Đội ngũ gồm 13 thành viên được trông thấy trên chương trình truyền hình trực tiếp lúc đang rời khỏi khách sạn, họ đeo khẩu trang và mang áo choàng trắng. Họ sẽ làm việc tại thành phố nơi từng là tâm dịch của thế giới, nhưng giờ, sau 1 năm, lại trở thành tâm điểm tranh cãi về nơi bắt nguồn dịch virus corona.
“Con mắt của toàn thế giới đang đổ dồn về nhiệm vụ này” – Marion Koopmans, một thành viên trong đội chuyên gia của WHO, nói với CNN, trong lúc bà chuẩn bị các cuộc họp cuối cùng trước khi rời khách sạn cách ly – “Chúng tôi nhận thức rõ về điều đó. Đó là lý do chúng tôi thực sự tập trung, chúng tôi là các nhà khoa học chứ không phải chính trị gia. Chúng tôi đang cố gắng nhìn vào điều này trên phương diện khoa học”.
Đội ngũ chuyên gia đã bỏ ra khoảng thời gian 2 tuần qua để gọi hình ảnh với nhau và các nhà khoa học Trung Quốc để “thảo luận về điều mà chúng tôi biết, điều mà chúng tôi không biết”; bà Koopmans cho hay.
“Tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ phải xem xét kỹ những kỳ vọng của mọi người, nếu các bạn nhìn vào những nhiệm vụ tìm ra nguồn gốc của dịch bệnh trước đây, chúng phải mất nhiều năm mới hoàn thành” – bà nói – “Những nghiên cứu bước đầu đã được thực hiện và chúng đã được công bố”.
Một báo cáo trước đó bởi một đội ngũ WHO ở Trung Quốc, công bố tháng 2/2020, nhận ra rằng “vẫn còn nhiều khoảng trống hiểu biết” về loại virus này, mặc dù báo cáo trước đó cho rằng virus dường như bắt nguồn từ động vật, và dịch đầu tiên bùng phát ở một khu chợ hải sản ở Vũ Hán.
Trong khi đội chuyên gia của WHO cố gắng bỏ qua những yếu tố chính trị trong sứ mệnh lần này, nhưng làm được như vậy là rất khó.
Tuần trước, Ủy ban độc lập về đánh giá công tác phòng ngừa và ứng phó đại dịch (IPPR) nói rằng cả WHO và Trung Quốc đều đã có thể hành động nhanh hơn và quyết liệt hơn để ngăn chặn đại dịch COVID-19 từ lúc dịch bắt đầu xuất hiện.
Một số quốc gia, trong đó dễ thấy nhất là Mỹ và Australia, đã tố Bắc Kinh giảm mức độ nghiêm trọng của đại dịch trong giai đoạn đầu, cho đến khi mọi việc đã quá muộn. Đặc biệt, giới chức ở Vũ Hán bị cáo buộc đã “chặn họng” những người muốn công khai bằng chứng rằng virus lây truyền từ người sang người.
Bản thân WHO cũng chịu nhiều sức ép, khi mà cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nói rằng tổ chức này là “con rối” của Trung Quốc, và rút hết nguồn ngân sách của Washington dành cho tổ chức. Ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống Joe Biden đã đảo ngược lại quyết định đó.
Trong khi Trung Quốc hiện đã kiềm chế được dịch ở trong nước, tình hình dịch lại rất gay go ở Mỹ và nhiều phần của châu Âu. Bắc Kinh đã bắt đầu phản bác kịch liệt những cáo buộc cho rằng họ để cho dịch lây lan khắp thế giới, và đưa ra những giả thuyết – chưa được chứng minh – khác về nguồn gốc của đại dịch, trong đó có thuyết âm mưu rằng virus corona thoát từ một phòng thí nghiệm quân sự Mỹ.
Tuần trước, ở Geneva (Thụy Sĩ), người đứng đầu phái đoàn Mỹ tại WHO đã kêu gọi Trung Quốc cho phép đội chuyên gia ở Vũ Hán tiếp cận “những nhân công, cựu bệnh nhân và nhân viên phòng thí nghiệm”, và chia sẻ tất cả nghiên cứu khoa học liên quan tới mẫu vật lấy từ động vật, con người và môi trường ở chợ hải sản ở Vũ Hán; theo Reuters.
“Chúng ta có một nhiệm vụ rất cao cả là phải đảm bảo rằng cuộc điều tra quan trọng này là đáng tin cậy và được thực hiện một cách minh bạch” – Đại diện Mỹ tại WHO, Garrett Grigsby, nói.