỹ thành đống sắt vụn đắt tiền.
Các chuyên gia quân sự Nga tiết lộ, tên lửa Yars mới thử là sự phát triển của thiết kế Topol-M thời Liên Xô. Khác biệt chủ yếu là tầng mang các đầu đạn kiểu mới. Việc phát triển được quyết định từ năm 1989 theo quyết định số 323 của Ủy ban Công nghiệp quốc phòng Liên Xô ngày 9/9/1989, tên dự án là Universal, hình thức triển khai là cơ động trên mặt đất. Việc phát triển tên lửa được giao cho Viện Kỹ thuật Nhiệt Moskva (MIT). Về cấu tạo, RS-24 giống với Topol-M và cũng có 3 tầng. Ngoài tầng mang các đầu đạn mới, tên lửa còn có giai đoạn bay tích cực ngắn hơn và được tran bị hệ thống điều khiển mới là hệ dẫn quán tính với máy tính và hiệu chỉnh thiên văn.
Cơ quan thiết kế là Trung tâm Khoa học-sản xuất Tự động và chế tạo dụng cụ Moskva (NPTsAP). Khoang thiết bị được làm kín hoàn toàn. Tên lửa khi xuất phát có khả năng vượt qua đám mây vụ nổ hạt nhân và thực hiện cơ động theo lập trình. Ngoài ra, tên lửa còn được trang bị hệ thống viễn trắc chính xác hơn là thiết bị thu chỉ báo Т-737 Triada. Để vượt qua các phương tiện phòng thủ tên lửa, tên lửa được trang bị hệ thống đối phó.
Tầng tách các đầu đạn sử dụng một động cơ chuyên dụng có lực đẩy có thể điều chỉnh. Các tầng hành trình có thân hoàn toàn dạng cuộn kiểu “cái kén” sản xuất bằng cách cuộn các sợi chỉ composite polymer trên cơ sở sợi aramid, một thành tựu độc đáo của khoa học Nga, cho phép chịu được tác động nhiệt đến 850 độ C và có độ vững chắc đặc biệt. Để giảm trọng lượng kết cấu, người ta chọn phương án dùng các sợi composite và chất kết dính đặc biệt. Các vật liệu hữu cơ do Viện nghiên cứu Spetsmash phát triển. Chóp mũi cũng được làm bằng vật liệu hữu cơ.
Để bảo đảm các đặc tính năng lượng-trọng lượng cao cho các động cơ, người ta đã sử dụng hỗn hợp nhiên liệu rắn chứa octo-hexogen mật độ cao có xung lực riêng cao, có khả năng duy trì tính năng cao ở dải rộng nhiệt độ và độ ẩm. Nhìn chung, tên lửa Yars là Topol-M, nhưng nhẹ hơn nhờ các vật liệu composite nên mang được tải trọng hữu ích lớn hơn, cũng như có khả năng tốt hơn để vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa nhờ các động cơ mạnh hơn có vector lực đẩy thay đổi và hệ thống điều khiển thông minh có khả năng trong vài phần giây sự đưa ra quyết định cơ động.
Đương lượng nổ của các đầu đạn hạt nhân trên tên lửa cũng được tăng lên đến 1,2 MT. Yars có thể mang đến 4 đầu đạn hạt nhân dẫn đường độc lập có đương lượng nổ mỗi đầu đạn đến 300 kT đi xa 11.000 km.
Các chuyên gia hầu như nhất trí rằng, đâu không phải là việc PR của quân đội Nga hay tuyên truyền yêu nước mà là sự đáp trả đích đáng của Nga đối với việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược của Mỹ rõ ràng nhằm chống lại Nga. Bởi lẽ việc chặn đánh chắc chắn tên lửa đó là khó hơn nhiều so với người anh em nổi danh Topol-M. Năm 2009, Yars đã kết thúc việc thử nghiệm kéo dài đến 15 năm, được nhận vào trang bị và bắt đầu được sản xuất loạt tại Nhà máy Votkinsk. Lúc đó nảy sinh câu hỏi: tại sao lại phải thử nghiệm tên lửa này một lần nữa? Cách giải thích “để cho chắc ăn” lần ày là không phù hợp.
Vụ phóng được thực hiện vào hồi 11 giờ 02, ngày 26/12/2014 từ sân bay vũ trụ Plesetsk, tỉnh Arkhangelsk. “Các đầu đạn tập của tên lửa đã tiêu diệt mục tiêu tại trường thử Kura ở Kamchatka với độ chính xác đã định”, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga phụ trách Bộ đội Tên lửa chiến lược (RVSN) Igor Yegorov cho hay. Các mục tiêu chính của vụ phóng là xác nhận độ tin cậy kỹ thuật của ICBM RS-24 được sản xuất vào năm 2013-2014, cũng như xác nhận các tham số chiến đấu và khai thác của nó. Nhưng các lý do này nghe không thật thuyết phục, nhất là khi xét đến yếu tố tên lửa này được lấy từ series sản xuất loạt theo đơn hàng nhà nước năm 2010.
Giờ chúng ta hãy xem xét thiết kế tên lửa mà trong năm 2014 đã trở thành vụ scandal trong quan hệ của Nga với Mỹ và NATO là RS-26 Rubezh. Giới quân sự Nga khi tiết lộ dự án này chỉ nói đây là “hệ thống tên lửa chiến lược với tên lửa đường đạn có độ chính xác bắn cao hơn”. Để chế tạo đầu đạn cho hệ thống tên lửa Avangard, Viện nghiên cứu TsNII số 4 của Bộ Quốc phòng Nga đã tham gia dự án Proryv chế tạo đầu đạn dẫn đường đọc lập mang kèm các phương tiện vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến (dự án này hoàn thành vào mùa thu năm 2011). Ngày 14/12/2012, Tư lệnh RVSN Thượng tướng Sergei Karakayev tuyên bố, trong tương lai, tên lửa mới sẽ thay thế các ICBM Topol-M và Yars.
Tổng công trình sư Yuri Solomonov, trả lời phỏng vấn ngày 17/3/2011, đã nói rằng, khác với các hệ thống thế hệ trước, các phương tiện chỉ huy chiến đấu và liên lạc của hệ thống tên lửa này có khả năng mạnh hơn nhiều, và sử dụng loại nhiên liệu mới cho các tầng, giúp rút ngắn giai đoạnbay tích cực của tên lửa.
Giới quân sự Nga cũng cho biết, các đầu đạn của tên lửa của hệ thống Avangard có các động cơ riêng và có thể cơ động trên quỹ đạo bay cả về hướng và tốc độ. Hệ thống điều khiển của tên lửa cho phép thay đổi nhanh nhiệm vụ bay và phân phối các mục tiêu trước khi xuất phát. Hàng loạt các tính năng được thay đổi đó nói lên điều gì? Đúng những điều đó người ta đã nói về tên lửa Yars được phóng cách đây không lâu.
Tướng Sergei Karakayev cho biết, hệ thống tên lửa chiến lược RS-26 sẽ tham gia trực chiến vào năm 2016. “Hệ thống RS-26 tiếp tục thử nghiệm, trong năm tới, chúng tôi dự định kết thúc thử nghiệm và từ năm 2016 sẽ đưa vào trực chiến”, Tư lệnh RVSN nói. Sau đó, báo chí đưa tin Avangard là hệ thống có tầm bắn tối thiểu gần 2.000 và tối đa không dưới 6.000 km.
Như thế là thế giới đã biết được Nga phát triển thành công các hệ thống tên lửa chiến lược tầm trung tiên tiến bị cấm theo Hiệp ước thủ tiêu tên lửa tầm trung và tầm ngắn, hơn nữa, chúng lại có khả năng vượt qua dễ dàng lá chắn tên lửa toàn cầu của Mỹ. Đây đã là quả bom thông tin-ngoại giao, khiến Mỹ rất lo lắng.
Quốc hội Mỹ đã tiến hành các buổi điều trần bí mật với sự tham gia của toàn bộ giới tướng lĩnh cao cấp, ở đó, người ta khẳng định Nga vi phạm Hiệp ước, đang thử nghiệm tên lửa chiến lược SS-25 (Topol) hoặc RS-26 (Yars-M hay Rubezh) ở tầm bắn trung bình và đây là “sự vi phạm chưa từng có an ninh chiến lược của Mỹ trong 30 năm nay”.
Giới quân sự và chính trị Nga, để không làm rắc rối thêm quan hệ vốn đã rất phức tạp với Mỹ, đã vội vã trấn an rằng, Nga không che giấu các vụ phóng tên lửa tầm ngắn hay tầm trung vốn có thể bắn khắp châu Âu chỉ trong vòng 2,5 phút sau các vụ thử RS-26. Cựu Tham mưu trưởng RVSN, Thượng tướng Viktor Esin nói rằng, tên lửa này thuộc lớp ICBM, còn các chuyên gia Mỹ đã quan sát việc phóng tên lửa từ sân bay vũ trụ Plesetsk.
Một đại tá giấu tên của RVSN cho biết, “Để không làm người Mỹ phiền lòng thêm, cũng như để đánh lạc hướng họ, các công việc tiếp theo của dự án Rubezh đã được bảo mật ở mức “OV”, còn phần công việc không thể giấu là các vụ phóng tên lửa thực tế thì người ta quyết định “tạm dừng cho đến khi có lệnh đặc biệt”. Nhưng kiểu gì cũng phải thực hiện các vụ phóng thử, kiểm tra các bộ phận mới, nhất là hệ thống điều khiển tích hợp mới.
Bởi lẽ, nó có khả năng độc lập trong khi bay thu thập thông tin từ hàng trăm nguồn khác nhau, kể cả chặn thu các tín hiệu tọa độ của máy bay, tín hiệu hiệu chỉnh vệ tinh, tín hiệu bức xạ từ các mục tiêu ở tất cả các phổ... Chắc chắn vì thế mà chúng ta đững chứng kiến một vụ phóng kỳ lạ tên lửa Yars, loại tên lửa đã khẳng định các tính năng kỹ-chiến thuật của mình thông qua chương trình thử nghiệm rộng lớn và đã được đưa vào sản xuất loạt từ lâu”.
Theo VND