Apple đã bắt đầu mở bán MacBook Pro 13 inch và 15 inch phiên bản 2018 từ hôm qua. Năm nay dòng sản phẩm laptop cao cấp của “Táo khuyết” không chứng kiến thay đổi lớn nào về thiết kế, thay vào đó lại nhận cập nhật phần cứng mạnh mẽ đáng kể so với MacBook Pro đời trước và một số đặc điểm hay tính năng hữu ích trên iMac Pro và iPad Pro cũng đã cập bến MacBook Pro, lần lượt là chip T2 và tính năng cân bằng trắng màn hình dựa trên môi trường xung quanh True Tone.
Cấu hình và linh kiện bên trong
Phiên bản cấu hình cao nhất có màn hình 15 inch cùng touch bar của MacBook Pro mới sẽ được trang bị một vi xử lý Core i9 6 nhân đời thứ 8 xung nhịp 2,9 GHz đến từ Intel. Ngoài ra còn một lựa chọn chip xử lý Core i7 6 nhân có giá “dễ thở” hơn. 2018 đánh dấu năm đầu tiên Apple đưa RAM tốc độ cao DDR4 lên MacBook Pro, với tùy chọn RAM tối đa lên tới 32 GB, cao gấp đôi tùy chọn tối đa 16 GB RAM DDR3 của 2017. Trên lý thuyết, bộ nhớ RAM DDR4 có tốc độ vượt trội và cũng sẽ tiêu thụ nhiều điện năng hơn, nên Apple đã đặt vào MacBook Pro mới một viên pin to hơn trên phiên bản năm ngoái, tuy nhiên chỉ đủ để đạt được thời lượng sử dụng ngang bằng với MacBook Pro 2017. GPU xử lý đồ họa trên phiên bản 15 inch là Radeon Pro 555X của hãng AMD.
Trên bản 13 inch, Apple vẫn sử dụng card đồ họa onboard của Intel có tên Irus Plus 655, tuy nhiên đã được nâng cấp lên 128MB eDRAM. Chip xử lý đời thứ 8 Core i5 hoặc Core i7 gấp đôi số nhân từ 2 lên 4 nhân, hoạt động ở mức xung nhịp 2,7 GHz. Bộ nhớ trong tốc độ cao SSD cũng tăng gấp đôi dung lượng ở 2TB và tùy chọn dung lượng bộ nhớ RAM cao nhất là 16 GB. Apple khẳng định MacBook Pro 13 inch bản 2018 sẽ cho tốc độ nhanh gấp đôi phiên bản tiền nhiệm, tuy nhiên điều này còn tùy thuộc vào từng ứng dụng.
Trên MacBook Pro phiên bản 2016, Apple ra mắt con chip T1 với tác vụ chính là để quản lý thanh cảm ứng Touch Bar và Apple Pay. Chip T2 sau đó được thêm vào trên iMac Pro năm ngoái đã mở rộng thêm nhiều tiện ích khác, trở thành bộ điều khiển đa dụng toàn hệ thống cũng như củng cố bảo mật cho máy, và giờ phiên bản MacBook Pro 2018 cũng được trang bị thêm con chip này. T2 hỗ trợ chức năng secure boot, mã hóa file lưu vào bộ nhớ trong thời gian thực, quản lý SSD và cho phép kích hoạt Siri qua lệnh “Hey Siri” trên iMac Pro. Hầu hết người dùng đều không biết đến sự tồn tại của T2, tuy nhiên vi xử lý lại là một mảnh ghép vô cùng quan trọng đóng góp vào bảo mật chắc chắn của iMac. Không chỉ vậy, T2 còn thể hiện rõ ràng chiến lược “tự làm tự ăn” và nỗ lực gay gắt để giải phóng bản thân khỏi sự phụ thuộc vào bất kỳ nhà sản xuất vi xử lý nào của Người khổng lồ công nghệ Cupertino.
Bàn phím butterfly tiếp tục trở lại
Năm 2016 Apple lần đầu giới thiệu bàn phím cơ chế butterfly trên MacBook. Thiết kế theo cơ chế butterfly giúp Apple giảm được tối đa độ dày bàn phím và hạn chế bụi lọt vào thiết bị, tuy nhiên lại cho cảm giác gõ chưa thực sự hài lòng với hành trình phím nông và nhẹ. Dù bàn phím nhận nhiều ý kiến trái chiều, có người thích kẻ chê, nhưng trên thực tế tỷ lệ hỏng quá cao đặc biệt là trên phiên bản đầu tiên ra mắt 2016 đã buộc Apple phải thừa nhận lỗi về mình và phát động chương trình bảo hành miễn phí bàn phím MacBook kể cả lỗi vật lý do người dùng. Tuy vậy nhưng Apple vẫn tiếp tục dùng bàn phím switch butterfly trên MacBook 2018 sau khi tuyên bố đây sẽ là phiên bản mới được cải tiến và gia tăng tuổi thọ. Bàn phím butterfly 3.0 cho cảm giác gõ mềm, ít nảy hơn và gần giống với bàn phím chiclet truyền thống trên các phiên bản MacBook trước 2016, tuy nhiên hiện tại chưa thể đưa ra kết luận về độ bền của bàn phím mới này và liệu Apple có lặp lại sai sót một lần nữa hay không.
Thêm phụ kiện bao da, external GPU và giá cả
Ra mất cùng với MacBook Pro 2018 là 3 màu mới của bao da có tên Saddle Brown, Midnight Blue và Black. Tuy nhiên, phụ kiện nhận nhiều chú ý hơn lại là bộ vi xử lý đồ họa gắn rời bên ngoài eGPU đến từ Blackmagic Design. Apple cho biết đã làm việc sát sao với Blackmagic Design để phát triển và cho ra một bộ vi xử lý đồ họa rời eGPU tương thích với MacBook Pro. Apple khẳng định giải pháp đồ họa mình cung cấp đem lại quá trình thiết lập nhanh chóng và chạy êm ái, ít tiếng ồn hơn bất kỳ giải pháp nào khác trên thị trường. Bộ eGPU dùng chip đồ họa Radeon Pro 580 8GB, hỗ trợ cổng Thunderbolt và được bán lẻ với giá 699 USD.
Cuối cùng, máy được bán ra với 2 màu Space Gray và Silver. Phiên bản 13 inch MacBook Pro mới sẽ đến tay người dùng với mức giá khởi điểm 1.799 USD và bản 15 inch là 2.399 USD - tương tự số tiền khách hàng phải trả cho model năm ngoái. Tuy nhiên, với phiên bản cấu hình tối đa gồm 32 GB RAM, 4TB SSD và chip Core i9 người mua sẽ phải trả một số tiền lớn đến giật mình lên tới 6.699 USD, đó là chưa kể nếu chọn cài đặt sẵn phần mềm bản quyền của ứng dụng chỉnh sửa video Final Cut Pro X và Logic Pro X, tổng số tiền cho MacBook Pro phiên bản 15 inch sẽ là 7.199 USD - tương đương 166 triệu đồng - một mức giá thực sự khiến người mua phải cân nhắc đắn đo trước khi đầu tư cho cỗ máy chỉnh sửa ảnh và video di động tốt nhất trên thị trường.
Theo ICT News