Syria: Nga đại thắng với chiến dịch quân sự

VietTimes -- Thỏa thuận ngừng bắn mới đây giữa Mỹ và Nga thực sự chẳng giải quyết được chuyện gì, nó thậm chí cũng không chấm dứt được cuộc chiến. Nhưng đây rõ ràng là một đại thắng với Nga, Unz Review nhận định.
Biên đội chiến đấu cơ của Nga
Biên đội chiến đấu cơ của Nga

Theo Unz Review, trong khi còn quá sớm để nói rằng Nga đã chiến thắng tại Syria, nhưng sẽ công bằng hơn hiện nay khi nói rằng vị thế của Nga tại Syria đã thắng. Dưới đây là lý do:

Trước hết, không một ai đề xuất ông Assad phải bị hạ bệ hoặc chiếm Damascus. Điều đó có nghĩa là tất cả mọi người hiện nay đều thừa nhận rằng Cộng hòa Arab Syria được Nga hậu thuẫn đã thành công trong việc đánh lui liên quân khổng lồ được phương Tây và một số nước Vùng Vịnh lập ra để lật đổ Assad.

Thứ hai, Nga đã buộc Liên hơp quốc và Mỹ phải thừa nhận rằng đa số những kẻ chiến đấu chống Assad ngày nay là bọn khủng bố. Tất nhiên, việc này không phải được công bố thế nào, mà là nếu bạn nhìn vào những tổ chức mà Liên hợp quốc đã tuyên bố như “những kẻ khủng bố”, thì sẽ thấy tuyệt đại đa số chúng là lực lượng chống Assad. Điều đó có nghĩa tính hợp pháp và đạo đức của các lực lượng chống Assad đã bị xé nát.

Thứ ba, liên quan những gì tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan hiện đang cố làm sắp tới, nay có những dấu hiệu rõ ràng rằng không NATO cũng chẳng EU, hay thậm chí là tư lệnh cấp cao quân đội Thổ Nhĩ Kỳ muốn một cuộc chiến với Nga. Và điều đó có nghĩa canh bạc của Erdogan đã thua và toàn bộ chính sách về Syria của ông ta có thể xem là phá sản.

Thứ tư, tất cả những mối đe dọa áp đặt một vùng cấm bay hoặc xâm chiếm Syria nay đã bị hủy bỏ bởi một thỏa thuận về cơ bản tuyên bố rằng bất cứ ai không tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn sẽ là mục tiêu hợp pháp để tấn công và tiêu diệt.

Thứ năm, Mỹ đã chấp nhận tủi hổ đồng ý với tất cả các điều kiện của Nga về thỏa thuận ngừng bắn hiện nay. Dĩ nhiên, Mỹ có thể cố gắng không giữ cam kết từng phần hoặc tất cả thỏa thuận này, nhưng sẽ rất khó hoặc không thể với Mỹ để công khai trở lại các chính sách trước năm 2016.

Thứ sáu, liệu có ai vẫn còn nhớ những phát biểu của Hillary Clinton về Nga và Syria trước đây? Quan điểm của bà Hillary rất rõ ràng: Assad phải ra đi và những ai ủng hộ ông ta sẽ bị trừng phạt. Thậm chí sau khi chiến dịch phản công quân sự của Nga bắt đầu, Mỹ cũng đã từ chối trao đổi với Nga thế nào là “khủng bố tốt” và thế nào là “khủng bố xấu”. Không có trao đổi thông tin với sự chấp thuận của Nga. Nay Mỹ đã chấp nhận làm việc với Nga về một bản đồ Syria xác định rõ đâu là các bên tham gia đình chiến và những kẻ không bao gồm trong lệnh ngừng bắn được triển khai ở đâu. Nói cách khác, Mỹ hiện nay sẽ chia sẻ với Nga tất cả thông tin trước đó họ từ chối chia sẻ và làm việc với Nga.

Các phi công Nga tham chiến tại Syria trao đổi kinh nghiệm
Các phi công Nga tham chiến tại Syria trao đổi kinh nghiệm

Thứ bảy, Nga đã cơ bản hợp tác với cái gọi là “Quân đội Syria tự do”. Như thế nào? Bằng cách buộc tất cả mọi nhóm phiến quân riêng rẽ tại Syria chọn lựa giữa một trong hai tư cách: là khủng bố và trở thành mục tiêu chính đáng để tiêu diệt hoặc là một bên tham gia vào tiến trình hoà bình hoàn toàn do Nga thiết kế. Hiện Nga đã mở một “Trung tâm đình chiến” tại căn cứ không quân Khmeimin gần Latakia để khuyến khích sự tham gia của tất cả các bên tham gia lệnh ngừng bắn.

Đây tất nhiên là một thắng lợi chủ yếu về mặt ngoại giao, nhưng một thắng lợi ngoại giao của Nga có thể tạo ra bởi một thắng lợi quân sự. Một nhóm quân viễn chinh Nga nhỏ về cơ bản đã vô hiệu hoá kế hoạch của toàn bộ một liên minh phương Tây và Vùng Vịnh. Đó rõ ràng tự nó là một thành tựu kinh ngạc.

Theo Unz Review, một người thắng lớn khác chính là người Kurd. Theo giới chức Anh, lực lượng người Kurd có vẻ đang hợp tác các chiến dịch quân sự của họ với quân đội Syria và lực lượng không quân vũ trụ Nga và nay rất có thể đạt được giấc mơ kết nối các khu vực lãnh thổ người Kurd ở Syria và Iraq.

Thực tế trên lại trở thành cơn ác mộng tồi tệ nhất đối với Thổ Nhĩ Kỳ, bất chấp vẫn còn nguy cơ một chiến dịch quân sự của Thổ nhằm tạo lập một vùng đệm mà thực chất còn muốn giữ thể diện. Dạng can thiệp quân sự này sẽ vẫn là khả năng chừng nào Thổ tiếp tục nuôi hy vọng xâm chiếm lãnh thổ láng giềng dưới sự bảo vệ của NATO và Mỹ.

Còn Saudi Arabia thì rất, rất tức tối. Họ giận dữ tới mức không còn tế nhị đe doạ về việc sử dụng vũ khí hạt nhân để giải quyết các địch thủ. Kể từ khi Paskistan sở hữu vũ khí hạt nhân, đã có thông tin về việc Saudi Arabia cũng sở hữu một số thiết bị hạt nhân. Unz Review nhận định, rất có khả năng nước này có trong tay đủ vật liệu hạt nhân cho một số ít bom. Saudi Arabia thậm chí đã mua được một lượng nhỏ thiết bị hạt nhân từ Pakistan hoặc Israel.

Thậm chí, nếu điều đó là sự thật, thực tế Saudi không đủ năng lực quân sự để xử lý một nước Arab nghèo nhất hành tinh là Yemen và họ gần như cũng không có khả năng chế tạo thiết bị hạt nhân theo cách cho phép họ đạt được bất cứ dạng ưu thế quân sự nào. Tóm lại, sử dụng vũ khí hạt nhân để chống quân đội Syria? Iran hay Nga? Việc này cực kỳ lố bịch.

Thực tế là bất kể Saudi Arabia có thể hoặc không sở hữu năng lực hạt nhân, nhưng họ đe doạ hạt nhân chỉ là một dấu hiệu của sự yếu đuối và sợ hãi chứ không phải thể hiện sức mạnh. Đó là lý do tại sao chẳng ai quan tâm tới những phát biểu trên của Saudi Arabia.

Trong khi thoả thuận mới nhất giữa Mỹ và Nga không đánh dấu sự kết thúc cuộc chiến Syria, nó vẫn là một bước ngoạt, một dạng thoả thuận Minsk-2 mà không ai thực sự muốn tuân thủ, nhưng là điềm báo trước thất bại của kế hoạch liên minh phương Tây và một số nước Vùng Vịnh, cũng như Minsk-2 có nghĩa sự thất bại của giấc mơ của nhóm phát xít Ukraine.

Thời gian hiện nay đang ủng hộ phía Nga và Syria. Mỗi ngày trôi qua, lực lượng viễn chinh Nga tại Syria lại trở nên mạnh mẽ hơn, các lực lượng vũ trang Syria cũng vậy. Nga và Mỹ càng can dự chung và trực tiếp thì Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia lại càng ít có khả năng định đoạt được lối thoát của cuộc chiến. Nói cách khác, trong khi còn xa mới kết liễu được IS, nhưng là sự khởi đầu cho việc đánh bại IS tại Syria.

T.N