Tập đoàn Tân Hiệp Phát, gọi tắt là THP, hiện đang để ngỏ khả năng mua lại và sáp nhập để trở thành hãng giải khát hàng đầu châu Á - ông Trần Quí Thanh, người sáng lập công ty, nói với Bloomberg trong một cuộc phỏng vấn. Công ty này đang tìm cách mở rộng thị trường ở các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á, sau khi chi 500 triệu USD mở 3 nhà máy ở trong nước.
“Điều quan trọng là phải tìm được đối tác có cùng tầm nhìn - ông Thanh, 66 tuổi, hiện đang cùng với 2 con gái vận hành công ty, nói - "Chúng tôi không cần tiền. Chúng tôi đang tìm kiếm những bên có chuyên môn trong ngành để có thể cùng nhau phát triển”.
THP vốn nổi tiếng với sản phẩm “Trà xanh Không độ” trên thị trường trà đóng chai Việt Nam, với doanh số bán vượt mặt các sản phẩm tương tự của Coca-Cola và PepsiCo Inc. Công ty này cho hay họ đang tìm đường gặt hái thêm thành công, khi mà ngày càng có nhiều người ở Việt Nam gia nhập tầng lớp trung lưu. Họ đang muốn tiếp cận thế hệ trẻ, những người tiêu dùng có nhận thức tốt về các sản phẩm bảo vệ sức khỏe như trà và các thức uống nguồn gốc tự nhiên.
THP cũng đang đưa ra các sản phẩm nước tăng lực mới mà họ cho là phù hợp hơn với thị hiếu và khẩu vị của người Việt và người tiêu dùng các nước châu Á - ít đường hơn mà vẫn giữ được lượng caffein tạo cản giác sảng khoái. Họ hy vọng sản phẩm mới này cùng với các sản phẩm trà đóng chai sẵn có sẽ giúp công ty thâm nhập sâu hơn vào thị trường châu Á, cuối cùng đủ sức cạnh tranh với Reb Bull GmbH ở châu Á.
THP hiện là nhà sản xuất nước giải khát không cồn hàng đầu Việt Nam, chỉ đứng sau liên doanh nước giải khát giữa PepsiCo và Suntory Holdings Ltd. Thế nhưng, sự hiện diện của THP ở Đông Nam Á vẫn còn hạn chế. Công ty này bán ra khoảng 510 triệu lít nước giải khát trong năm 2018.
Để so sánh, chi nhánh của Danone ở Indonesia hiện đang là nhãn hiệu nước giải khát hàng đầu của Đông Nam Á, và họ bán ra gần 5,3 tỷ lít trong năm 2018. Điều này cho thấy THP sẽ cần phải tăng quy mô đáng kể mới hy vọng đạt mục tiêu trở thành số 1 ở châu Á.
Với doanh thu dự kiến tăng gấp đôi đạt 1 tỷ USD trong vòng 5 năm tới, ông Thanh nói rằng giá trị của THP có thể lên tới 5 tỷ USD.
Bất cứ bên nào muốn trở thành đối tác chiến lược của THP nên có mạng lưới phân phối rộng khắp và tầm hiểu biết về ngành công nghiệp giải khát - thay vì chỉ là một nhà đầu tư tư nhân - và sẵn sàng chi 2 - 3 tỷ USD để công ty mở rộng ra thị trường châu Á và toàn cầu, theo ông Thanh.
THP, hiện đang phân phối sản phẩm ở 16 quốc gia, cũng đang tìm cách mua lại các hãng nước giải khát nhỏ hơn ở một số nước đã có sẵn thị trường nước trà đóng chai như thái Lan và Đài Loan (Trung Quốc) - CEO Trần Uyên Phương cho hay, thêm rằng THP sẵn sàng chi 50 triệu USD cho các khoản đầu tư như vậy.
Khước từ thẳng thừng Coca-Cola
Được ông Thanh thành lập vào năm 1994, thời điểm mà Việt Nam vừa mở cửa nền kinh tế cho các doanh nghiệp tư nhân, THP đã từ chối lời đề nghị trị giá 2,5 tỷ USD từ Coca-Cola để mua cổ phần của họ vào năm 2012. Coca-Cola đã từ chối bình luận về thương vụ bất thành này.
"Sau khi thảo luận, chúng tôi nhận thấy rằng hai bên có tầm nhìn khác nhau" - ông Thanh nói - "Chúng tôi cần một đối tác có thể hỗ trợ cho sự phát triển của THP và cùng nhau tăng trưởng nhanh hơn. Tiền không phải yếu tố quyết định. Tôi không có gì phải hối hận".
THP có kế hoạch chi thêm 500 triệu USD để hoàn thiện các nhà máy mới trong vòng 3 năm tới. Công ty này cũng tham gia vào thị trường bất động sản, mua nhiều đất đai ở miền Nam và miền Trung Việt Nam. Nhánh phát triển của công ty sẽ đầu tư 300 triệu USD để xây dựng một khu dân cư bên bờ sông Hàn ở Đà Nẵng.
Năm tới, công ty cũng sẽ đầu tư khoảng 40 triệu USD để xây dựng một công ty chuyên tái chế nhựa, giúp biến các chai nhựa cùng các loại rác thải khác thành gạch lát sàn, vật liệu cách nhiệt trên tường để cung cấp cho các dự án nhà ở.
Ông Thanh cho hay ông chưa có kế hoạch nghỉ hưu, nhưng đang tập trung tìm kiếm một người kế nghiệp. Hiện tại, ông đang hướng dẫn cho 2 người con gái của mình, nhưng vẫn để ngỏ khả năng lựa chọn một người kế nghiệp không phải là thành viên trong gia đình.
“Người kế nghiệp phải là người phù hợp, với vai trò phù hợp” - ông Thanh nói - “Nếu con gái tôi không có khả năng như người khác, thì chúng sẽ không giữ vị trí CEO. Tất nhiên nếu chúng có thể đảm nhiệm vị trí CEO, điều đó sẽ tốt hơn. Nhưng nếu chúng không thể, cũng chả sao cả”./.
(Theo Bloomberg)
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu