Tập đoàn Trung Nguyên: Đã rõ cục diện cả 18 vụ tranh chấp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngày 24/5/2021, đại diện Tập đoàn Trung Nguyên gửi đến báo chí bản tin xác nhận ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã thi hành xong “án ly hôn và chia tài sản”, chính thức sở hữu toàn bộ Tập đoàn Trung Nguyên.
Về pháp lý, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã chính thức sở hữu toàn bộ Tập đoàn Trung Nguyên
Về pháp lý, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã chính thức sở hữu toàn bộ Tập đoàn Trung Nguyên

Chấp hành Quyết định Giám đốc thẩm số 01/202 do Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tuyên ngày 11/03/2021, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã chuyển đủ vào tài khoản thi hành án của Cục thi hành án dân sự TP.HCM. hơn 1.318 tỉ đồng (con số chính xác: 1.318.471.219.421,54 đồng). Đây là khoản tiền chênh lệch về giá trị tài sản thực nhận, so với giá trị tài sản được chia, mà ông Vũ phải chuyển thêm cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

Kết luận trong Thông cáo báo chí ngày 24/5/2021 của TĐ Trung Nguyên

Kết luận trong Thông cáo báo chí ngày 24/5/2021 của TĐ Trung Nguyên

Theo Thông cáo báo chí của Tập đoàn: Từ nay, bà Lê Hoàng Diệp Thảo không còn sở hữu cổ phần nào trong bất cứ công ty nào thuộc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên. Ông Đặng Lê Nguyên Vũ chính thức trở lại vị trí là Chủ Tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo không "tâm phục, khẩu phục" Quyết định Giám đốc thẩm này, nên hiện tại, trên fanpage cá nhân có tới 282 nghìn người theo dõi, bà Thảo vẫn để nguyên dòng chữ khẳng định mình là người đồng sáng lập thương hiệu Trung Nguyên và G7 Coffee.

Nhóm luật sư tham gia tố tụng cho biết: Đây là vụ án phức tạp nhất, quan trọng nhất trong tổng số 18 vụ kiện tranh chấp tài sản và quyền sở hữu Tập đoàn, giữa đôi vợ chồng “Vua Cà phê”. Vì kết quả giải quyết vụ án này mang tính quyết định với 17 vụ án còn lại.

Ví dụ vụ bà Thảo kiện ông Vũ bãi nhiệm sai chức Phó tổng giám đốc tập đoàn giờ không còn ý nghĩa nữa. Các vụ kiện tranh chấp quyền sở hữu các Nhà máy cà phê hòa tan G7 Bắc Giang, Nhà máy cà phê hòa tan G7 Bình Dương (vốn là những “con gà đẻ trứng vàng” của Tập đoàn Trung Nguyên), lâu nay phải tạm đình chỉ để chờ phán quyết Giám đốc thẩm. Vì giá trị tài sản 2 nhà máy này đã được liệt kê trong số tài sản phải phân chia theo Quyết định giám đốc thẩm số 01/202, nên các cấp Tòa đã thụ lý vụ án sẽ theo đó mà xử.

Do đây là án Dân sự, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là cấp ban hành phán quyết sau cùng với Quyết định Giám đốc thẩm số 01/202, nên cục diện cả 18 vụ kiện tranh chấp giữa ông Vũ-bà Thảo đến nay đã rõ.

Dễ thấy, về phía bà Lê Hoàng Diệp Thảo, với tổng tài sản 3.245 tỉ đồng được chia từ vụ án ly hôn cùng kinh nghiệm thương trường, giá trị thương hiệu King Coffee đã có, nếu chấm dứt việc tranh chấp phức tạp để tập trung phát triển sự nghiệp riêng, nữ doanh nhân này không thiếu các nền tảng thuận lợi để kinh doanh thành công.

Bà Thảo tiếp tục mở rộng chuỗi cửa hàng trên đất Mỹ

Bà Thảo tiếp tục mở rộng chuỗi cửa hàng trên đất Mỹ

Còn về phía “Vua cà phê”, nhận hơn 4.687 tỉ đồng cùng toàn bộ thương hiệu, chuỗi nhà máy đã tự tay xây dựng trong khối tài sản hơn 7900 tỉ đồng vừa chia, ông Đặng Lê Nguyên Vũ lại rộng đường tiếp tục chinh phục thị trường cà phê thế giới, theo đúng khát vọng “bá chủ Trung Nguyên” để “dựng xây Đại Việt” như từ lâu ông mong muốn.

Theo ông Đặng Lê Nguyên Vũ, phải thay đổi tư duy mới xây dựng được "Đại Việt hùng cường"

Theo ông Đặng Lê Nguyên Vũ, phải thay đổi tư duy mới xây dựng được "Đại Việt hùng cường"

Trong cuộc trò chuyện riêng gần nhất với tác giả bài viết này, ông Đặng Lê Nguyên Vũ chia sẻ: Sức tàn phá Tập đoàn do cuộc nội chiến đau lòng vừa qua là rất khủng khiếp. Trước mắt, Trung Nguyên sẽ phải bước vào giai đoạn tái cấu trúc toàn bộ Tập đoàn, để bảo đảm được tính mới và vị thế dẫn dắt của mình trong ngành cà phê Việt. Nhanh, thì cũng phải mất thêm vài năm nữa...