Tổng thống Nga Putin |
(tiếp theo kỳ trước)
Vì sao Mỹ-phương Tây gờm Putin?
Tái đắc cử
Năm 2004, ông Putin lại tái đắc cử. Ông tiếp tục tập trung vào các vấn đề trong nước, nhưng đã gặp phải một sự chỉ trích lớn vì cứng rắn với truyền thông trong nước.
Bất chấp điều này, ông Putin có vẻ vẫn rất được yêu mến ở Nga.
Trong hai nhiệm kỳ đầu tiên của ông, GDP của Nga đã tăng 70% và đầu tư tăng 125%. Nước Nga của ông Putin may mắn vì dựa chủ yếu vào dầu lửa (sau này, sự sụt giảm giá dầu đã khiến nền kinh tế suy yếu nghiêm trọng).
Lần thứ hai làm thủ tướng
Năm 2008, khi ông Dmitry Medvedev được bầu làm tổng thống, một ngày sau ông Mevedev đã chỉ định ông Putin làm thủ tướng. Và sau đó xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Nền kinh tế Nga đã rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vì dựa quá nhiều vào đầu tư từ phương Tây.
Ngoài ra khủng hoảng còn cho thấy nền kinh tế Nga phụ thuộc vào dầu lửa và khí đốt tự nhiên ra sao, đồng thời cũng chỉ ra nền công nghiệp hòa quyện chặt với nền kinh tế chính trị của nước này như thế nào, theo như Viện Brookings.
Cùng năm 2008, Nga lại liên quan đến một cuộc xung đột quân sự kéo dài 5 ngày, được gọi là Chiến tranh Nga-Georgia. Cuộc chiến xảy ra giữa Nga, Georgia, khu vực Nam Ossetia và Abkhazia.
Hai khu vực trên đã cố giành độc lập từ năm 1990, và phương Tây lên án Nga công nhận nền độc lập của hai khu vực này. Nam Ossetia vẫn bị coi là “một phần chính thức của Georgia” và Georgia vẫn coi Abkhazia là một “khu vực ly khai” của nước này.
Nhiệm kỳ tổng thống hiện tại
Năm 2012, ông Putin lại thắng cử lần thứ ba, và lần này nhiệm kỳ của ông kéo dài tận 6 năm.
Cuộc bầu cử này gây tranh cãi rất nhiều. Tính hợp hiến của nhiệm kỳ thứ ba gây ra nhiều tranh cãi, và phương Tây luôn cho rằng có gian lận trong cuộc bầu cử. Nhưng chính thức thì ông Putin vẫn giành được 64% phiếu bầu.
Vào tháng 3/2014, ông Putin khiến cả thế giới chú ý khi sáp nhập Crimea, đây là động thái địa chính trị phức tạp và gây tranh cãi nhất năm.
Tổng thống thân Nga bị lật đổ của Ukraine Viktor Yanukovych đã gửi một lá thư cho tổng thống Putin nhờ ông cử quân Nga tới “khôi phục lại luật pháp và trật tự ở Ukraine”.
Quốc hội Nga đã trao cho tổng thống Putin “quyền lực mở rộng được sử dụng quân đội để đối phó với biến động chính trị ở Ukraine. Biến động chính trị khiến Ukraine không còn là đồng minh của Điện Kremlin và thiết lập một chính phủ mới thân phương Tây, chính phủ Ukraine tại Kiev đe dọa sẽ tiến hành chiến tranh nếu Nga cử quân tiến sâu vào Ukraine”, The New York Times đưa tin.
Vào ngày 2/3, Nga hoàn toàn kiểm soát bán đảo Crimea.
Gần đây nhất, ông Putin đã bắt đầu khai thác quan hệ với Trung Quốc, chủ yếu vì Nga cần các đối tác thương mại khác sau khi bị phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt vì cuộc khủng hoảng Ukraine.
Bị phương Tây xem là mối đe dọa
Các chuyên gia lo ngại rằng trật tự thế giới tự do đang bị đe dọa. Theo quan điểm này, các nước nên can thiệp vào các nước khác khi các giá trị tự do bị nguy hiểm. Ông Trump có vẻ như có cùng quan điểm với Putin về NATO khi nói rằng NATO đã “lỗi thời”.
Nếu NATO tan rã, đó sẽ là chiến thắng cho Putin. Ông đã mở rộng quyền lực của Nga trên toàn thế giới, bao gồm cả Trung Đông và NATO là một chướng ngại ngăn cản ông mở rộng ảnh hưởng của mình vào Đông Âu sâu hơn.
Và trong những năm gần đây Nga cũng chẳng còn thân thiện với Mỹ.
Thiếu tướng Nga đã nghỉ hưu Evgeny Buzhinsky đã trả lời BBC hồi năm ngoái rằng Nga coi phương Tây là một bên tham chiến, với lí do là các biện pháp trừng phạt Nga và cấm đội tuyển Paralympic của Nga không được tham dự Olympic Rio vì sử dụng doping là các hành vi hiếu chiến chống lại Nga.
“Tất nhiên là có phản ứng. Theo như cách nhìn của Nga và ông Putin, đó là một cuộc đối đầu toàn diện trên mọi mặt trận. Nếu các ngài muốn một cuộc đối đầu, các ngài sẽ được như ý,” ông Buzhinsky trả lời BBC. “Nhưng đó sẽ không phải là cuộc đối đầu mà không ảnh hưởng gì tới lợi ích của Mỹ. Các ngài muốn một cuộc đối đầu, và các ngài sẽ có một cuộc đối đầu ở mọi nơi”.
Putin và Trump
Cả Putin và Trump đều có khuynh hướng dân tộc. Ông Putin thúc đẩy mạnh mẽ chủ nghĩa dân tộc Nga, còn ông Trump lại điều hành trên nền tảng “khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại” với khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết”.
Ông Trump cũng đã trực tiếp ca ngợi ông Putin trong một số dịp. Vào tháng 9/2016, ông Trump ca ngợi rằng ông Putin “kiểm soát đất nước rất tốt” và dù ông Trump không thích hệ thống chính phủ của Nga, ông Putin vẫn là một lãnh đạo giỏi hơn ông Obama.
Tờ The New Republic vào tháng 9/2016 đã viết những dòng suy ngẫm tại sao ông Trump lại có vẻ bị thu hút bởi xu hướng chính trị của ông Putin như vậy:
“Chính sách đối ngoại của ông Putin dựa trên việc khẳng định thẳng thắn lợi ích quốc gia ngay cả khi phải thách thức các quy tắc quốc tế. Như vậy, chính sách đối ngoại của ông Putin gần gũi với những gì ông Trump phác họa hơn là ông Obama. Hơn nữa, ông Putin là một người chuyên hành động mà không lo lắng về sự ủng hộ từ Quốc hội…”.
“Theo ông Trump, ông Putin đã khiến nước Nga vĩ đại trở lại. Và với cách ông Trump nói về việc đạt được các mục tiêu chính trị của mình “mọi người sẽ thực hiện điều tôi nói, tin tôi đi”, rõ ràng ông Putin là hình mẫu lãnh đạo của ông Trump.