Bức ảnh AP đăng lên Facebook đã được 9 triệu người xem trong chỉ 6 giờ |
Đó chính xác là những gì mà hãng tin AP đã làm, ngay sau vụ ám sát đại sứ Nga Andrey G. Karlov tại Thổ Nhĩ Kỳ. Một kẻ khủng bố đã bắn chết viên Đại sứ tại một triển lãm nghệ thuật ở Ankara, và phóng viên Burhan Ozbilici của AP đã chộp được toàn bộ hình ảnh vụ bạo lực.
Chưa đầy 2 giờ sau khi tin tức tung ra, tài khoản chính thức của hãng tin AP trên Facebook đã chia sẻ bức ảnh về tay súng, đứng bên cạnh thi thể của Karlov, tay giơ cao biểu thị tư thế chiến thắng.
Bức ảnh nhanh chóng lan truyền, chứng tỏ thêm một lần nữa về sức ảnh hưởng không tưởng của Facebook trong việc chúng ta tiếp nhận thông tin như thế nào. Theo công cụ đo nội bộ, bức ảnh AP đăng lên Facebook đã được 9 triệu người xem trong chỉ 6 giờ. Bức ảnh này đã được chia sẻ hơn 45.000 lần, với 5.600 bình luận và 28.000 phản ứng.
Lauren Easton, giám đốc quan hệ truyền thông của AP, đã nói với trang Mashable rằng fanpage AP Images đã có thêm tới 21.000 người theo dõi mới trong ngày hôm qua, sau khi vụ việc xảy ra – đưa tổng số người đăng ký theo dõi trang lên trên 331.000 người.
Một đại diện của NewsWhip, dịch vụ phân tích dữ liệu chuyên theo dõi các nội dung có sự lan truyền mạnh mẽ, cho biết bức ảnh đã mang đến 175 lần tương tác trung bình cho trang AP Images. Công ty cũng đã cung cấp biểu đồ cho thấy sự lan truyền nhanh chóng của bức ảnh đến mức nào – rất nhiều lượt like, share, bình luận và click vào Facebook.
Như vậy, theo các công cụ theo dõi, phân tích dữ liệu, bức ảnh là một khoảnh khắc được lan truyền cực nhanh trên Facebook của hãng tin AP. Hàng ngàn hàng ngàn người đã chia sẻ nó với bạn bè trong chỉ một vài giờ ngắn ngủi, mặc dù đó là bức ảnh thể hiện hình thi thể một người đàn ông đã bị bắn chết bởi một tên khủng bố. Hành động bạo lực mà chúng ta không hề mong muốn xảy ra, chứng kiến, đã trở thành nội dung được chia sẻ cực nhanh.
“Với những chia sẻ này, bức ảnh đang hiện ra trên Newsfeed của bạn bè của những người đã chia sẻ nó”, Gabriele Boland, nhà phân tích của NewsWhip, nói. “Vì thuật toán của Facebook sẽ ưu tiên những nội dung được người dùng chia sẻ qua các nhà xuất bản và nhãn hiệu, vì thế càng có nhiều người nhìn thấy bức ảnh trên Newsfeed của họ. Sau đó, họ có thể lại chia sẻ nó, và vòng tròn ảnh hưởng cứ thế tiếp tục”.
Dù tốt hay xấu, đó chính là bức tranh truyền thông ngày nay. Một bức ảnh hay một bài báo “sốc” được đưa lên Newsfeed Facebook và nó có thể nhanh chóng lan truyền dù là thật hay giả, là tốt hay xấu, là nên chia sẻ hay không nên chia sẻ.
Lại nói về trách nhiệm của Facebook trong việc lan truyền tin tức. Mạng xã hội vẫn đang vướng vào những lời kết tội làm lây lan tin tức giả mạo, dù Facebook nhất định từ chối trách nhiệm của một công ty truyền thông, song tuần trước Facebook cũng đã tuyên bố hợp tác với bên thứ ba, nhằm chống lại sự lan truyền tin tức giả mạo trên nền tảng của họ.
Theo Mashable