Theo thông tin công bố của CTCP Năng lượng Bắc Phương (Bắc Phương Energy), giá trị trái phiếu phát hành đợt 1 đạt 364,8 tỷ đồng, có kỳ hạn 14 năm kể từ ngày phát hành. Loại hình trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có đảm bảo.
Lãi suất áp dụng cho 4 kỳ thanh toán đầu tiên của lô trái phiếu là 9,8%/năm. Đối với các kỳ tính lãi tiếp theo, lãi suất được tính bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân 12 tháng (bằng đồng Việt Nam) được công bố tại Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank) cộng với biên độ 3,3%/năm.
CTCP chứng khoán MB (MBS) là đại lý phát hành. MBBank - Chi nhánh Điện Biên Phủ là tổ chức tư vấn, đại lý quản lý tài sản bảo đảm. Mục đích và tài sản bảo đảm của lô trái phiếu không được tiết lộ cụ thể.
Trước đó, vào tháng 12/2019, MBBank - Chi nhánh Điện Biên Phủ và Bắc Phương Energy (cùng sự tham gia của MBS) đã ký kết hợp tác tài trợ dự án Nhà máy điện gió Đông Hải 1 - Giai đoạn 1.
Được biết, dự án này do Bắc Phương Energy làm chủ đầu tư, có công suất thiết kế 50MW, được xây dựng trên diện tích quy hoạch bao gồm 930,1 ha mặt nước và 11,2 ha trên đất liền.
Tổng mức đầu tư của dự án là 2.945 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục: 12 turbines gió; trạm biến áp nâng áp 22/110kV – 1 X 63 MVA; đường dây 110 kV đấu nối nhà máy với đường dây 110 kV Hòa Bình – Đông Hải; khu nhà quản lý vận hành, nhà ở cán bộ công nhân viên và các công trình phụ trợ.
Khi đi vào hoạt động, dự kiến nhà máy có sản lượng điện hàng năm khoảng 176 triệu KWh. Dự kiến nghiệm thu, đóng điện nối lưới và khai thác thương mại Đợt 1 vào tháng 11/2020 và Đợt 2 vào tháng 1/2021.
Ngoài ra, theo tìm hiểu của VietTimes, dự án Nhà máy điện gió Đông Hải 1 - Giai đoạn 2 có quy mô 250 MW cũng đang được khảo sát, nghiên cứu.
Bắc Phương Energy thành lập vào tháng 3/2018, ban đầu hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn với quy mô vốn điều lệ 500 tỷ đồng, bao gồm 2 cổ đông là CTCP Bắc Phương (Bắc Phương Group) và CTCP Tư vấn và xây dựng DVS Việt Nam (DVS Việt Nam) có tỷ lệ sở hữu lần lượt là 88% và 12% vốn điều lệ.
Tới cuối năm 2018, DVS Việt Nam thoái vốn, còn Bắc Phương Energy chuyển sang mô hình công ty cổ phần với sự góp mặt của 3 cổ đông cá nhân khác. Trong đó, Bắc Phương Group vẫn nắm giữ cổ phần chi phối với tỷ lệ sở hữu 51%. Số cổ phần còn lại chia cho các cổ đông cá nhân là ông Nguyễn Văn Lệ (44%); ông Mai Văn Giáp (2%) và ông Nguyễn Minh Đức (3%).
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, Bắc Phương Group được thành lập vào năm 2005, đăng ký hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác. Ban đầu, Bắc Phương Group có quy mô vốn điều lệ ở mức 180 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm: ông Mai Trọng Thịnh (54%); bà Phạm Thị Nhài (43,2%) và bà Trần Thị Cúc (1,8%). Sau nhiều lần điều chỉnh, quy mô vốn được nâng lên mức 920 tỷ đồng.
Ông Mai Trọng Thịnh đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của Bắc Phương Group. Bên cạnh đó, ông Thịnh còn là người đại diện của CTCP BP Solar và CTCP Vật liệu xây dựng TMDV Cường Thịnh
Dưới sự chèo lái của doanh nhân sinh năm 1976, Bắc Phương Group hoạt động tích cực trong các lĩnh vực hạ tầng, giao thông đường bộ và đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Trong đó có thể kể tới các dự án như Nhà máy điện mặt trời BP Solar 1 (tổng vốn đầu tư 1.315 tỷ đồng) tại xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận hay dự án Nhà máy điện gió Đông Hải 1 do Bắc Phương Energy làm chủ đầu tư như đã nêu./.