Theo một bài phân tích mới đăng tải trên trang Stratfor, Nga chỉ có một số hệ thống tên lửa phòng không ở Syria, và sẽ không thể đối chọi được nếu trực tiếp tham chiến với Mỹ. 25 máy bay chiến đấu của Nga ở Syria, trong đó chỉ có 10 chiến đấu cơ Su-35 và Su-30 có ưu thế vượt trội trên không sẽ không thể địch được máy bay tấn công, máy bay tàng hình thế hệ thứ năm của Mỹ như F-22, hay máy bay ném bom B-1, B-52. Tác giả bài viết cho rằng cho dù các hệ thống phòng không của Nga hoạt động rất hiệu quả nhưng Mỹ mới là bên chiếm ưu thế trên không.
Tuy nhiên đánh giá như vậy là chưa toàn diện. Muốn đánh giá đúng sức mạnh của Nga và cách Nga tham chiến trong trường hợp xảy ra xung đột trực tiếp với Mỹ cần trả lời các câu hỏi sau.
Câu hỏi số 1: Liệu Nga có đang ở thế yếu ở Syria hay không?
Câu trả lời rõ ràng là có.
Trước hết, Nga chỉ có hai căn cứ ở Tartus và Khmeimim, nằm cách nước Nga rất xa. Hơn nữa quy mô lực lượng đặc nhiệm mà Nga triển khai ở Syria cũng rất nhỏ so với liên quân do Mỹ dẫn đầu. Thứ hai, Mỹ đã chi hàng tỷ USD vào khu vực này chỉ để đảm bảo rằng Liên Xô trước kia cũng như Nga hiện nay không bao giờ có thể chiếm được Iran. Và Mỹ không chỉ vượt trội so với Nga về số lượng mà Mỹ còn có mạng lưới căn cứ rộng khắp, có thể triển khai thêm một lượng lớn binh sĩ đến Syria.
Hiện nay, Syria đang bị bóp nghẹt giữa CENTCOM ở miền đông và miền nam, NATO ở miền bắc và miền tây. Không chỉ Mỹ và NATO kiểm soát bầu trời Syria mà ngay cả Israel cũng có thể làm được điều đó. Do đó Nga chẳng dại gì bồng bột hành động ở Syria.
Câu hỏi số 2: Liệu Nga có lợi thế ở Syria hay không?
Tất nhiên Nga có một số lợi thế nhất định. Thực tế, Nga thậm chí còn có nhiều lợi thế hơn Mỹ.
Đầu tiên, Nga có nhiều sự ủng hộ từ các lực lượng gồm chính phủ Syria, Iran, Hezbollah, và thậm chí cả Thổ Nhĩ Kỳ gần đây cũng thân Nga hơn thân Mỹ. Trong khi đó phía liên quân NATO chỉ có các lực lượng đối lập lẻ tẻ và rời rạc.
Thứ hai, chính quyền Nga nhận được sự ủng hộ từ nhân dân trong nước, trong khi chính quyền Mỹ lại bị công chúng nghi ngờ và lên án vì việc tham chiến vào Syria. Không chỉ vậy, ông Putin còn giành được sự tín nhiệm của nhân dân, trong khi ông Trump còn phải cố để tránh bị lên án.
Thứ ba, truyền thông Mỹ đang tránh đề cập đến sự thật rằng sự hiện diện của Mỹ ở Syria là phi pháp và việc ủng hộ lực lượng chống đối chính phủ càng không có cơ sở pháp lý. Và tất nhiên, cộng đồng quốc tế cũng nhận thức được điều này và vị thế của Mỹ trên trường quốc tế cũng bị ảnh hưởng.
Thứ tư, Nga có ít thứ để mất hơn là Mỹ trong cuộc nội chiến đã kéo dài sáu năm này.
Thứ năm, binh lính Nga nổi tiếng là quyết tâm và dũng cảm hơn binh lính Mỹ. Dù là lý do lịch sử hay chính trị thì cũng không ai có thể nghi ngờ điều này.
Thứ sáu, Nga có lực lượng tình báo rất mạnh ở Syria, điều này giúp Nga tránh được những tổn thương nghiêm trọng trong các cuộc không kích và tấn công tên lửa ở Syria.
Vậy những lợi thế này có ý nghĩa gì đối với Nga?
1) Nga có khả năng chống tiếp cận trên không
Đầu tiên, rõ ràng là Nga không có lý do gì để gây chiến quy mô lớn trên không với Mỹ ở Syria. Tuy nhiên điều này không đảm bảo xung đột trực tiếp giữa hai bên sẽ không diễn ra. Lâu nay Nga vẫn chọn chiến lược không rõ ràng và quấy nhiễu máy bay Mỹ, nhưng Nga hoàn toàn có thể quyết định xử lý máy bay Mỹ bằng các khẩu đội tên lửa khét tiếng S-300 và S-400.
Ngoài ra Nga còn triển khai cả hệ thống tên lửa tầm gần Pantsir đến Syria.
Pantsir-S1 (hay còn được Mỹ và NATO gọi là "SA-22") là một hệ thống vũ khí tên lửa đất đối không di động tầm ngắn đến tầm trung và hệ thống vũ khí pháo binh phòng không, sử dụng radar để bắt bám lẫn tấn công mục tiêu. Phạm vi phát hiện của hệ thống này là 32-45km và phạm vi theo dấu là 24-28km.
Hệ thống này có thể theo dấu 20 mục tiêu, phóng 3 đến 4 tên lửa cùng một lúc. Đồng thời Pantsir-S1 cũng có Hệ thống Autonomous Optoelectronic System với phạm vi 25km, chống lại máy bay F-16 cỡ nhỏ. Tên lửa của Pantsir là tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn với tầm bắn phạm vi 20km, tốc độ Mach 2.3 đến 2.8. Pantsir cũng có hai pháo tự động có thể bắn 2500 viên/phút ở khoảng cách 4km.
Điều đáng chú ý là cả Nga và Syria đều triển khai những hệ thống phòng khô cơ di động này. Nói cách khác, Pantsir có thể được triển khai ở bất cứ đâu và bất kỳ bên nào, thậm chí ngay cả Iran.
Hệ thống Pantsir trên thực tế đáng sợ hơn nhiều so với vẻ bề ngoài vì có thể thực hiện các nhiệm vụ tự trị hoàn toàn. Hệ thống này còn được thiết kế để tham gia vào mạng lưới toàn cầu, thông qua kết nối dữ liệu được mã hóa, giúp Pantsir có thể nhận dữ liệu từ các hệ thống khác ở các nơi khác nhau.
Cuối cùng, không ai biết rằng Nga đã mang bao nhiêu hệ thống Pantsir đến Syria và không biết hiện có bao nhiêu hệ thống Pantsir đang hoạt động.
Như vậy, Mỹ và NATO đang phải đối phó với một hệ thống di động hết sức linh hoạt, rất dễ che giấu, có thể tiêu diệt mục tiêu trong phạm vi 15-20km. Vốn dĩ Pantsir được giao nhiệm vụ phòng thủ cùng với các hệ thống tầm xa S-300 và S-400, cùng các thiết bị khác ở hai căn cứ Tartus và Khmeimim. Nhưng trên thực tế, hệ thống này có thể được triển khai ở bất kỳ đâu và có thể bắn hạ máy bay Mỹ mà không để lại bằng chứng là Nga đã làm điều này.
Điều này là vì dù tên lửa của hệ thống Pantsir có hệ thống radar tinh vi, hệ thống điện tử tự động hóa (AOS) cho phép tên lửa tấn công một cách hoàn toàn im lặng. Do đó Mỹ khó tìm được cách để chứng minh bên nào bắn hạ máy bay của mình.
Điểm mấu chốt là: trong khi thế giới đang tập trung vào các hệ thống S-300 hay S-400 lớn hơn, thì Nga đã có được một hệ thống phòng không tầm ngắn và tầm trung linh hoạt hơn rất nhiều, hơn nữa hệ thống này cũng không thể bị tiêu diệt chỉ với đòn tập kích tên lửa Tomahawk. Hệ thống này cũng có thể được triển khai ở bất kỳ đâu trên Syria và có thể được sử dụng trong khi vẫn bảo đảm cho Nga khả năng chống tiếp cận.
Tất nhiên Mỹ có thể cố bay ngoài phạm vi của Pantsir, nhưng như vậy sẽ rất khó triển khai không lực. Hoặc Mỹ cũng có thể sử dụng máy bay tàng hình như B-1, B-2 và F-22, nhưng như vậy sẽ làm giảm đáng kể khả năng của CENTOM cũng như của NATO ở Syria.
Mỹ và NATO chưa bao giờ triển khai quân trên chiến trường nào nguy hiểm như chiến trường Syria, còn người Nga dù không có các máy móc hiện đại nhưng vẫn từng khiến NATO thất bại thảm hại. Trong cuộc chiến ở Syria, Mỹ chỉ hao tiền tốn của để chống lại các hệ thống phòng không của Nga mà chẳng thể tận dụng ưu thế trên không của mình.
2) Nga có khả năng chống tiếp cận trên bộ
Các bên luôn cho rằng Nga sẽ không bao giờ tấn công quân Mỹ trên bộ ở Syria vì lực lượng của Nga ở Syria quá mỏng và không thể tấn công lực lượng vừa mạnh hơn, vừa lớn hơn là Mỹ. Nhưng đó là một giả định sai lầm vì thực tế, Nga có thể tấn công Mỹ bằng lực lượng đặc nhiệm và giành được khả năng chống tiếp cận trên mặt đất.
Hiện nay, các đơn vị của Nga đang được triển khai hết sức linh hoạt trên khắp Syria.
Đầu tiên là đơn vị đặc nhiệm Spetsnaz được triển khai từ Quân khu Nam, trực thuộc trụ sở Cục tình báo quân sự (GRU) ở Mátxcơva. Không giống như lực lượng Spetsnaz GRU của các binh đoàn GRU của Quân khu, các nhóm nhỏ từ 8-12 người chỉ gồm các sĩ quan.
Thứ hai là Lực lượng đặc nhiệm Nga (SSO), một lực lượng mới được thành lập để không nhầm lẫn với Spetsnaz GRU cho dù hai bên tương đối giống nhau. Đội quân này trực thuộc Lực lượng Vũ trang.
Cuối cùng là các đơn vị vô danh nhưng hoạt động cực kỳ bí mật ở Syria.
Tóm lại, Nga có đủ quân đặc nhiệm để tấn công các mục tiêu của Mỹ ở Syria và bất kỳ nơi nào khác ở Trung Đông. Ví dụ, trong trận chiến giành Aleppo, có rất nhiều báo cáo cho rằng lính bắn tỉa Nga đã giết lãnh đạo của IS từng người, từng người một. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra với các chỉ huy Mỹ trên chiến trường trên bộ ở Syria.
Lính đặc nhiệm Nga có thể thực hiện các cuộc tấn công bí mật không thể lý giải được vào quân Mỹ và Mỹ cũng không thể nhận diện hay chứng minh đó chính là quân Nga. Các đơn vị bí mật này có thể sẽ cải trang thành lực lượng Ả Rập, và thậm chí còn có thể mang theo chứng minh thư của dân Ả Rập. Trước đây Liên Xô cũng từng dùng chiêu y hệt ở Afghanistan để lật đổ Tổng thống Hafizullah Amin.
Từ những lý do trên, có thể kết luận rằng Nga cũng có khả năng để tấn công quân Mỹ trên bộ và đảm bảo khả năng chống tiếp cận.
Một trong số nhiều cách sử dụng khả năng chống tiếp cận để chống lại kẻ thù có hệ thống
Có thể nhiều người sẽ băn khoăn liệu khả năng chống tiếp cận sẽ hiệu quả ra sao khi chống lại một kẻ thù như Mỹ, nước có hiềm khích với Nga trong vấn đề gian lận bầu cử và chiến sự ở miền đông Ukraine.
Rõ ràng Mỹ đã tận dụng truyền thông để tuyên truyền lệch lạc về Nga và cộng đồng quốc tế cũng nhận ra điều này. Do đó uy tín của Mỹ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Bây giờ nếu Nga triển khai Pantsir-S1 ở Syria để bắn hạ máy bay của Mỹ, hoặc các đơn vị của Nga tiêu diệt một trụ sở của quân Mỹ ở Syria, Mỹ không những không có chứng cứ để buộc tội Nga mà cũng sẽ chẳng có ai tin Mỹ.
Hơn nữa, điều này cũng đặt ra câu hỏi “Liệu Mỹ có thật sự đạt được lợi ích cao nhất khi đổ vấy cho Nga hay không?” Rõ ràng sẽ ý nghĩa hơn nếu Mỹ đổ lỗi cho chính phủ Syria và ném bom vào một tòa nhà nào đó của chính quyền Assad, sau đó tuyên bố rằng “thông điệp đã được gửi đi”, từ đó tạo ra các nguy cơ chính trị và quân sự lên lực lượng của Nga ở Syria.
Liệu Mỹ có trả đũa nếu bị Nga tấn công bí mật hay không? Có lẽ là không vì Mỹ không có nhiều đồng minh ủng hộ trên bộ cả về chính trị lẫn quân sự. Do đó Mỹ không đời nào muốn hứng lấy cuộc tấn công trực tiếp của Nga.
Nghịch lý của chiến tranh
Đầu tiên, phải luôn nhớ rằng bất kỳ hành động quân sự nào cũng chỉ là công cụ để thực hiện ý đồ chính trị. Vì bản chất đó, có rất nhiều trường hợp bên yếu hơn lại giành được lợi thế. Điểm quan trọng nhất trong chiến lược phòng thủ của kẻ yếu là không được để bên mạnh hơn áp đặt hình thức chiến tranh theo hướng có lợi cho kẻ mạnh.
Trong trường hợp ở Syria, việc Nga cố gắng đánh thắng không quân CENTCOM chỉ với số lượng binh ít ỏi rõ ràng là điều viển vông. Và vì Mỹ có lợi thế về số lượng tên lửa hành trình, Nga nên nhớ không được để cho Mỹ xác định mục tiêu. Trong bối cảnh cuộc chiến Syria, điều này có nghĩa là Nga cần sử dụng các hệ thống phòng không di động.
Cuối cùng, nên nhớ phải tấn công Mỹ vào nơi Mỹ yếu nhất. Một con voi to lớn sẽ rất đáng sợ, nhưng cũng chính vì nó to lớn nên nó sẽ không thể di chuyển nhanh được. Đó cũng chính là vấn đề của Mỹ. Quân đội Mỹ quá lớn và quá tự tin đến mức thiết đi sự thận trọng đối với kẻ địch yếu hơn nhiều lần. Đó là lý do vì sao Mỹ phải chịu những thất bại đau đớn trong nhiều cuộc chiến.
Tựu chung lại, vẫn chưa thể biết Nga sẽ chọn cách hành xử ra sao và đáp trả thế nào. Nhưng có một điều chắc chắn là Lầu Năm Góc nên tránh mọi sự rắc rối với Nga vì ông Putin là một nhân tố phức tạp và khó dự đoán. Nhưng có một điểm may mắn là chính Nga cũng đang cố để tránh gây rắc rối với Mỹ, đặc biệt là ở một khu vực cách Nga quá xa, lại ở giữa tầm kiểm soát của CENTCOM và NATO.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu