Thủ tục cồng kềnh
Theo GS Đặng Hùng Võ, vấn đề đất đai ở Việt Nam còn rất nhiều bất cập, trong khi người dân chưa thể thực thi được quyền giám sát của mình đối với Nhà nước trong lĩnh vực này. Do đó, việc thực hiện Luật đất đai chưa đến nơi đến chốn và cực kỳ nhiêu khê.
Trao đổi với Báo điện tử Một Thế Giới, GS Đặng Hùng Võ dẫn chứng rằng, ở Thái Lan, việc chuyển quyền sử dụng đất chỉ mất 1 ngày, trong khi ở Việt Nam, điển hình là Hà Nội và TP.HCM mất tận 1 tháng.
Nguyên nhân được GS Võ chỉ ra, đó là do bộ máy hành chính của Việt Nam hết sức cồng kềnh, nhiều thủ tục hành chính nhiêu khê. Bên cạnh đó, chất lượng của đội ngũ nhân sự trực tiếp giải quyết công việc không cao, không tuyển được người tài vào làm việc, rất nhiều trong số đó là “con ông cháu cha”.
Đồng thời với đó là tình trạng hạch sách, quan liêu, tham nhũng và thói vô trách nhiệm dẫn đến công việc bị ách tắc. Một lý do nữa đến từ công nghệ và trình độ quản lý hết sức lạc hậu và không khoa học.
Theo GS Đặng Hùng Võ, sở dĩ Thái Lan cũng như nhiều quốc gia khác giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng bởi họ có bộ máy hành chính tinh gọn, nhẹ nhàng, đội ngũ cán bộ, nhân viên có trách nhiệm, có năng lực và trình độ. Hơn nữa, đội ngũ nhân sự cũng đề cao đạo đức công việc, ít có chuyện hạch sách tham nhũng như ở ta.
“Đồng thời, bộ máy được áp dụng công nghệ thông tin và cách quản lý khoa học. Xử lý, phê duyệt thông tin qua mạng, nhiều thủ tục không cần gặp trực tiếp nên tiến độ vừa nhanh chóng, vừa hạn chế được sự nhũng nhiễu, tham nhũng, phong bì… này nọ”, GS Đặng Hùng Võ nói.
Do đó, ở Việt Nam sinh ra một nghề rất lạ đó là “cò”, ở đâu cũng có “cò”, ở các cơ quan cũng có cò giấy tờ, giúp làm thủ tục nhanh chóng hơn. Trong khi, ở các nước khác không có hoặc cực kỳ hiếm “nghề” này.
Dân “sợ” chính quyền
Nói thêm về việc giám sát của người dân đối với hoạt động của cơ quan Nhà nước, GS Đặng Hùng Võ cho rằng, người dân chưa có ý thức về quyền giám sát của mình. Hơn nữa, người dân Việt Nam có tâm lý “sợ” chính quyền.
“Đó là quan điểm tôn ti trật tự mang tính chất phong kiến vẫn còn ăn sâu ở nước ta. Quan niệm của người dân cho rằng quan là hơn dân nên người dân không dám thực hiện nhiều vấn đề, chưa ý thức đầy đủ được quyền của mình”, GS Đặng Hùng Võ lý giải.
“Hơn nữa, chính quyền cũng chưa thực sự cầu thị, lắng nghe người dân. Điều này chỉ có thể giải quyết khi người dân được nâng cao dân trí, ý thức được quyền hợp pháp của mình và chính quyền phải lắng nghe dân. Bên cạnh đó, người dân rất cần sự trợ giúp của các tổ chức chính trị - xã hội, báo chí, các tổ chức phi chính phủ để họ có thể hiểu và vận dụng đầy đủ quyền lợi của mình”, GS Đặng Hùng Võ nói thêm.
Hoàng Long - Theo Một thế giới