Tham vọng ‘siêu ứng dụng’ 250 tỉ USD của Elon Musk ở Twitter

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đằng sau tham vọng biến Twitter trở thành ‘đế chế’ trị giá hơn 250 tỉ USD của Elon Musk là một ý tưởng mà ông đã ấp ủ hơn 2 thập kỷ: ngân hàng số (digital banking).
Tham vọng ‘siêu ứng dụng’ 250 tỉ USD của Elon Musk ở Twitter
Tham vọng ‘siêu ứng dụng’ 250 tỉ USD của Elon Musk ở Twitter

Elon Musk từng có nhiều phát biểu về phiên bản ‘Twitter 2.0’ sau khi thâu tóm nền tảng mạng xã hội này. Nhưng phải tới cuối tuần trước, vị tỷ phú mới cho nhân viên biết kế hoạch của mình hoành tráng cỡ nào.

Theo The Wall Street Journal, trong một email gửi tới các nhân viên, Elon Musk định giá Twitter ở mức khoảng 20 tỉ USD – chưa bằng một nửa so với số tiền mà vị tỷ phú này bỏ ra để thâu tóm Twitter vào năm ngoái.

Tuy nhiên, trong bức thư, Elon Musk cũng nói rằng ông có "một con đường rõ ràng nhưng khó khăn" để đưa Twitter lên mức định giá 250 tỉ USD. Đồng nghĩa, Twitter trong tầm nhìn của Musk – khi trở thành trung tâm trong các hoạt động tài chính của người dùng - đáng giá gấp 10 lần hiện tại. Con số này tương đương với vốn hóa của nhiều định chế tài chính tầm cỡ, kể như JPMorgan Chase (380 tỉ USD), Bank of America (230 tỉ USD), lớn hơn nhiều so với PayPay (85 tỉ USD).

Kế hoạch này tương tự như dự định của Musk từ những ngày đầu lập nghiệp và cũng có nét tương đồng với startup đầu tay X.com, sau này đổi tên thành PayPal, của vị tỷ phú. Nhờ khoản tiền kiếm được từ nền tảng thanh toán này mà Elon Musk đã gây dựng nên ‘đế chế’ của riêng mình với Tesla và SpaceX. Tuy vậy, sự kết thúc của X.com cũng khiến dự định của Musk vẫn còn dang dở.

Giờ đây, vị tỷ phú 51 tuổi đang ấp ủ về một thế giới nơi người dùng Twitter có thể dễ dàng chuyển tiền, hưởng lãi tiền gửi và hơn thế nữa chỉ thông qua 1 ứng dụng duy nhất. Ý tưởng đó gần giống với tầm nhìn ban đầu của Musk đối với X.com – trước khi startup này hợp nhất với một công ty khác để trở thành PayPayl, theo The Wall Street Journal.

Tại một hội nghị do Morgan Stanley tổ chức vào tháng 3, Musk đã nói về tham vọng đa dạng hóa Twitter sau khi cải tổ hoạt động kinh doanh quảng cáo – vốn chiếm khoảng 90% doanh thu của công ty. “Tôi nghĩ rằng nó có thể trở thành tổ chức tài chính lớn nhất thế giới”, Musk nói. Theo các nhà phân tích, Twitter – với việc trở thành một trung gian thanh toán – có thể gia tăng đáng kể doanh thu.

Song, Musk cũng phải tìm cách vượt qua các ‘tay chơi’ hiện hữu và các rào cản pháp lý trong lĩnh vực mới. Twitter cho tới nay mới chỉ thực hiện những bước ban đầu trong lĩnh vực thanh toán và tài chính. Hồi tháng 11/2022, Twitter đã nộp hồ sơ cho Bộ Tài chính Mỹ và giờ phải lo đăng ký giấy phép ở các bang mà nó dự định sẽ triển khai dịch vụ.

Tỷ phú Elon Musk muốn biến Twitter trở thành một phiên bản khác của WeChat?

Tỷ phú Elon Musk muốn biến Twitter trở thành một phiên bản khác của WeChat?

Siêu ứng dụng

Tương tự những gì đã làm được ở Tesla, Elon Musk đặt cược vào sự tăng trưởng vượt bậc của Twitter, vạch ra lộ trình để công ty này không còn phụ thuộc vào kinh doanh quảng cáo. Đây là điểm cốt lõi để Twitter được định giá cao hơn.

Kế hoạch của Musk nhằm tận dụng lợi thế hàng trăm triệu người dùng của Twitter và được lấy cảm hứng từ sự xuất hiện của các ứng dụng ở châu Á kết hợp giữa mạng xã hội và thương mại kỹ thuật số, cũng như trải nghiệm trước đây với X.com.

Được thành lập vào năm 1999, X.com được coi là một ngân hàng có phạm vi hoạt động rộng. Ở đó, Musk muốn hợp nhất các dịch vụ tài chính của người dùng vào một trang web. Nhưng điều thực sự thu hút sự chú ý là khả năng gửi tiền qua email giữa những người dùng, một bước đột phá vào thời điểm đó và cuối cùng đã nâng tầm PayPal.

“Tôi sẽ thực hiện hóa tham vọng ở X.com từ 22 năm trước với một số cải tiến”, Elon Musk chia sẻ tại một hội nghị trong năm 2022. “Tôi đã viết một kế hoạch vào tháng 7/2000, với ý nghĩ rằng việc tạo ra một trung tâm tài chính có giá trị nhất trên thế giới là khả thi. Điều đáng kinh ngạc là chưa có ai làm được”, ông nói.

Với Twitter, Musk đang bắt đầu hành trình để tạo ra siêu ứng dụng của riêng mình. Một ứng dụng như vậy có thể là nền tảng kết hợp giữa nội dung, giao tiếp và thương mại tương tự như những ứng dụng được cung cấp bởi những gã khổng lồ công nghệ ở Trung Quốc, chẳng hạn như WeChat của Tencent Holdings, hay Alipay của Ant Group.

“Chúng ta thậm chí chẳng có một ứng dụng nào tốt như WeChat ở Trung Quốc”, Musk nói tại sự kiện All-In Summit vào tháng 5/2022.

Các công ty này ở Trung Quốc được hưởng lợi từ hệ thống nhắn tin kỹ thuật số và ngân hàng kém phát triển hơn so với Mỹ và cơ sở người dùng bùng nổ trên thiết bị di động, mà đối với nhiều khách hàng, đây là phương tiện truy cập internet duy nhất của họ.

“Trong mô hình Alipay và WeChat, quảng cáo không phải là một khía cạnh quan trọng”, Jason Wong, một nhà phân tích tại Gartner, cho biết. “Mô hình này dựa trên các giao dịch, tương tác của người dùng”, ông nói.

Khả năng Musk có thể gặt hái thành công tương tự như WeChat ở Trung Quốc vẫn còn bỏ ngỏ, đặc biệt là khi người dùng ở Mỹ đã quen với một loạt ứng dụng ngân hàng và nhắn tin có khả năng cung cấp hệ thống thanh toán kỹ thuật số./.

Nguồn tham khảo: The Wall Street Journal