Căng thẳng Mỹ-Trung: Thêm sự bất định về chính sách "mơ hồ chiến lược" của Mỹ trong vấn đề Đài Loan

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nguy cơ xung đột trên eo biển Đài Loan tăng cao trong lúc Mỹ ngày càng thắt chặt quan hệ quốc phòng với Đài Loan, buộc Bắc Kinh phải gửi thêm tín hiệu đe dọa.
Mỹ vẫn đang duy trì chính sách "mơ hồ chiến lược" trong vấn đề Đài Loan (Ảnh: AP)
Mỹ vẫn đang duy trì chính sách "mơ hồ chiến lược" trong vấn đề Đài Loan (Ảnh: AP)

Theo các nhà quan sát, mặc dù Mỹ chưa hề có sự thay đổi trong chính sách “mơ hồ chiến lược” trong vấn đề Đài Loan – tức không nói rõ có bảo vệ hòn đảo này trong trường hợp nó bị tấn công hay không – nhưng một động thái mà Washington đưa ra mới đây đã khiến Đài Loan tìm cách làm rõ hơn ý định của Mỹ, và càng làm tăng căng thẳng giữa ba bên.

Tháng trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden trong một cuộc phỏng vấn đã nói rằng Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan trong trường hợp nó bị Trung Quốc tấn công. Nhà Trắng sau đó phải lên tiếng chỉnh sửa rằng chính quyền Biden không thay đổi chính sách về Đài Loan.

Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều lời kêu gọi Mỹ hủy bỏ chính sách “mơ hồ chiến lược” mà họ đã áp dụng suốt nhiều thập kỷ qua. Một trong số những lời kêu gọi đó đến từ ông Adam Schiff, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, trong hôm thứ Tư tuần này. Vị nghị sĩ kêu gọi chính quyền Biden rõ ràng hơn trong vấn đề Đài Loan.

“Tôi nghĩ rằng, có khi ít sự mơ hồ sẽ tốt hơn là nhiều sự mơ hồ” – ông Schiff nói tại Diễn đàn An ninh Aspen.

Đạo luật Đài Loan năm 1979 quy định Mỹ cung cấp cho Đài Loan những biện pháp để tự vệ, nhưng không nhất thiết phải tham gia vào một cuộc xung đột vì Đài Loan.

Bình luận mà ông Biden đưa ra xuất hiện ngay lúc căng thẳng ở eo biển Đài Loan đang tăng nhiệt, đặc biệt là kể từ tháng 10 năm nay, khi mà Bắc Kinh điều số lượng máy bay cao kỷ lục đi vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan.

Tuần trước, lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn bất ngờ thừa nhận rằng binh sĩ Mỹ đang đồn trú ở hòn đảo này. CNN dẫn tài liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ cho thấy số lượng binh sĩ Mỹ đóng tại Đài Loan tăng từ 10 trong năm 2018 lên 32 trong năm nay.

Các nhà quan sát từ Mỹ và Trung Quốc nói rằng Washington không hề có sự thay đổi chính sách trong vấn đề Đài Loan, nhưng sự ủng hộ mà họ dành cho hòn đảo này lại đang tăng – theo cách rất nguy hiểm.

Shi Yinhong – chuyên gia về quan hệ quốc tế đến từ ĐH Renmin ở Bắc Kinh – nói rằng chính phủ Mỹ chưa từng tuyên bố chính thức về việc sử dụng vũ lực để bảo vệ Đài Loan, nhưng “sự mơ hồ” lại đang giảm dần và ngày càng trở nên “rõ ràng” hơn.

“Nếu nhìn vào những tuyên bố của chính quyền Mỹ, có thể thấy rõ là không hề có sự thay đổi trong chính sách của họ với Đài Loan – vẫn là sự mơ hồ chiến lược – có nghĩa rằng Mỹ vẫn duy trì chính sách truyền thống với Đài Loan” – ông Shi nói – “Sự rõ ràng có thể khuyến khích các lực lượng độc lập Đài Loan, điều có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh, khiêu khích đại lục, làm tăng sự thù địch giữa Trung Quốc và Mỹ.”

Tuy nhiên, Mỹ ngày càng tăng sự hỗ trợ và ủng hộ về mặt quân sự, ngoại giao, kinh tế và cả các mặt trận tư tưởng đối với Đài Loan, ông Shi nói và thêm rằng sự ủng hộ này “có thể sẽ tiếp tục tăng trong tương lai”.

Mặc dù cả Mỹ và Trung Quốc đều mong muốn giữ hiện trạng và tránh một cuộc chiến tranh – như lãnh đạo hai bên từng tuyên bố - giới chuyên gia cho rằng nguy cơ xảy ra xung đột quân sự đang gia tăng.

Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Mark Milley, phát biểu tại Diễn đàn Aspen rằng Trung Quốc rất có khả năng sẽ không sử dụng vũ lực để tấn công Đài Loan trong vòng vài năm tới. “Tôi không nghĩ rằng điều đó sẽ xảy ra trong tương lai gần, có thể là 6, 12 hoặc 24 tháng tới”, ông nói và thêm rằng quân đội Mỹ “chắc chắn” có thể bảo vệ Đài Loan trước một cuộc tấn công của Trung Quốc nếu như được yêu cầu làm như vậy.

Còn tại Trung Quốc, có một bầu không khí hoảng loạn xảy ra mới đây sau khi xuất hiện một số cảnh báo mà Bộ Thương mại nước này đưa ra, rằng người dân nên tích trữ nhu yếu phẩm phòng “trường hợp khẩn cấp”. Điều này dẫn tới sự ngờ vực rằng một cuộc chiến tranh sắp xảy ra với Đài Loan. Mạng xã hội tràn ngập những bình luận ủng hộ một cuộc tấn công Đài Loan, trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc đang tăng mạnh.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong tháng 10 vừa qua nói rằng “tái thống nhất” với Đài Loan “cần được thực hiện”.

Mặc dù cả Mỹ và Trung Quốc đều không muốn lao vào một cuộc xung đột quân sự, theo ông Shi, nhưng hai nước lại dần dần tiến vào “cái bẫy Thucydides” – một thuyết chính trị mô tả xu hướng tiến dần tới chiến tranh, khi một thế lực đang trỗi dậy đe dọa sự tồn tại của một siêu cường.