Sửa luật, đưa trái phiếu doanh nghiệp ra chỗ sáng

Minh bạch thông tin trước, trong và sau khi phát hành là điểm yếu của doanh nghiệp khi thực hiện các đợt phát hành trái phiếu. Các cơ quan quản lý thường không có một bức tranh đầy đủ về thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) như thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP). 
Nhiều doanh nghiệp vẫn vay vốn trái phiếu trên thị trường nước ngoài với lãi suất phụ thuộc vào hệ số tín nhiệm của doanh nghiệp trong mắt các nhà đầu tư - trái chủ. Ảnh: UYÊN VIỄN
Nhiều doanh nghiệp vẫn vay vốn trái phiếu trên thị trường nước ngoài với lãi suất phụ thuộc vào hệ số tín nhiệm của doanh nghiệp trong mắt các nhà đầu tư - trái chủ. Ảnh: UYÊN VIỄN

Nghị định 90/2011/NĐ-CP (Nghị định 90) về phát hành TPDN đang được sửa đổi nhằm đưa trái phiếu từ chỗ tối ra chỗ sáng.

Chưa có thống kê đầy đủ, chính xác

Theo một báo cáo hồi tháng 9 của Bộ Tài chính về thị trường trái phiếu, tính từ đầu năm đến 14-8-2015, khối lượng phát hành TPDN là 11.148 tỉ đồng. 

Trong khi đó, một thống kê của Công ty Chứng khoán Ngân hàng VP Bank (VPBS), tính riêng trong sáu tháng đầu năm, các doanh nghiệp đã phát hành 19.515 tỉ đồng, bằng 85% tổng khối lượng phát hành của cả năm 2014.

Những năm trước, thị trường TPDN cũng không có những thống kê đầy đủ.

Trên thị trường sơ cấp, các doanh nghiệp cho dù có công bố thông tin thì đều dưới dạng các đợt phát hành riêng lẻ, gói gọn trong phạm vi người bán (doanh nghiệp) và người mua (chủ yếu là ngân hàng). 

Trên thị trường thứ cấp, TPDN hầu như không có hoặc không công bố giao dịch. Bộ Tài chính thống kê năm 2014 hầu như không có thông tin về các giao dịch ở thị trường này nên cũng không có cơ sở để định giá cho thị trường. Doanh nghiệp mạnh ai nấy phát hành.

Hay nói khác đi là thị trường TPDN này còn thiếu minh bạch, cho dù muốn phát hành trái phiếu, doanh nghiệp phải đáp ứng đủ các điều kiện về báo cáo tài chính, chuẩn mực kế toán và minh bạch thông tin, theo các quy định trong Nghị định 90.

Cần minh bạch, tăng cường giám sát

Tình trạng các doanh nghiệp phớt lờ các quy định công bố thông tin lý giải một phần tại sao cơ quan quản lý không có thống kê đầy đủ và chính xác về thị trường này cũng như chưa thể phác họa được một bức tranh toàn cảnh, từ quy mô các đợt phát hành đến lãi suất chuẩn, đường cong lãi suất... 

Nó góp phần tạo rủi ro cho nhà đầu tư, nhà quản lý và kể cả doanh nghiệp trong trường hợp quy mô và khả năng thanh toán trái phiếu vượt ngoài tầm kiểm soát của các bên.

Tình trạng các doanh nghiệp phớt lờ các quy định công bố thông tin lý giải một phần tại sao cơ quan quản lý không có thống kê đầy đủ và chính xác về thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Bộ Tài chính đang sửa Nghị định 90. Hàng loạt thủ tục như thông báo kế hoạch phát hành, báo cáo kết quả đợt phát hành và báo cáo kế hoạch trả nợ của doanh nghiệp phát hành được giữ nguyên. 

Tuy nhiên, Nghị định 90 quy định các nội dung này phải báo cáo về Bộ Tài chính, trong khi nhiều nhà đầu tư lớn cho rằng doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải cung cấp thông tin (cả thông tin về mục đích sử dụng trái phiếu, báo cáo tài chính đã kiểm toán, báo cáo về nguồn trả nợ, tiến độ thực hiện dự án...) cho cả nhà đầu tư nhằm giảm thiểu rủi ro.

TPDN không phải là dòng vốn “riêng lẻ” trong thị trường vốn doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhiều trường hợp nó còn là dòng vốn tín dụng “ẩn nấp” mà nhiều ngân hàng dùng để lách các quy định của Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước hiện hành. 

Thông tư 36 về tổng mức dư nợ cấp tín dụng không cho phép ngân hàng cho vay vượt quá 15% đối với một khách hàng và người liên quan hay vượt quá 25% vốn tự có của tổ chức tín dụng thì các ngân hàng có thể lách - chuyển qua kênh... mua trái phiếu.

Nếu những rủi ro trên thị trường TPDN không được nhận diện đầy đủ thì tình trạng nợ doanh nghiệp biến thành nợ quốc gia trong trường hợp doanh nghiệp vay nước ngoài không trả được cũng có khả năng xảy ra.

Và tạo điều kiện phát triển thị trường

Bộ Tài chính dự kiến sẽ bỏ quy định về điều kiện phát hành TPDN là doanh nghiệp phải có kết quả kinh doanh năm liền trước năm phát hành có lãi (do không phù hợp với doanh nghiệp mới thành lập và đang phát triển cần huy động vốn nhiều, cũng không phù hợp với doanh nghiệp đang tái cơ cấu).

Bộ Tài chính cũng dự kiến bỏ quy định doanh nghiệp muốn phát hành TPDN ra thị trường vốn quốc tế phải đảm bảo hệ số tín nhiệm tối thiểu ngang bằng với hệ số tín nhiệm quốc gia vì không phải doanh nghiệp nào cũng có xếp hạng tín nhiệm hay tại thời điểm nộp hồ sơ thì doanh nghiệp đáp ứng được điều kiện nhưng đến thời điểm phát hành, doanh nghiệp có thể đã tụt hạng.

Ngoài ra, việc mua - bán trái phiếu trên thị trường trong và ngoài nước phụ thuộc vào quyết định của các nhà đầu tư - trái chủ. Nhiều doanh nghiệp như Vingroup, VietinBank vẫn vay vốn trái phiếu trên thị trường nước ngoài với lãi suất phụ thuộc vào hệ số tín nhiệm của doanh nghiệp trong mắt các trái chủ.

Theo TBKTSG