“Ông trùm” và những bài học khắc nghiệt
Ông Trần Quí Thanh sinh ra ở xóm Cầu Bông, mé bên quận Phú Nhuận, là cư dân gốc Sài Gòn. Trải qua nhiều nốt thăng trầm trên bản nhạc cuộc đời, ít ai ngờ thời trai trẻ ông Thanh từng đứng trên sân khấu cùng với những tay đàn có thứ hạng của Sài thành. Cũng không mấy ai biết ông Thanh đạo mạo ngày nay lúc thanh xuân từng bị giang hồ vác dao rượt đuổi, quây chặt tận hang cùng ngõ hẻm.
Không lạ là chàng thanh niên ngổ ngáo ngày ấy sau này trở thành một trong những doanh nhân “sừng sỏ”, bởi tố chất ngang ngạnh, không sợ ai, và cái chí quyết chứng minh rằng người Việt làm được rất nhiều thứ đáng kể. Bên cạnh việc điều hành Tân Hiệp Phát phát triển, ông chủ của tập đoàn này còn đạt được tấm bằng tiến sĩ quản trị kinh doanh của trường Southern California University. Có những giai đoạn, ông dậy từ bốn năm giờ sáng, dành tới 16 tiếng đồng hồ mỗi ngày với hàng chồng sách trên bàn để tự tìm tòi và hoàn thiện kiến thức trang bị cho bản thân.
Ông Thanh thường trăn trở với suy nghĩ nếu thế hệ trẻ ngày nay phải sống trong môi trường nhập nhoạng trắng đen, phải hàng ngày hít thở chung bầu không khí với nhiều kẻ xấu, những mưu toan trò đời hiểm độc, sẵn sàng vì lợi ích bán rẻ lương tâm thì thật bức bối, ngột ngạt. Phải chăng, làm sạch môi trường kinh doanh cho thế hệ trẻ cũng quan trọng không kém làm trong sạch môi trường sống ngoài tự nhiên?
Trần Uyên Phương và cha - Dr.Thanh
|
"Con cái làm sai bị phạt nặng hơn, vì phải làm gương” – Chủ tịch, người sáng lập tập đoàn Tân Hiệp Phát giữ vững quan điểm lãnh đạo khắc nghiệt với người thân
|
“Ưu điểm nhưng đôi khi cũng là nhược điểm, là công ty gia đình thì thường dễ quyết định bằng tình cảm và cảm xúc, thường ra quyết định nhanh và sửa sai nhanh, không phải qua nhiều công đoạn và chờ trình duyệt các cấp như các tập đoàn đa quốc gia. Để phát huy tối đa ưu điểm và hạn chế nhược điểm, công ty gia đình nên quản trị theo tiêu chuẩn quốc tế và phối hợp hài hòa nhưng đồng thời cũng tinh giản bộ máy, phát huy tối ưu và triệt tiêu được những khuyết điểm của hai hệ thống quản trị đó. Tại sao lại phải bỏ qua cho lỗi của con cái? Để cho con giỏi phải xử phạt công bằng, còn nếu muốn con hư thì bỏ qua. Tôi thấy không có lý do gì để bỏ qua cả. Tất cả những quy trình của công ty được thiết lập ra thì bất cứ ai, kể cả con cái cũng đều phải tuân theo, thậm chí theo đúng thiết quân luật. Mọi người đều thấy được sự công bằng, con không ỷ lại. Không lý gì con làm sai lại không trừng phạt cả. Vì nếu không thì sự thỏa hiệp đó làm cho nhân viên không phục. Thậm chí con cái làm sai bị phạt nặng hơn, vì phải làm gương chứ” – Chủ tịch, người sáng lập tập đoàn Tân Hiệp Phát giữ vững quan điểm suốt nhiều năm liền.
Ông Trần Quí Thanh luôn khắc nghiệt nhất đối với chính những người thân trong gia đình. Vợ con ông là những người chịu áp lực lớn nhất trong công việc, sau đó đến các “tướng lĩnh” sát cánh cùng ông nhiều chục năm liền ở tập đoàn. Trong trí nhớ của họ, tất cả những chuyến công tác đi ra nước ngoài mua máy móc đều là đọc tài liệu chóng mặt suốt những chuyến bay và ăn bánh bao cùng mì gói để kịp hoàn thành hồ sơ phản biện đối tác.
Sau khi vợ lâm bệnh nặng, ông Trần Quí Thanh cho biết bà là người phụ nữ đã thay đổi cuộc đời ông và vị doanh nhân này sẵn sàng làm tất cả vì gia đình thân yêu
|
“Tốt nghiệp ở Singapore, tôi đứng trước nỗi băn khoăn: Tại sao không được thử sức ở một công ty khác? Nếu tôi tự trưởng thành lên như hàng ngàn bạn trẻ khác phải vác hồ sơ đi chứng minh năng lực của mình với năm bẩy ông bà sếp thì có tốt hơn không? Công việc kinh doanh càng phát triển, càng bộn bề. Dù được phân công ở bất cứ phòng ban nào cũng đều là sóng gió. Việc ngập đầu. Nhiều hôm, mở mắt ra từ 5h sáng đã bắt đầu vào “bài tập” để chuẩn bị “trả bài”. Bữa trưa của cả nhà thường ăn lúc 14h-15h. Bữa tối nhiều ngày đến 24h, thậm chí 2h sáng mới kết thúc nếu cha con còn ngồi trò chuyện, bàn bạc công việc. Thế mà, tôi đi làm khó khăn lắm mới được nhận lương như những người khác? Mãi về sau, mức lương của tôi là tự mình phải phấn đấu, và thậm chí là tranh đấu mới có được thu nhập ngang bằng như lẽ ra cần phải có” – CEO Trần Uyên Phương, thành viên YPO (Young Presidence Organization – Một tổ chức có thành viên từ 126 quốc gia tham gia, trong đó có 20.000 doanh nhân nhưng quy định bắt buộc là các doanh nghiệp đều phải có doanh thu trên 250 tỉ đồng) chia sẻ.
Doanh nhân đừng mang tư tưởng “con buôn”
“Chúng tôi mất gần một năm để hoàn tất việc viết ra được sứ mệnh và giá trị cốt lõi của gia đình; chia sẻ văn hóa của sự lãnh đạo, tính chính trực, sự cam kết và năng lực, từ đó có thể xây dựng doanh nghiệp toàn cầu với một tầm cỡ đáng kể để phát triển sự thịnh vượng, danh tiếng gia đình và tác động tích cực lên những cá nhân và xã hội” – CEO Trần Uyên Phương cho biết.
"Cha là người thầy lớn nhất của tôi" - Doanh nhân Trần Uyên Phương chia sẻ
|
Không nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có thể chi hàng triệu USD để xây dựng một quy trình ra quyết định như Tân Hiệp Phát. “Sở hữu là gia tộc, nhưng quản trị là hiện đại” – ông Trần Quí Thanh tâm niệm.
Chủ tịch, người sáng lập tập đoàn Tân Hiệp Phát tâm đắc cho rằng: “Đối diện với sự phê bình, phản biện, biết lắng nghe góp ý, dũng cảm cải tiến chính là con đường dẫn chúng ta lên tầm cao mới. Dám nhận, dám sáng tạo và chịu trách nhiệm là phẩm chất giúp nhân viên khẳng định khả năng lãnh đạo. Đó cũng là chìa khóa để ban giám đốc ủy quyền và trao thêm quyền cho nhân viên”.
“Dù là vị tướng tiên phong luôn đi trước đoàn quân ra trận, nhưng mỗi khi báo chí nước ngoài và Việt Nam phỏng vấn, ba tôi thường tỏ ra lúng túng nếu ai đặt câu hỏi, ông đã làm như thế nào để tạo nên điều kỳ diệu cho các thương hiệu nước giải khát - trà Việt Nam? Dường như cả đời ông không bao giờ thích tỏ ra quan trọng, tự mãn trước mọi thành quả, với khẩu hiệu được coi như bài học kinh doanh cho nhiều thế hệ trong công ty “Hôm nay phải hơn hôm qua, nhưng không bằng ngày mai”. Phải chăng, câu nói đó không chỉ có ý nghĩa với một doanh nhân, mà còn là tiến trình tự ý thức bản thân để lớn lên của mỗi con người?” – Trần Uyên Phương, CEO của tập đoàn Tân Hiệp Phát tự sự.
Một góc giản dị trong ngôi nhà đồng thời là trụ sở chính của tập đoàn Tân Hiệp Phát
|
Ông Trần Quí Thanh khẳng định: “Không có con người và văn hóa doanh nhân là không có tất cả. Trong thời đại hội nhập quốc tế, người làm kinh doanh không thể mang tư tưởng con buôn, mà phải bằng mọi cách chứng minh giá trị thật của mình. Tất cả các nhân viên của tôi đều luôn được đào tạo phải trung thực với chính bản thân, có đầu óc phản biện, sáng tạo. Hiệu quả lao động phải bắt nguồn từ việc biết tiếp thu học hỏi, tự vượt lên chính mình, không ngừng đổi mới và phát triển”.
Người khởi nguồn gầy dựng tập đoàn Tân Hiệp Phát cho rằng: “Sự thỏa mãn với những gì hôm nay cũng đồng nghĩa là ta đang bước chân lùi về quá khứ. Xây dựng bộ máy nhân viên lao động có hiệu quả trong hiện tại và hướng tới tương lai chính là thành công lớn nhất trong sự nghiệp quản trị doanh nghiệp của tôi. Điều đó mang ý nghĩa sống còn với bao năm gầy dựng và giá trị thương hiệu đáng tự hào của một công ty gia tộc. Sự trong sáng, tri thức, bản lĩnh và lòng tự tin của một doanh nhân hướng tới tương lai giúp ta ngẩng cao đầu trong thế giới phát triển hội nhập”.
Doanh nhân Trần Quí Thanh cùng con gái Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích tại Mỹ trong ngày ra mắt cuốn sách "Vượt lên người khổng lồ" mà Trần Uyên Phương là tác giả. Cuốn sách được viết bằng tiếng Anh, do ForbesBooks xuất bản tại Mỹ.
|
Thương trường không phải chiến trường
“Dr.Thanh đối với tôi không chỉ là một người cha, mà còn là người thầy rất ư nghiêm khắc, khó tính, người bạn lớn dẫn dắt tôi trên mỗi bước đường đời, để mong muốn trở thành nhà kinh doanh chân chính. Cả đời ba tôi luôn trung thành với triết lý “Không có gì là không thể”, không bao giờ chùn bước trước khó khăn, luôn tạo ra sự khác biệt, khai phá chính bản thân để tự vượt lên chính mình. Ngày nay, trong một thế giới đa chiều hội nhập, hay còn gọi là thế giới phẳng, ba tôi không thích câu nhiều người thường nói “Thương trường là chiến trường”, bởi ba quan niệm chiến trường là sự sống mái một mất một còn với kẻ thù, còn thương trường là cuộc so găng sòng phẳng trước các đối thủ, như trong một trận đấu quyền Anh chuyên nghiệp. Chẳng lẽ các doanh nghiệp làm ăn chân chính muốn tồn tại phải tìm mọi thủ đoạn để thanh toán, hãm hại nhau bằng cả những mưu toan đen tối, những trò hề dơ bẩn? Như thời gian trước đây, một số sản phẩm của công ty chúng tôi cũng từng bị rơi vào vòng xoáy thị phi khắc nghiệt của những trò hề mà người ta tạo dựng. Những kẻ đứng trong bóng tối đã lợi dụng sự cả tin, lừa dối người tiêu dùng. Trong những lúc khó khăn nhất ba tôi đúng là người thuyền trưởng đã giữ cho con thuyền Tân Hiệp Phát vượt qua phong ba bão tố, với một thần kinh thép” – CEO Trần Uyên Phương kể.
CEO của Tân Hiệp Phát cho biết: “Giữa cha con tôi khoảng cách thế hệ được thu ngắn rất nhiều. Bởi ông là người không ngừng học hỏi, luôn biết cách thay đổi, tự làm mới mình để hòa nhập trong thế giới hiện đại, với một tâm hồn rất trẻ. Ông luôn ngạc nhiên trước những hiện tượng xảy ra trong đời sống và bằng kinh nghiệm ông đã biến sự ngạc nhiên này thành những phát kiến độc đáo, những suy tưởng của riêng ông trên bước đường kinh doanh”.
Bà Nụ cũng có mặt trong ngày ra mắt sách trên đất Mỹ của con gái - doanh nhân Trần Uyên Phương
|
“Cuộc sống luôn có nhiều lối đi và mọi giá trị lao động chân chính của con người đều rất đáng trân trọng. Nhưng phải chăng, đất nước đang mở ra thời cơ cho những mơ ước lớn của nhà kinh doanh? Phải chăng, một câu hỏi đang đặt ra cho các doanh nghiệp Việt Nam, là đã đến lúc cần vượt qua rào cản, mặc cảm tự ti và cả thói quen buôn bán nhỏ lẻ, để từng bước khẳng định tầm vóc của mình trong thế giới phát triển hội nhập?” – Cô gái tỉ đô Trần Uyên Phương trăn trở.
(Còn nữa)