Theo đó, mục tiêu chủ chốt của đề án được giữ nguyên như tại quyết định thành lập EVN. Đó là xây dựng EVN thành Tập đoàn kinh tế mạnh, có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại và chuyên môn hóa cao, nâng cao năng suất lao động, hoạt động hiệu quả, bền vững.
Mục tiêu quan trọng nhất của EVN được xác định là giữ vai trò chủ đạo trong việc đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và an ninh quốc phòng của đất nước, làm nòng cốt để ngành công nghiệp điện lực Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả, xây dựng thành công hình ảnh một doanh nghiệp có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội, phục vụ khách hàng với chất lượng dịch vụ ngày một tốt hơn.
Với mục tiêu ấy, ngành, nghề kinh doanh chính của EVN được xác định là sản xuất, truyền tải, phân phối và kinh doanh mua bán điện năng; chỉ huy điều hành hệ thống sản xuất, truyền tải, phân phối và phân bổ điện năng trong hệ thống điện quốc gia; xuất nhập khẩu điện năng; đầu tư và quản lý vốn đầu tư các dự án điện.
Đồng thời, quản lý, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng, đại tu, cải tạo, nâng cấp thiết bị điện, cơ khí, điều khiển, tự động hoá thuộc dây chuyền sản xuất, truyền tải và phân phối điện, công trình điện; thí nghiệm điện; tư vấn quản lý dự án, tư vấn khảo sát thiết kế, tư vấn lập dự án đầu tư, tư vấn đấu thầu, lập dự toán, tư vấn thẩm tra và giám sát thi công công trình nguồn điện, các công trình đường dây và trạm biến áp.
Theo Đề án tái cơ cấu được Thủ tướng phê duyệt, Công ty mẹ - EVN tiếp tục là công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Đồng thời các thành viên chủ chốt của tập đoàn sẽ giữ nguyên tổ chức, cơ chế hoạt động và nằm trong cơ cấu Công ty mẹ - EVN.
Bao gồm: Công ty Thủy điện Sơn La; Công ty Thủy điện Hoà Bình; Công ty Thuỷ điện Ialy; Công ty Thuỷ điện Trị An; Công ty Phát triển Thủy điện Sê San; Công ty Thuỷ điện Huội Quảng - Bản Chát; các BQL dự án thuỷ điện 1, 2, 5 6; BQL dự án Nhà máy thủy điện Sơn La; BQL dự án đầu tư xây dựng và công nghệ EVN; BQL dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; Công ty Mua bán điện; Công ty Viễn thông điện lực và Công nghệ thông tin (đổi tên từ Trung tâm Viễn thông và Công nghệ thông tin); Trung tâm Thông tin điện lực.
Riêng BQL dự án thủy điện 4 sẽ chấm dứt hoạt động sau khi hoàn thành quyết toán các dự án.
Đồng thời, EVN tiếp tục nắm giữ 100% vốn điều lệ tại các doanh nghiệp sau: Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia; Tổng công ty Điện lực miền Bắc; Tổng công ty Điện lực miền Trung; Tổng công ty Điện lực miền Nam; Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội; Tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh;
Theo đề án, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia sẽ chuyển thành công ty TNHH MTV trong giai đoạn 2019 - 2020.
Tại một số doanh nghiệp, EVN sẽ chuyển đổi nhưng vẫn nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Đó là các Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 1; Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 2.
Tại các Tổng công ty Phát điện 1, 2, 3, EVN nắm giữ ít nhất 51% vốn điều lệ đến hết năm 2019. Từ năm 2020 mới xem xét vốn nhà nước.
Riêng Công ty Thuỷ điện Tuyên Quang, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan và EVN nghiên cứu phương án cổ phần hóa, trong đó nhà nước nắm cổ phần chi phối, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 150/TB-VPCP ngày 21/3/2017.
Ngoài ra, EVN sẽ thoái vốn tại Công ty cổ phần Năng lượng Vĩnh Tân 3 sau khi hoàn thành dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3.
Việc thoái toàn bộ vốn nhà nước của EVN chỉ thực hiện tại các doanh nghiệp sau: Công ty Tài chính cổ phần Điện lực; Công ty cổ phần Cơ điện Thủ Đức; Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh - Công ty cổ phần; Công ty cổ phần Phong điện Thuận Bình; Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 3; Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 4.
Đáng chú ý, Công ty Tài chính cổ phần Điện lực hiện đang có nhiều chỉ số tài chính không thực sự tin cậy. VietTimes sẽ trình bày về vấn đề này trong một bài viết khác.