Chưa từng xuất hiện chính thức trong các bảng xếp hạng người giàu nào ở Việt Nam, song ở độ tuổi đôi mươi, nhà đầu tư 9x Đào Ngọc Bảo Phương đã mấy phen khiến truyền thông nổi sóng, thị trường phải mắt tròn mắt dẹt, kinh ngạc về độ giàu có.
Đó là khi Công ty TNHH Chloe Hospitality – nơi nữ doanh nhân sinh năm 1994 này giữ ghế Tổng Giám đốc – thâu tóm thành công 2 toà lâu đài đình đám của Khai Silk và đổi tên thành Chloe Gallery.
Mới nhất, cái tên Đào Ngọc Bảo Phương lại trở thành từ khóa "hot" trên các diễn đàn tài chính, khi trở thành cổ đông nắm tỷ lệ chi phối, sở hữu khoản vốn góp lên tới 7.650 tỉ đồng vào CTCP Bến Thành Holdings Group (Bến Thành Holdings). Bến Thành Holdings, hồi tháng 9/2020, đã đề xuất với Quảng Ninh được rót hơn 65.000 tỉ đồng để đầu tư vào 2 siêu dự án ở địa phương giáp danh với Trung Quốc cả trên biển và trên bộ này.
Quy mô quá lớn của khoản đầu tư và tên tuổi còn khiêm tốn của nhà góp vốn 9x Đào Ngọc bảo Phương khiến công chúng hình dung về một kịch bản “đứng tên hộ”. Việc tăng vốn của Bến Thành Holdings cũng bị đặt nhiều nghi ngờ về tính thực chất.
Thực tế, không phải đến gần đây, bà Đào Ngọc Bảo Phương sớm đã đứng tên ở một số doanh nghiệp từ khi còn rất trẻ - theo tìm hiểu của VietTimes.
Cụ thể, vào tháng 9/2013, bà Phương - khi đó mới 19 tuổi - đã được bổ nhiệm thay thế bà Vũ Phương Chi (SN 1981) làm Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của CTCP Bến Thành Investment Group (Bến Thành Investment Group). Nắm giữ được 7 năm, tháng 9/2020, bà Phương nhường lại vị trí này cho một người thân, là ông Nguyễn Cao Đức (SN 1977).
Tháng 4/2017, bà Phương, ông Đức cùng 2 cổ đông cá nhân khác, mỗi người góp 20 tỉ đồng, thành lập CTCP Đầu tư và Phát triển Tân Thuận. Sau hơn nửa năm đi vào hoạt động, pháp nhân này đã đổi tên thành CTCP Long Thành Investment. Cùng khoảng thời gian, bà Đào Ngọc Bảo Phương còn đầu tư một căn hộ thuộc tòa cao ốc ở đại lộ Mai Chí Thọ, TP. HCM.
Dẫu vậy, trên các diễn đàn thảo luận, không ít ý kiến vẫn bày tỏ mối hoài nghi về thực lực thực sự của nữ doanh nhân 9x này. Hầu hết xoay quanh khoản vốn góp 7.650 tỉ đồng tại Bến Thành Holdings, vốn được cho là “quá sức” với một 9x vẫn còn bí ẩn với thị trường.
Theo quan sát của VietTimes, sau được truyền thông phát lộ, bà Phương không còn đứng tên ở nhiều pháp nhân, thay vào đó là bà Bùi Thị Vân Anh hoặc ông Nguyễn Cao Đức.
Bà Bùi Thị Vân Anh (SN 1970), nên biết, chính là phu nhân của ông Nguyễn Cao Trí – đại gia có tiếng trong giới địa ốc Sài Gòn.
Cũng cần phải nói thêm rằng, trước khi nâng vốn điều lệ lên mức 12.600 tỉ đồng, Bến Thành Holdings cũng chẳng quá nổi bật so với các thành viên khác trong hệ sinh thái Capella Holdings.
Quy mô vốn chủ sở hữu khiêm tốn của Bến Thành Holdings trước màn "lột xác" tăng vốn lên 12.600 tỉ đồng vào tháng 4/2020 |
Cụ thể, trong giai đoạn 2017 – 2019, Bến Thành Holdings không phát sinh doanh thu thuần. Tính đến cuối năm ngoái, tổng tài sản của doanh nghiệp này chỉ ở mức 43,8 tỉ đồng, còn quy mô vốn chủ sở hữu dừng ở mức 18,19 tỉ đồng.
Trong khi đó, Bến Thành Investment Group có xu hướng “thu nhỏ” trong 4 năm gần nhất khi hoạt động kinh doanh suy giảm. Năm 2019, công ty này ghi nhận doanh thu thuần đạt 2,1 tỉ đồng, đồng thời báo lỗ thuần 2,3 tỉ đồng. Khoản lỗ khiến quy mô vốn chủ sở hữu của Bến Thành Investment Group tính đến cuối năm ngoái đạt 8,3 tỉ đồng (giảm 2,4 tỉ đồng so với năm trước đó), trong khi quy mô tổng tài sản cũng chỉ dừng ở mức 74,2 tỉ đồng.
Với các dữ liệu mà VietTimes vừa đề cập, không quá khó hiểu về sự quan tâm xen chút băn khoăn của dư luận về hiện tượng "đứng dậy sáng loà" của Bến Thành Holdings.
Đáng nói hơn khi một nguồn tin của VietTimes tiết lộ, cơ quan thanh tra giám sát NHNN mới đây đã "tuýt còi" một ngân hàng thương mại vì không thực hiện báo cáo giao dịch đáng ngờ đối với các giao dịch có dấu hiệu đáng ngờ của nhóm này (Nguyễn Cao Trí, Đào Ngọc Bảo Phương, Bến Thành Investment Group, Phan Thị Phước) với cơ quan hữu trách./.