Chiến dịch chống tham nhũng mạnh tay của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bắt đầu chạm tới ngành ngân hàng của nước này.
Cách đây ít hôm, vị giám đốc trẻ nhất ngành ngân hàng Trung Quốc đã từ chức, sau khi bị cơ quan chức năng “sờ gáy” trong một cuộc điều tra chống tham nhũng liên quan đến một nhân vật thân tín của nguyên Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.
Trang Business Insider cho biết, Mao Hiểu Phong, CEO của Ngân hàng Dân Sinh Trung Quốc (China Minsheng Bank), một ngân hàng do tư nhân kiểm soát có tổng tài sản 300 tỷ USD, đã tuyên bố từ chức vào hôm thứ Bảy vừa rồi. Hôm qua, giá cổ phiếu của Dân Sinh niêm yết trên thị trường chứng khoán Hồng Kông “bốc hơi” hơn 10%.
Ở tuổi 42, Mao là một bí thư đảng bộ, và được cho là có quan hệ với ông Hồ Cẩm Đào. Và một số người cho rằng, chính mối quan hệ này khiến Mao mất chức.
Sau khi Mao từ chức, ngân hàng Dân Sinh thông qua hãng thông tấn Tân Hoa Xã phát đi một tuyên bố thừa nhận Mao vắng mặt, nhưng không đề cập tới sự liên quan nào giữa ngân hàng này với sự vắng mặt của vị “sếp tổng”.
“Ngân hàng Dân Sinh Trung Quốc đã biết có những thông tin báo chí về Giám đốc Mao Hiểu Phong. Theo như ngân hàng được biết, vấn đề này là chuyện cá nhân và không liên quan gì tới hoạt động của ngân hàng”, tuyên bố có đoạn viết.
Sau đó, trang tin tài chính Tài Kinh (Caixin) nói, Mao đang hợp tác với các nhà điều tra trong một cuộc điều tra chống tham nhũng nhằm vào Lệnh Kế Hoạch, người từng là Chánh văn phòng Trung ương Đảng dưới thời Hồ Cẩm Đào khi còn đương chức Chủ tịch Trung Quốc. Lệnh được cho là người đứng đầu một phe phái mà cơ quan chống tham nhũng của Trung Quốc gọi là “phe Sơn Tây”.
Theo Tài Kinh, cơ quan chức năng đã triệu tập Mao vào khoảng hôm 27/1. Đó cũng là khoảng thời gian mà Mao báo giới không còn liên lạc được với ông này.
Mao bị nghi là đã nhận vợ của hai nhân vật cấp cao đang bị điều tra vào làm trong ngân hàng Dân Sinh. Cả hai nhân vật này đều có quan hệ mật thiết với ông Hồ Cẩm Đào.
Ngoài Mao, hai quan chức cấp cao khác của Dân Sinh cũng đã bị cơ quan chức năng triệu tập. Cuối tuần vừa rồi, ngân hàng này tổ chức một cuộc họp khẩn cấp.
Cổ đông lớn nhất của Dân Sinh là công ty bảo hiểm Anbang Insurance tuyên bố sẽ không bán ra cổ phiếu của ngân hàng này. Trên thực tế, Anbang đang mua vào cổ phiếu Dân Sinh. Mới tháng trước, Anbang nâng mức cổ phần nắm giữ trong Dân Sinh lên 20%. Công ty này cần cổ phần 25% để giành quyền kiểm soát Dân Sinh.
Theo một số nguồn tin, “thái tử đảng” quyền lực Trần Tiểu Lỗ - con trai của tướng Trần Nghị thời Mao Trạch Đông - nắm cổ phần hơn 50% trong Anbang. Thông tin này bị Trần Tiểu Lỗ phủ nhận.
Tuy vậy, theo hãng tin Bloomberg, có thể Anbang đang xem việc giá cổ phiếu Dân Sinh lao dốc là một cơ hội để mua vào.
Tờ South China Morning Post đánh giá, việc chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc tấn công vào ngành ngân hàng có thể mở màn cho một đợt bán tháo tài sản mới. Điều tương tự đã xảy ra đối với ngành dầu lửa của Trung Quốc vào năm ngoái. Các quan chức của ngành này đã mạnh tay bán tài sản sau khi một loạt nhân vật cấp cao bị điều tra tham nhũng.
Theo: VnEconomy