Nhóm nhà đầu tư của CTCP Tân Thành Holdings (Tân Thành Holdings) vừa có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk và đề xuất đầu tư 4 dự án trên địa bàn tỉnh, gồm: Chuỗi các dự án dược liệu, bất động sản sinh thái, dự án điện mặt trời và đường cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang.
Theo đó, Tân Thành Holdings đã đề xuất đầu tư xây dựng dự án “Chuỗi giá trị dược liệu gắn với phát triển rừng bền vững khu vực Tây Nguyên - Mô hình điểm tại Đắk Lắk”, với quy mô hơn 1.000 ha, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 lên đến 3.000 tỉ đồng, được kỳ vọng sẽ là chuỗi sản xuất dược liệu khép kín đầu tiên tại Việt Nam đạt chất lượng và tiêu chuẩn quốc tế.
Giai đoạn 1 sẽ được triển khai trong 5 năm, từ 2021 - 2025, với các hạng mục chính gồm: Vùng trồng dược liệu tiêu chuẩn GACP, Trung tâm thương mại dược phẩm và dược liệu quốc gia tại TP Buôn Ma Thuột, Nhà máy chế biến dược liệu tiêu chuẩn GMP, Tổng kho dược và dược liệu đạt chuẩn GSP, Trung tâm logistics Nông Lâm sản và Dược liệu khu vực Tây Nguyên, Trung tâm tư vấn kỹ thuật và chuyển giao công nghệ, Trung tâm bảo tồn giống dược liệu đầu dòng tại Tây Nguyên, Công viên dược liệu Tây Nguyên, Nhà máy phân bón vi sinh Acela Việt Nam,…
Dự án thứ hai do CTCP Năng lượng xanh Tân Thành đề xuất là cụm dự án điện mặt trời Ea Súp bao gồm 16 nhà máy, với tổng công suất lắp đặt lên đến 2.600 MW, tổng vốn đầu tư ban đầu hơn 46.000 tỉ đồng. Trong đó có 12 nhà máy đạt công suất 150 MW và 4 nhà máy đạt công suất 200 MW, dự kiến khi hoàn thành sẽ cung cấp khoảng 4,4 triệu MWh/năm.
Một pháp nhân khác là CTCP Đầu tư và Xây dựng Bất động sản Tân Thành cho biết đã tiến hành khảo sát, lập đề án và đề xuất được đầu tư xây dựng phát triển các dự án bất động sản nghĩ dưỡng ven hồ Lắk, hồ Ea Kao, hồ Ea Knốp… với tham vọng sẽ biến nơi đây trở thành những khu nghỉ dưỡng sinh thái ven hồ nổi tiếng.
Ngoài ra, CTCP Đầu tư và Xây dựng Bất động sản Tân Thành còn liên danh với Tập đoàn Thuận Việt Holdings, Tổng CTCP Công trình Giao thông 6 (Cienco 6) để đề xuất đầu tư dự án cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang.
Đây là dự án có vai trò quan trọng trong quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Khi tuyến cao tốc này hoàn thiện sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Nha Trang đến Đắk Lắk xuống chỉ còn chưa tới 2h.
Tân Thành Holdings lớn cỡ nào?
Theo tìm hiểu của VietTimes, Tân Thành Holdings tiền thân là CTCP Green Invest Holdings, được thành lập vào tháng 11/2018, trụ sở chính hiện đặt tại phường Tân Phong, quận 7, TP. HCM, hoạt động kinh doanh trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, lâm nghiệp, dược phẩm, bất động sản, dịch vụ.
Tân Thành Holdings có vốn điều lệ 600 tỉ đồng, trong đó ông Lê Thành (SN 1974) là cổ đông lớn nhất góp 540 tỉ đồng, tương đương sở hữu 90%. Phần vốn còn lại được chia đều cho 2 cá nhân là ông Lê Văn Nhân (5%) và ông Lê Mã Long (5%).
Từ khi thành lập đến nay, Tân Thành Holdings đã nhiều lần thay đổi vị trí Tổng giám đốc và người đại diện pháp luật từ ông Lê Thành sang bà Dương Thị Bích Diệp (1982), rồi bà Lê Hồng Bảo Trâm (SN 1983). Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật hiện nay là ông Phan Diễn Vĩ (SN 1971).
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, năm 2019, Tân Thành Holdings (công ty mẹ) ghi nhận doanh thu thuần đạt vỏn vẹn 1,45 tỉ đồng, báo lỗ thuần 34,27 tỉ đồng.
Tại ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của Tân Thành Holdings đạt 1.310,6 tỉ đồng - cao gấp 2,3 lần so với vốn chủ sở hữu ở mức 565,7 tỉ đồng.
Như VietTimes từng đề cập, “đại gia” Lê Thành được biết tới là cựu Thành viên HĐQT, từng sở hữu 12,8% vốn điều lệ của CTCP Tổng Công ty Xây dựng số 1 (Mã CK: CC1).
Hiện ông Thành là Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Tân Mai, Chủ tịch HĐQT CTCP Lavifood, ngoài ra ông còn đang đứng tên ở chục pháp nhân khác./.