“Bóng hình” Tập đoàn Lã Vọng
Theo tìm hiểu của VietTimes, ngày 24/6/2017, UBND Tp. Hà Nội đã có báo cáo số 177/BC-UBND (Báo cáo số 177) kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai theo hình thức BT (dự án BT Ba La - Xuân Mai). Nhà đầu tư được lựa chọn là CTCP Đầu tư Louis Group (Louis Group).
Công ty này được thành lập từ tháng 3/2017, trên cơ sở liên doanh giữa Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC), CTCP Sông Đà - Hà Nội (Sông Đà - Hà Nội) và 2 đối tác tư nhân là: CTCP Thương mại Ngôi Nhà Mới (Ngôi Nhà Mới) và CTCP Đầu tư Phát triển và Dịch vụ Đại An (Đại An).
Dữ liệu của VietTimes cho thấy UDIC và Sông Đà - Hà Nội chỉ đóng vai trò thứ yếu tại công Louis Group, nắm quyền chi phối (với tổng tỷ lệ sở hữu lên tới 75% vốn điều lệ) là 2 đối tác tư nhân có quan hệ mật thiết tới Tập đoàn Lã Vọng.
Cụ thể, Ngôi Nhà Mới là doanh nghiệp đóng vai trò “hạt nhân” và ít nhiều đã được biết tới trong “hệ sinh thái” của Tập đoàn Lã Vọng.
Còn đối với Đại An, cơ cấu cổ đông của công ty này cũng cho thấy nhiều mối liên hệ với tập đoàn của ông Lê Văn Vọng (sinh năm 1977).
Trong đó, tính tới đầu tháng 9/2019, bà Đặng Thị Lý (sinh năm 1954) nắm giữ cổ phần chi phối tại Đại An với tỷ lệ sở hữu lên tới 89,756% vốn điều lệ. Phần vốn còn lại được chia đều cho các ông Lê Văn Vân và Nguyễn Văn Quang.
Được biết, bà Đặng Thị Lý là một nữ doanh nhân khá kín tiếng và cùng quê với ông Lê Văn Vọng. Bên cạnh đó, hai vị doanh nhân này cùng tham gia góp vốn để thành lập nên CTCP Đầu tư và Thương mại Louis vào tháng 2/2016.
Khoảng 8 tháng sau đó, CTCP Đầu tư và Thương mại Louis cùng với UDIC và Ngôi Nhà Mới tham gia ký hợp đồng hợp tác kinh doanh để đầu tư vào dự án Khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Dự án này sau đó cũng được Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều vi phạm.
Ông Lê Văn Vọng (ở giữa) tại một sự kiện (Ảnh: Internet)
|
Quỹ đất “khủng” đối ứng cho dự án BT
Quay trở lại với dự án BT Ba La - Xuân Mai, trước đó nhiều năm, cụ thể là vào tháng 12/2009, UBND Tp. Hà Nội đã chấp thuận cho Tổng Công ty Sông Đà nghiên cứu lập và hoàn chỉnh đề xuất “Dự án đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp Quốc lộ 6 (đoạn Ba La - Xuân Mai)” theo hình thức hợp đồng BOT kết hợp BT.
Tới ngày 25/3/2010, theo thông báo của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến cho phép UBND Tp. Hà Nội áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư theo hình thức hợp đồng BT đối với dự án.
Tuy nhiên, trong suốt giai đoạn 2009 - 2016, Tổng Công ty Sông Đà không đề xuất được dự án để triển khai thực hiện.
Để rồi không lâu sau khi Louis Group được thành lập, trên cơ sở tham mưu của Sở Kế hoạch và Đầu tư (Sở KH&ĐT), UBND Tp. Hà Nội đã chấp thuận đề xuất của công ty này bổ sung đoạn tuyến Ba La - Chúc Sơn vào dự án BT Ba La - Xuân Mai.
Và như đã biết, chính quyền Hà Nội đã có Báo cáo số 177 kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư như nội dung đã được chấp thuận (từ năm 2010) để thực hiện dự án BT Ba La - Xuân Mai.
Được biết, theo báo cáo kết quả thẩm định của Sở KH&ĐT ban hành ngày 15/6/2017, dự án BT Ba La - Xuân Mai có tổng mức đầu tư lên tới 8.800,082 tỷ đồng, nhằm đầu tư cải tạo, nâng cấp 20,9 km Quốc lộ 6 từ Ba La - Xuân Mai (từ 4 - 6 làn xe).
Tính ra, số tiền bỏ ra để cải tạo, nâng cấp cho mỗi km đường lên tới 421 tỷ đồng (bao gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí xây dựng dự án, chi phí lãi vay,…). Đổi lại, nhà đầu tư Louis Group dự kiến sẽ được thanh toán 43 ô đất có tổng diện tích 454,67 ha.
Trong một diễn biến đáng chú ý, vào tháng 6/2018, tại báo cáo nghiên cứu khả thi đã được UBND Tp. Hà Nội phê duyệt, quy mô đầu tư dự án được giảm xuống chỉ còn 8.713,194 tỷ đồng.
Theo đó, nhà đầu tư sẽ được tạo điều kiện khai thác 39 ô đất với tổng diện tích khoảng 343,54 ha. Còn việc lựa chọn nhà đầu tư cho dự án BT Ba La - Xuân Mai bất ngờ được đổi sang hình thức đấu thầu.
Tuy nhiên, trong kết luận thanh tra liên quan đến một số dự án của Tập đoàn Lã Vọng vừa được Thanh tra Chính phủ (TTCP) công bố, danh sách 39 ô đất được đối ứng cho dự án BT này phần lớn lại trùng khớp với đề xuất của chính Louis Group.
Sở KH&ĐT Hà Nội đã có vi phạm gì?
Tại kết luận thanh tra, TTCP cho biết, việc Sở KH & ĐT tham mưu phê duyệt đề xuất dự án thuộc giai đoạn chuẩn bị đầu tư, quy mô dự án bổ sung đoạn tuyến Ba La - Chúc Sơn vào dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Chúc Sơn – Xuân Mai và chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án BT, khi quy mô dự án đã thay đổi là vi phạm Nghị định 30/2015/NĐ-CP về đấu thầu dự án.
TTCP cho rằng, mặc dù có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Sở KH&ĐT vẫn không tiếp thu ý kiến của các bộ ngành để tham mưu theo quy định, dẫn đến việc UBND Tp. Hà Nội tiếp tục có chỉ đạo các cơ quan liên quan chuẩn bị thủ tục để đàm phán hợp đồng với Louis Group.
Ngoài ra, Sở KH&ĐT cũng được cho là có vi phạm quy định tại Luật đất đai năm 2013 khi căn cứ vào danh mục các ô đất theo đề xuất của nhà đầu tư để trình quỹ đất giao đối ứng thanh toán BT, đề xuất giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất.
Mặt khác, cũng theo TTCP, mặc dù Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội đã chỉ đạo tuân thủ quy hoạch chi tiết xây dựng, đảm bảo đồng bộ, không trùng lấn với các dự án đã giao chủ đầu tư khác, nhưng Sở KH&ĐT vẫn trình để giao cho nhà đầu tư 39 ô đất làm đối ứng thanh toán dự án BT.
“Do các đề xuất này chưa được UBND Tp. Hà Nội chấp thuận và tổ chức thực hiện nên chưa xảy ra thiệt hại cho ngân sách nhà nước, nhưng là nguyên nhân dẫn đến sự bất bình trong quần chúng nhân dân và như báo chí phản ánh, ảnh hưởng xấu đến uy tín của chính quyền thành phố Hà Nội” - kết luận của TTCP nêu rõ.
Đồng thời, TTCP kiến nghị rà soát lại toàn bộ quỹ đất được đề xuất dùng làm quỹ đất đối ứng dự án BT để đưa vào đấu giá quyền sử dụng đất tạo vốn để thực hiện dự án đầu tư công bằng nguồn vốn ngân sách.
Trong trường hợp UBND Tp. Hà Nội vẫn tiếp tục thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng BT thì phải thực hiện đúng quy định pháp luật về đầu tư dự án theo hình thức BT, tránh gây thất thoát ngân sách nhà nước.
Cổng chào của một dự án bất động sản do Tập đoàn Lã Vọng đầu tư xây dựng (Ảnh: Internet)
|
Hà Nội còn “ưu ái” Tập đoàn Lã Vọng tại những dự án nào?
Bên cạnh dự án án BT Ba La - Xuân Mai, tại kết luận thanh tra toàn diện các dự án của CTCP Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng và các đơn vị thành viên trên địa bàn Hà Nội, TTCP cũng chỉ ra những vi phạm tại nhiều dự án khác.
Trong đó, CTCP Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng là chủ đầu tư tại 5 dự án, bao gồm: Dự án tại ô đất DX1, DX2, DX3, DX4 và CX2 Khu đô thị Đông Nam đường Trần Duy Hưng; Dự án Cải tạo môi trường hồ Đầu Băng, quận Long Biên; Dự án Cải tạo và xây dựng Hệ thống cống nối hồ Vục - hồ Đầu Băng - hồ Tư Đình (theo hình thức hợp đồng BT); Dự án Xây dựng công trình Hạ tầng kỹ thuật và nhà ở trên diện tích 14,5 ha tại khu chức năng đô thị Tây Nam đường 70, phường Đại Mỗ quận Nam Từ Liêm (đối ứng BT); và Dự án Khu nhà ở cao cấp tại Khu đô thị Quốc Oai.
Đối với dự án Cải tạo, nâng cấp khu vui chơi giải trí Bán đảo hồ Đồng Đa, CTCP Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng đã chấm dứt việc hợp tác kinh doanh kể từ năm 2016.
Ngoài ra, các đơn vị thành viên của Tập đoàn Lã Vọng còn tham gia hợp tác đầu tư tại các dự án như: Dự án Trụ sở làm việc (cơ sở 2) và căn hộ chung cư kết hợp dịch vụ thương mại tại Xa La (Phường Phúc La, Quận Hà Đông, Hà Nội); Dự án Khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ./.