Dữ liệu mới được công bố ngay trong lúc cuộc khủng hoảng nhân khẩu học ở Trung Quốc ngày càng sâu sắc bất chấp chiến dịch sâu rộng của chính phủ nhằm thúc đẩy hôn nhân và khuyến khích sinh sản.
Tỷ lệ hôn nhân và tỷ lệ sinh giảm mạnh đặt ra thách thức lớn đối với Bắc Kinh, nơi đang ngày càng lo lắng về tác động của lực lượng lao động bị thu hẹp và dân số già đối với nền kinh tế đang chậm lại.
Theo dữ liệu do Bộ Nội vụ công bố ngày 1/11, khoảng 4,74 triệu cặp vợ chồng Trung Quốc đã đăng ký kết hôn trong ba quý đầu năm 2024, giảm 16,6% so với con số 5,69 triệu được ghi nhận cùng kỳ năm ngoái.
Sự suy giảm này phù hợp với xu hướng giảm từ mức đỉnh điểm năm 2013 với hơn 13 triệu cuộc hôn nhân mới và phù hợp với dự đoán của các chuyên gia nhân khẩu học Trung Quốc rằng số lượng cuộc hôn nhân vào năm 2024 sẽ giảm xuống mức thấp nhất kể từ mức 7,2 triệu được ghi nhận vào năm 1980.
Sự gia tăng trở lại cuộc hôn nhân vào năm ngoái, sau khi các hạn chế nghiêm ngặt của Covid được dỡ bỏ, dường như là một điều bất thường, nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu bị dồn nén.
Dân số Trung Quốc đã giảm trong 2 năm liên tiếp và tỷ lệ sinh năm ngoái đã xuống mức thấp nhất kể từ khi quốc gia này được thành lập vào năm 1949. Năm 2022, nước này bị Ấn Độ vượt qua để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới.
Các quan chức Trung Quốc nhận thấy mối liên hệ trực tiếp giữa việc ít kết hôn và tỷ lệ sinh giảm ở nước này. Nguyên nhân được đưa ra là các chuẩn mực xã hội và quy định của chính phủ khiến các cặp vợ chồng chưa kết hôn gặp khó khăn trong việc sinh con.
Để đảo ngược tình trạng suy giảm này, các quan chức Trung Quốc đã đưa ra một loạt biện pháp, từ khuyến khích tài chính đến các chiến dịch tuyên truyền, nhằm thúc đẩy giới trẻ kết hôn và sinh con.
Các quan chức đã tổ chức các sự kiện “blind date” (cuộc hẹn hò giữa hai người chưa từng gặp gỡ), đám cưới tập thể và cố gắng hạn chế truyền thống thách cưới gia đình chú rể tương lai, điều đã khiến hôn nhân trở nên ngoài tầm với của nhiều đàn ông nghèo ở nông thôn.
Kể từ năm 2022, Hiệp hội Kế hoạch hóa Gia đình Trung Quốc đã triển khai các chương trình thí điểm nhằm tạo ra “văn hóa hôn nhân và sinh con thời đại mới”, bao phủ hàng chục thành phố để quảng bá “giá trị xã hội của việc sinh con” và khuyến khích thanh niên kết hôn và sinh con vào độ tuổi phù hợp.
Nhưng cho đến nay, những chính sách này đã không thuyết phục được thanh niên Trung Quốc, những người đang phải vật lộn với tỷ lệ thất nghiệp cao, chi phí sinh hoạt tăng cao và thiếu hỗ trợ phúc lợi xã hội trong bối cảnh kinh tế suy thoái.
Nhiều người đang trì hoãn việc kết hôn và sinh con - và ngày càng có nhiều người trẻ thậm chí chọn cách tránh xa hoàn toàn việc kết hôn.
Theo các quan chức và nhà xã hội học Trung Quốc, sự suy giảm cả về hôn nhân và sinh đẻ một phần là do các chính sách được thiết kế nhằm hạn chế sự gia tăng dân số của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ, dẫn đến có ít người trẻ trong độ tuổi kết hôn hơn.
Năm 2015, Trung Quốc tuyên bố chấm dứt chính sách một con kéo dài hàng thập kỷ, cho phép các cặp vợ chồng có hai con, sau đó tăng lên ba con vào năm 2021 – nhưng tỷ lệ kết hôn và sinh con vẫn tiếp tục giảm.
Xu hướng giảm dai dẳng cũng là kết quả của việc thay đổi thái độ đối với hôn nhân, đặc biệt là ở những phụ nữ trẻ ngày càng có trình độ học vấn cao và độc lập về tài chính.
Đối mặt với sự phân biệt đối xử lan rộng ở nơi làm việc và truyền thống gia trưởng - chẳng hạn như kỳ vọng phụ nữ phải chịu trách nhiệm chăm sóc con cái và nội trợ - một số phụ nữ ngày càng vỡ mộng về hôn nhân.
Kể từ năm 2021, Trung Quốc đã quy định thời hạn 30 ngày “hạ nhiệt” (giảng hòa) đối với những người nộp đơn ly hôn, bất chấp những lời chỉ trích rằng điều đó có thể khiến phụ nữ khó rời bỏ những cuộc hôn nhân tan vỡ hoặc thậm chí bị ngược đãi. Theo dữ liệu từ Bộ Nội vụ, trong 9 tháng đầu năm nay, khoảng 1,96 triệu cặp vợ chồng đăng ký ly hôn, giảm nhẹ 6.000 so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất phải vật lộn với tỷ lệ kết hôn và sinh đẻ giảm. Trong những năm gần đây, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã đưa ra các biện pháp khuyến khích sinh con - chẳng hạn như khuyến khích tài chính, chứng từ tiền mặt, trợ cấp nhà ở và hỗ trợ chăm sóc trẻ nhiều hơn - nhưng thành công còn hạn chế.