“Từ khi có hệ thống camera giám sát, tôi thấy ý thức người dân tham gia giao thông thay đổi nhiều. Lúc trước, chưa hết đèn đỏ mà nhiều người vọt ga phóng đi, nhưng từ khi lắp camera AI để giám sát, người ta dừng lại tới khi đèn giao thông bật xanh. Như vậy là bớt nguy hiểm cho những người cùng tham gia giao thông. Người bị phạt nguội sẽ nhận được thông báo gửi qua điện thoại. Tôi thấy việc này rất hay và tiện”, anh Đàm Hải Đăng, người dân sống tại phường 2, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh chia sẻ.
Có thể nhiều người dân Tây Ninh chưa biết nhiều camera giám sát trên địa bàn tỉnh đã được tích hợp nền tảng nhận diện hình ảnh bằng trí tuệ nhân tạo VNPT Smart Vision. Riêng TP. Tân An (tỉnh Long An) có hơn 120 camera đặt trên hàng loạt tuyến đường Hùng Vương, Trương Định, Nguyễn Đình Chiểu, Quốc lộ 62, Châu Thị Kim… có AI giám sát.
Hệ thống giúp quản lý, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật như không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, đi sai làn đường, đi ngược chiều, dừng đỗ xe sai quy định,… và cung cấp thông tin về các vụ việc tai nạn giao thông.
Cầm trên tay giấy thông báo phạt nguội kèm hình ảnh vượt đèn đỏ vài ngày trước do camera giám sát trật tự an toàn giao thông ghi lại, anh Hoàng Minh Lợi (đường Nguyễn An Ninh, phường 1, TP. Tân An, tỉnh Long An) chỉ biết cười nhận lỗi. Anh cho biết anh bị giữ bằng lái 1 tháng và bị phạt 900.000 đồng.
“Tờ thông báo gửi về tận nhà, có thông báo về lỗi vi phạm kèm hình ảnh, thời gian địa điểm rõ ràng, biển số xe của tôi cũng rất rõ, không thể chối được rồi”, anh Lợi nói.
Theo Công an Long An, sau hơn 2 tháng TP. Tân An sử dụng và khai thác hệ thống camera giám sát giao thông, số lượng vụ việc vi phạm trật tự an toàn giao thông giảm 80% so với thời điểm chưa có camera giám sát, người tham gia giao thông đã nâng cao ý thức hơn trong việc chấp hành luật giao thông.
VNPT Smart Vision, dự kiến, số camera này sẽ lên đến con số 500 vào cuối năm nay.
Cùng với 2 tỉnh trên, hàng loạt địa phương khác như Cao Bằng, Hà Giang, Hà Nam, Tây Ninh, Bắc Giang, Ninh Bình,… đang ứng dụng hiệu quả công nghệ này.
Nền tảng số vừa giành giải Nhất tại cuộc thi AI quốc tế
Giữa tháng 6 vừa qua, nền tảng nhận diện hình ảnh bằng trí tuệ nhân tạo VNPT Smart Vision đại diện cho trí tuệ nhân tạo Make in Vietnam giành giải Nhất tại hạng mục phát hiện vật thể từ camera mắt cá trong cuộc thi hàng đầu thế giới về công nghệ thị giác máy tính AI City Challenge 2024. Đây là bài toán lần đầu xuất hiện với độ phức tạp rất cao.
Giải pháp VNPT Smart Vision thể hiện tinh thần “Make in Vietnam” với hơn 40 mô hình AI xử lý hình ảnh. Trong đó, mô hình AI nhận diện phương tiện giao thông đã vượt qua hơn 400 mô hình dự thi cùng đăng ký tranh tài ở thử thách khó nhất - phát hiện vật thể từ camera mắt cá với thách thức xác định đầy đủ các đối tượng trong giao thông hỗn hợp như xe buýt, xe đạp, ô tô, người đi bộ, xe tải,… từ hình ảnh bị cong vênh, bóp méo, độ phân giải nhỏ và mất cân bằng dữ liệu. Hạng mục yêu cầu xử lý dữ liệu hình ảnh từ ống kính camera giao thông góc siêu rộng, bao gồm toàn cảnh 180 độ và 360 độ quan sát.
Anh Dương Việt Hùng, Giám đốc Nền tảng VNPT Smart Vision, cho biết giải pháp có thể xác định chính xác các đối tượng như xe buýt, xe máy, ô tô, người đi bộ, và xe tải từ hình ảnh camera giao thông, và vẫn đạt hiệu suất cao ngay cả khi hình ảnh bị cong vênh, bóp méo, đối tượng nhỏ, và mất cân bằng dữ liệu.
Hệ thống có khả năng nhận diện biển số xe, phân biệt biển số xe xanh, đỏ, trắng , bóc tách biển số từ ảnh, đo đếm lưu lượng, phát hiện các phương tiện vượt đèn đỏ, phân biệt người không đội mũ bảo hiểm, phát hiện tai nạn giao thông, phát hiện phương tiện đi sai làn đường, phát hiện phương tiện đi ngược chiều, phát hiện dừng đỗ xe sai quy định,…
Trong đó, tính năng nhận diện biển số xe cung cấp thông tin gồm hình ảnh của phương tiện, hình ảnh biển số xe của phương tiện, biển số xe của phương tiện, và thông tin về loại xe của phương tiện, thông tin thời gian lúc đối tượng đi qua camera.
Nhóm phát triển khẳng định VNPT Smart Vision có tương thích cao với hầu hết các camera trên thị trường hiện nay, dễ dàng tích hợp vào các cơ sở hạ tầng có sẵn giúp giảm chi phí đầu tư.
Khẳng định vị thế công nghệ “Make in Vietnam” trên bản đồ AI thế giới
Nền tảng nhận diện hình ảnh bằng trí tuệ nhân tạo VNPT Smart Vision là giải pháp thể hiện tinh thần “Make in Vietnam” với hơn 40 mô hình AI xử lý hình ảnh. Trong đó, mô hình AI nhận diện phương tiện giao thông đã vượt qua hơn 400 mô hình dự thi cùng đăng ký tranh tài ở thử thách khó nhất - phát hiện vật thể từ camera mắt cá, để giành chiến thắng toàn diện tại cuộc thi hàng đầu thế giới về công nghệ thị giác máy tính AI City Challenge 2024 diễn ra mới đây.
Nhóm kỹ sư trẻ nghiên cứu, phát triển VNPT Smart Vision vừa giành giải tại AI City Challenge 2024 gồm 8 người, tuổi đời rất trẻ, trung bình khoảng 24 tuổi và có khoảng 3-5 năm nghiên cứu về AI. Trong đó, đại diện nhóm là Dương Việt Hùng - chàng trai 29 tuổi với hơn 4 năm kinh nghiệm triển khai dự án AI tại VNPT.
“Nhờ vào tập dữ liệu lớn, cùng kinh nghiệm triển khai thực tế, chúng tôi liên tục nâng cấp các mô hình AI, đồng thời tối ưu hóa chúng để có tính tương thích cao với hình ảnh tại Việt Nam. Hiện nay, độ chính xác trung bình của các model AI là hơn 95%. Một số model như nhận diện khuôn mặt đạt độ chính xác lên tới 99,99%”, Việt Hùng chia sẻ.
Nhóm phát triển cho biết, 100% công nghệ của VNPT Smart Vision hoàn toàn “Make in Vietnam”, được nghiên cứu và phát triển bởi chính các kỹ sư người Việt. Tuy vậy, điều này không đồng nghĩa rằng giải pháp “Make in Vietnam” chỉ hiệu quả tại Việt Nam.
Ngoài chức năng giám sát giao thông, VNPT Smart Vision còn đang được áp dụng vào công tác sàng lọc và chẩn đoán ung thư tuyến giáp tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Hiện nay đề tài đã bước vào giai đoạn nước rút với những tín hiệu rất tích cực về tỉ lệ chính xác của hệ thống.
Dương Việt Hùng cho biết, trí tuệ nhân tạo xử lý hình ảnh siêu âm của bệnh nhân để đưa ra tỷ lệ nhân tuyến giáp lành tính hay ác tính. Điều này mang lại cơ sở khoa học và gia tăng tính chính xác cho các bác sĩ trong việc chẩn đoán, giảm thiểu tình trạng chỉ định chọc tế bào không hợp lý có nguy cơ bỏ sót ung thư tuyến giáp, hoặc ngược lại chỉ định chọc tế bào không cần thiết.
“Việc loại bỏ những chẩn đoán không cần thiết và giảm số lượng các thủ tục phức tạp cũng sẽ giúp bệnh nhân tiết kiệm chi phí, giảm thời gian và áp lực mà họ phải dành cho quá trình điều trị. Vì vậy, dự án được kỳ vọng không chỉ mang lại những tiến bộ trong lĩnh vực y tế mà còn đem lại giá trị thực tiễn rất lớn cho cả cộng đồng, là công cụ hỗ trợ đắc lực cho các bác sĩ tuyến dưới trong việc chẩn đoán sớm ung thư tuyến giáp”, đại diện nhóm kỹ sư phát triển VNPT SmartVision nói và thông tin thêm rằng sẽ kết quả nghiên cứu, ứng dụng sẽ được công bố trong tương lai gần.
Doanh nghiệp muốn dùng AI nhưng không biết bắt đầu từ đâu
Chia sẻ với VietTimes về khó khăn để phát triển AI tại Việt Nam, nhóm kỹ sư VNPT Smart Vision chia sẻ rằng trí tuệ nhân tạo len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống nhưng có một thực tế là nhiều người, nhiều doanh nghiệp không biết để sử dụng AI thì phải bắt đầu từ đâu.
Việc áp dụng AI đang là xu hướng của các doanh nghiệp để tạo ra dịch vụ đột phá, tăng năng suất, hiệu quả làm việc và giảm chi phí. Ngay tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp về công nghệ AI đã tạo ra rất nhiều giải pháp AI có thể phục vụ đa ngành, đa lĩnh vực nhưng việc áp dụng trong các ngành còn rất hạn chế.
Bối cảnh đó đặt ra bài toán thực tế đối với các đơn vị “bán” dịch vụ công nghệ rất mới như AI là không chỉ là tạo ra dịch vụ tốt, mà còn cần phải hướng dẫn, đồng hành với doanh nghiệp để họ bắt đầu quá trình ứng dụng và tận dụng AI hiệu quả. Trong đó, các nhà cung cấp dịch vụ như VNPT phải cùng doanh nghiệp xác định mục tiêu, chiến lược và lựa chọn công nghệ phù hợp.
Bên cạnh đó, theo anh Dương Việt Hùng, để ứng dụng AI thành công, doanh nghiệp cần đặc biệt chú trọng đến chiến lược dữ liệu. Việc xây dựng và quản lý dữ liệu hiệu quả là nền tảng then chốt, đảm bảo cho các mô hình AI hoạt động hiệu quả và mang lại giá trị lâu dài.
Việt Hùng cho biết nhóm kỹ sư đã đã mở rộng ứng dụng các model AI xử lý hình ảnh sang lĩnh vực giáo dục, thanh toán số, chữ ký số và hợp đồng điện tử để chống lại các thủ thuật giả mạo về giấy tờ và khuôn mặt, góp phần thúc đẩy giao dịch số an toàn và hiệu quả.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu