Nền kinh tế lớn thứ ba châu Á đã phải vật lộn trong nhiều tuần để kiểm soát sự gia tăng tàn phá của đại dịch COVID-19. Với hàng trăm nghìn ca mắc mới được báo cáo mỗi ngày, các nhà kinh tế đang xem xét lại dự báo của họ về tăng trưởng hai con số trong năm nay - một dấu hiệu đáng lo ngại cho một quốc gia đã rơi vào suy thoái lần đầu tiên trong gần 1/4 thế kỷ vào năm ngoái -sau khi chính phủ áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn quốc.
Đó là lý do Thủ tướng Narendra Modi cho đến nay vẫn phản đối những lời kêu gọi áp lệnh phong tỏa mới, ngay cả khi nhiều khu vực đã công bố những biện pháp hạn chế hà khắc của riêng họ. Tuy nhiên, một số ngành công nghiệp toàn cầu phụ thuộc vào Ấn Độ đang vô cùng lo lắng, nếu cuộc khủng hoảng trở nên sâu sắc hơn, mọi thứ từ quần áo, dược phẩm cho đến dịch vụ tài chính và vận chuyển toàn cầu đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Chuỗi cung ứng
Hội nghị thế giới của Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển cho biết, 80% hàng hóa thương mại trên thế giới được vẩn chuyển bằng tàu biển, và đa số thủy thủ đoàn là người Ấn Độ.
Theo Guy Platten, Tổng thư ký Phòng Vận tải biển Quốc tế, hơn 200.000 trong số khoảng 1,7 triệu thuyền viên trên toàn cầu đến từ Ấn Độ. Nhiều người trong số họ có các cấp bậc và vai trò đòi hỏi các kỹ năng quan trọng.
“Chúng tôi hy vọng rằng tình huống này có thể được giải quyết. Nếu không, nó có thể dẫn đến tình trạng “thiếu hụt thuyền viên” lớn có thể “làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu””, ông nói thêm.
Ngoài ra, việc di chuyển công nhân Ấn Độ đến các cảng trên thế giới, cũng như hoán đổi phi hành đoàn là không thể trong bối cảnh nhiều quốc gia đã cấm các chuyến bay từ Ấn Độ.
René Piil Pedersen, người đứng đầu Bộ phận Quan hệ Hàng hải của Maersk-công ty vận tải container lớn nhất thế giới, hy vọng rằng các quốc gia bắt đầu phân biệt giữa du khách thường xuyên và những người đi biển. Ông nói, nếu không, thế giới có thể đối mặt với cả mối đe dọa nghiêm trọng đối với dòng chảy hàng hóa toàn cầu và "cuộc khủng hoảng nhân đạo", bởi các thủy thủ đoàn sẽ không thể rời tàu của họ và trở về nhà.
Pedersen, thuộc công ty sử dụng 30% thuyền viên đến từ Ấn Độ, cho biết: “Điều này sẽ tạo tâm lý hết sức nặng nề đối với họ”.
Đại dịch đã khiến vận tải biển toàn cầu trở nên hỗn loạn vào năm ngoái, với gần 200.000 thuyền viên bị mắc kẹt trong nhiều tháng do đóng cửa cảng và ngừng chuyến bay. Một số công nhân đã bắt đầu gọi các tàu của họ là "nhà tù nổi " - và Pedersen lo ngại kịch bản đó sẽ quay trở lại nếu cuộc khủng hoảng COVID-19 của Ấn Độ tiếp tục không suy giảm.
Sankar Narayanan, Gám đốc vận chuyển tại công ty vận tải và hậu cần GAC Ấn Độ cho biết, ở một số nơi như các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Singapore, Hong Kong và Trung Quốc đại lục, "đã áp dụng các biện pháp hạn chế, kiểm dịch nghiêm ngặt đối với các tàu đến từ các cảng của Ấn Độ".
Các chuyên gia cho rằng việc tiêm phòng cho thuyền viên có thể là một giải pháp, nhưng điều đó có thể khó thực hiện.
Vaccine và các dược phẩm khác
Hệ thống tiêm chủng trên thế giới đang bị ảnh hưởng bởi sự bùng phát COVID-19 ở Ấn Độ, quốc gia thường sản xuất hơn 60% tổng lượng vaccine cung ứng trên toàn cầu. Đất nước này là nơi đặt trụ sở của Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII), nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới. Khả năng sản xuất quy mô lớn của nó là lý do quốc gia này ký kết với tư cách là một bên tham gia chính trong COVAX – cơ chế toàn cầu cung cấp vaccine COVID-19 được chiết khấu hoặc miễn phí cho các quốc gia có thu nhập thấp hơn.
Vaccine của AstraZeneca được sản xuất bên trong phòng thí nghiệm của Viện Huyết thanh Ấn Độ (Ảnh: CNN) |
Năm ngoái, SII đã đồng ý sản xuất tới 200 triệu liều vaccine COVID-19 cho 92 quốc gia. Tuy nhiên, với chỉ 2% dân số Ấn Độ được tiêm chủng đầy đủ, chính phủ và SII đã chuyển trọng tâm từ việc cung cấp vaccine cho các quốc gia khác và hiện đang ưu tiên cho người dân trong nước.
Tin xấu không chỉ dừng lại ở đó. Ngoài sự thiếu hụt vaccine COVID-19, sự lây lan của dịch bệnh ở Ấn Độ nếu không được kiểm soát sớm còn có thể có những hậu quả khác đối với ngành công nghiệp dược phẩm trên toàn thế giới.
Theo một nghiên cứu vào tháng 4/2020 của Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ và KPMG, Ấn Độ là nhà cung cấp thuốc gốc lớn nhất thế giới - bản sao của biệt dược có cùng tác dụng nhưng chi phí thấp hơn. Tại Hoa Kỳ, 90% đơn thuốc được kê bằng thuốc gốc và cứ ba viên thuốc được tiêu thụ thì có một viên được sản xuất bởi một nhà sản xuất thuốc gốc Ấn Độ.
Các nhà sản xuất thuốc Ấn Độ cho biết có tới 70% nguyên liệu thô của họ từ Trung Quốc - một mắt xích trong chuỗi cung ứng dễ bị tổn thương do COVID-19. Tuy nhiên, vào cuối tháng 4, hãng hàng không Tứ Xuyên (Sichuan Airlines) của Trung Quốc đã đình chỉ các chuyến bay chở hàng đến Ấn Độ trong 15 ngày. Điều đó đã khiến tập đoàn xuất khẩu dược phẩm hàng đầu của Ấn Độ phải viết thư thúc giục sự can thiệp của Đại sứ Ấn Độ tại Bắc Kinh.
Trong thư, Ravi Udaya Bhaskar, Chủ tịch của Hội đồng xúc tiến xuất khẩu dược phẩm của Ấn Độ, gọi việc đình chỉ là "đáng lo ngại" - và nói rằng nó có thể có "tác động phân tầng" đối với chuỗi cung ứng.
"Hầu hết các quốc gia phụ thuộc vào Ấn Độ về thuốc gốc, và Ấn Độ phụ thuộc vào Trung Quốc về nguyên liệu thô. Đây sẽ là một cú giáng mạnh đối với chuỗi cung ứng dược phẩm toàn cầu nếu thương mại giữa hai bên bị gián đoạn", Tinglong Dai, phó giáo sư thuộc Viện Phân tích Quản lý và Kinh doanh tại Trường Kinh doanh Johns Hopkins Carey cho hay.
Hiện tại, tác động có vẻ còn hạn chế. Bhaskar nói với CNN Business vào tuần trước rằng các công ty lớn hiện vẫn có đủ nguyên liệu thô để cung cấp đủ thuốc trong vòng 3 đến 4 tháng tới. Ông cũng nói thêm rằng hãng hàng không Sichuan Airlines có khả năng sẽ phục vụ trở lại trong tuần này.
Tuy nhiên, Sichuan Airlines hiện chưa đưa ra tuyên bố cụ thể.
May mặc
Ấn Độ là một trong những nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới, và ngành này hiện đang phải vật lộn với tình trạng thiếu lao động trầm trọng.
Công nhân làm việc tại một nhà máy dệt kim ở Ấn Độ (Ảnh: CNN) |
Arpit Aryan Gupta, đối tác và giám đốc phát triển kinh doanh mới của nhà sản xuất quần áo NG Apparels, ở Ludhiana, Punjab, cho biết: "Đây là lần đầu tiên thế hệ chúng tôi phải trải qua điều gì đó như thế này, không ai được chuẩn bị trước cho một kịch bản chết chóc như hiện tại”. Công ty quản lý các thương hiệu bao gồm New Balance và Nordstrom, sử dụng khoảng 100 công nhân lành nghề và bán lành nghề, và gần 50% trong số họ đã nghỉ việc kể từ khi làn sóng dịch COVID-19 mới bắt đầu. Gupta cho biết ông đang cung cấp nhà ở cho những công nhân còn lại để nhà máy tiếp tục hoạt động.
Ở những nơi khác, các nhà sản xuất cũng đang đối mặt những kịch bản đáng lo ngại không kém.
Theo công ty tư vấn Wazir Advisors, tại các trung tâm sản xuất hàng may mặc lớn là Delhi và Bangalore - cũng là những bang có số lượng người nhiễm COVID-19 cao nhất - tỷ lệ nghỉ việc của công nhân đã lên tới 50%. Ngoài ra, sự an toàn của người lao động cũng trở thành một mối quan tâm lớn đối với nhiều nhà sản xuất.
Theo Wazir Advisors, tiêu thụ và xuất khẩu của ngành may mặc trong nước năm ngoái đã giảm lần lượt 30% và 24%.
"Nhưng đối với năm 2021, rất khó để lập dự án ngay bây giờ vì chúng tôi không chắc khi nào đại dịch này sẽ kết thúc", công ty cho biết thêm.
Ấn Độ cũng là nước xuất khẩu da và đồ da lớn trên toàn cầu. Hội đồng Xuất khẩu Da thuộc Ấn Độ cho biết, quốc gia này là nước xuất khẩu hàng may mặc bằng da lớn thứ hai và nước xuất khẩu hàng da lớn thứ tư trên thế giới. Đây cũng là nhà sản xuất giày dép lớn, sau Trung Quốc, sản xuất gần 3 tỉ đôi giày mỗi năm.
Năm ngoái, đại dịch đã giáng một đòn mạnh vào ngành công nghiệp da của Ấn Độ, và các doanh nghiệp chỉ mới bắt đầu phục hồi thì làn sóng mới nhất xảy ra, dẫn đến việc đóng cửa hàng loạt và thiếu công nhân lành nghề.
Các dịch vụ tài chính
Các ngân hàng lớn và các công ty kế toán đang tranh giành để duy trì hoạt động trực tuyến trong bối cảnh đại dịch, do Ấn Độ đóng vai trò quan trọng như một trung tâm cho các văn phòng đại diện của họ.
Nhiều công ty đã thuê một số lượng lớn các vị trí công việc vận hành và nhân viên công nghệ thông tin từ Ấn Độ trong những thập kỷ gần đây, do lực lượng lao động có trình độ và chi phí lao động thấp. Theo Hiệp hội Công ty Phần mềm và Dịch vụ Quốc gia, một cơ quan thương mại của đất nước này đang làm việc trong lĩnh vực CNTT và quản lý quy trình kinh doanh.
Một số công ty đang thực hiện một số biện pháp để giải quyết cuộc khủng hoảng, bao gồm chuyển công việc sang các nước khác, khuyến khích nhân viên làm việc tại nhà và kéo dài thời hạn của dự án.
Điển hình là ngân hàng Goldman Sachs (GS) và Wells Fargo ( WFC ) đã triển khai công việc từ xa cho tất cả nhân viên. Tuy nhiên, làm việc tại nhà trong thời kỳ đại dịch rất phức tạp, đặc biệt nếu nhân viên phải chăm sóc người thân bị ốm. Ngoài ra còn có những thách thức xung quanh vấn đề bảo mật và bảo vệ dữ liệu, vì nhân viên có thể đang xử lý thông tin nhạy cảm của công ty hoặc khách hàng.
Các ngân hàng Vương quốc Anh Barclays ( BCLYF ) , NatWest và Standard Chartered ( SCBFF ) trong một số trường hợp đang chuyển hướng công việc sang các quốc gia khác để giảm bớt áp lực cho nhân viên ở Ấn Độ, nhiều người trong số họ đã bị ốm hoặc phải chăm sóc tại nhà.
Công ty EY India, với hơn 56.000 công nhân, cũng đã chuyển công việc sang các khu vực địa lý khác khi bắt đầu sự gia tăng của đại dịch.
Theo Julie Teigland, một đối tác quản lý khu vực, hầu hết các nhân viên của công ty đều đang làm việc tại nhà. "Một số lượng đáng kể nhân viên EY và các thành viên trong gia đình của họ đã bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đợt Covid thứ hai nghiêm trọng ở Ấn Độ", bà nói thêm.