DRH – TTF – KSB: “Lên thảm nhung, xuống cát bụi cùng nhau”?

VietTimes – Có một số câu hỏi cần tiếp tục được giải đáp, là động lực nào đã khiến bộ ba cổ phiếu DRH – TTF – KSB leo giá khủng khiếp đến vậy? Và sự tăng của mỗi cổ phiếu này có tác động gì nhau? Việc đẩy giá giữa chúng, nếu có, sẽ nhằm mục đích gì?...
Ông Võ Trường Thành, người vừa bị miễn nhiệm khỏi chức vụ Chủ tịch HĐQT KSB.
Ông Võ Trường Thành, người vừa bị miễn nhiệm khỏi chức vụ Chủ tịch HĐQT KSB.

Một thông tin đáng chú ý trong phiên giao dịch hôm nay (20/7), đó là việc CTCP Khoáng sản Bình Dương (HSX: KSB) đã bất ngờ miễn nhiệm ông Võ Trường Thành thôi giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT và không còn là thành viên HĐQT Công ty kể từ ngày 20/7/2016 theo biên bản họp HĐQT số 07/2016/HĐQT diễn ra cùng ngày.

Đáng nói, ông Võ Trường Thành mới chỉ tham gia HĐQT KSB từ ĐHCĐ thường niên diễn ra vào tháng 4 vừa qua. Và cách đây ít ngày, ông Thành cũng đã bán toàn bộ 600 nghìn cổ phiếu KSB và không còn là cổ đông của công ty.

Việc bổ nhiệm và rồi lại miễn nhiệm chức danh đó một cách nhanh chóng như trong trường hợp của ông Thành, trên HSX thực ra là không hiếm. Nhưng quyết định “gấp” vừa rồi của KSB lại mang theo nhiều thông điệp trong lúc này.

Nên biết, mã chứng khoán này vừa nện sàn trong phiên trước đó 19/7, và kết thúc đợt 1 của phiên giao dịch sáng nay 20/7, KSB vẫn tiếp tục nện sàn. Xa hơn nữa thì KSB đã rớt sàn và sạt sàn tới 5 trong 7 phiên gần nhất. Nhưng trước đó, kể từ thượng tuần tháng 2/2016, mã chứng khoán này đã trải qua một giai đoạn tăng vũ bão. Mạnh và vững!

Trở lại phiên hôm qua 19/7, đầu giờ sáng thị trường đón nhận một tin khá sốc, liên quan đến CTCP Tập đoàn kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (HSX: TTF). Lưu ý, Chủ tịch KSB Võ Trường Thành chính là người sáng nghiệp TTF, và đồng thời đang đảm nhận cương vị Chủ tịch HĐQT, theo nghĩa “ông chủ” thực sự của doanh nghiệp ngành gỗ này.

Theo đó, CTCP Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát (thuộc Vingroup) đã quyết định tạm dừng việc chuyển đổi khoản vay giá trị 1.201,9 tỷ đồng tại TTF. Trước đó, ngày 15/04/ 2016, Đại hội đồng cổ đông của Gỗ Trường Thành đã thông qua việc phát hành 69,7 triệu cổ phiếu cho Tân Liên Phát để hoán đổi với khoản vay trên.

“Tuy nhiên trong quá trình thẩm tra và đánh giá hoạt động kinh doanh của Gỗ Trường Thành, Tân Liên Phát đã phát hiện một số sai lệch nghiêm trọng giữa thông tin, số liệu thực tế so với thông tin, số liệu đã được TTF công bố. Công ty sẽ làm rõ các sai lệch này và sẽ có thông báo cách thức xử lý vào thời điểm thích hợp”, thông tin từ Vingroup đã gây hại cho không chỉ TTF.

Với động thái miễn nhiệm ông Võ Trường Thành được phát đi sáng nay và cách đó ít giờ là những công bố lạc quan về kết quả hoạt động kinh doanh, có vẻ như KSB đang muốn tìm cách chặn lại khủng hoảng.

Thực tế là, sau khi quyết định miễn nhiệm ông Thành được loan đi, đà rơi của KSB đã phần nào được phanh lại.

Ông Thành từng thổ lộ: “Giữa tôi và KSB có quen biết từ lâu trên cơ sở bạn bè. Tôi chỉ mới đầu tư khoảng 600 nghìn cổ phần với tư cách cá nhân nhưng KSB vẫn muốn tôi tham gia vào thành viên HĐQT. Hai công ty không có mâu thuẫn lợi ích nhau nhưng tôi vẫn toàn tâm toàn ý cho công ty TTF, cho dù có còn là Chủ tịch HĐQT nữa hay không”.

Tuy nhiên, mối liên hệ giữa ông Thành, TTF và KSB có phải chỉ đơn thuần như vậy.

Bạn đồng hành

Trên nhiều diễn đàn chứng khoán thời gian qua đang dấy lên câu hỏi về sợi dây liên hệ giữa TTF, KSB và đặc biệt là DRH. Diễn biến thực tế trên thị trường chứng khoán phiên hôm qua 19/7 càng củng cố thêm cơ sở.

Theo đó, khi thông tin bất lợi về TTF loang đi, đáng nói là không chỉ riêng TTF nện sàn, KSB và DRH cũng đóng cửa trong màu trứng cuốc. Tương tự là buổi sáng nay, kết thúc đợt 1, cả 3 mã cùng chung cảnh ngộ: giảm cực đại. Và đóng phiên 20/7, cả ba lại tiếp tục giảm sàn.

Diễn biến cổ phiếu TTF một năm qua.

TTF – DRH – KSB cũng là những mã tăng mãnh liệt nhất trên HOSE trong một năm trở lại đây. Trong đó, TTF tăng sớm nhất, bắt đầu từ thượng tuần tháng 6/2015. Với khởi điểm quanh quẩn mệnh giá, TTF đã vươn hơn 4 lần, lập đỉnh 43.600 đồng/cp vào ngày 18/7/2016. Khối lượng thanh khoản trung bình của TTF trong giai đoạn này là 821 nghìn đơn vị/phiên.

Kết thúc năm 2015, lợi nhuận sau thuế cổ đông Công ty mẹ DRH chỉ là 14,55 tỷ đồng, EPS đạt 791 đồng. Nếu xem xét trên định giá cơ bản thường được các NĐT sử dụng là P/E thì với mức giá 77.500 đồng/CP, chỉ số P/E của DRH gần 98 lần.

Năm 2016, DRH đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế 67 tỷ đồng, sau khi tăng vốn lên 490 tỷ đồng. Tương ứng EPS dự kiến của DRH trong năm 2016 là 1.367 đồng, tính ra P/E là 56 lần – cao hơn rất nhiều P/E của cổ phiếu một số doanh nghiệp bất động sản đã có kinh nghiệm đầu tư, triển khai dự án bất động sản và được các NĐT quan tâm như DXG với P/E  dự kiến cũng chỉ hơn 8 lần; BCI hơn 17,7 lần; KDH 9,7 lần…

DRH thì như đã đề cập, mã này đã tăng không tưởng kể từ cuối năm 2015, sau sự xuất hiện của tân Tổng Giám đốc Phan Tấn Đạt và cuộc thoái vốn triệt để của gia đình ông Đặng Đức Thành, dù về mặt danh nghĩa ông Thành vẫn là Chủ tịch HĐQT DRH. Thị giá xấp xỉ 80 nghìn đồng/cổ phiếu hiện nay của cổ phiếu DRH bị nhiều nhà đầu tư và nhà phân tích chứng khoán cho là phi lý.

So với DRH và TTF thì KSB là doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tích cực và triển vọng hơn hẳn. KSB cũng là mã tăng muộn nhất và với sức tăng cũng là hạn chế nhất so với 2 mã còn lại. KSB chính thức bước vào dây tăng từ tháng 2/2016, xuất phát ở khu vực 34.000 đồng/cp. Sau 5 tháng, đến ngày 8/7/2016, KSB đạt đỉnh ở 94.000 đồng/cp, tăng 3 lần.

Thay thế

Cuối tháng 3/2016, khi đồ thị tăng giá gây sốc của cả DRH, KSB và TTF đều đang trong thế “thang nghỉ”, DRH bất ngờ tuyên bố, đã mua 2.340.000 cp KSB (tương đương 10% vốn) và chính thức trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp khoáng sản này. Theo tính toán, số tiền mà DRH phải chi cho thương vụ là ngót 100 tỷ đồng.

Đáng chú ý, cũng trong thời gian này, DRH cũng tiến hành chào bán riêng lẻ 30,6 triệu cổ phiếu cho 25 nhà đầu tư trong nước để tăng vốn lên 490 tỷ đồng. Theo công bố của DRH, đợt chào bán hoàn thành vào ngày 06/04/2016, qua đó, giúp công ty thu về 336,6 tỷ đồng.

Trước đó 02 ngày, ngày 04/04/2016 những thay đổi thượng tầng ở KSB cũng rục rịch diễn ra. Công ty này miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT của bà Nguyễn Thị Thanh Lương, miễn nhiệm chức vụ Trưởng Ban Kiểm soát của ông Chu Thế Hoàng và thống nhất bổ nhiệm ông Võ Trường Thành giữ chức vụ Thành viên HĐQT.

Kế đó, ngày 7/4/2016, KSB tiếp tục miễn nhiệm ông Trần Thiện Thể và bổ nhiệm ông Ngô Thanh Tùng thay giữ chức vụ Thành viên HĐQT. Ngày 11/04, KSB lại miễn nhiệm ông Trương Hữu Quyến và bổ nhiệm ông Phan Tấn Đạt thay giữ cương vị Thành viên HĐQT.

Diễn biến cổ phiếu KSB 02 năm qua.

Tất cả các thay đổi trên đều diễn ra ngay trước ĐHĐCĐ thường niên 2016 của KSB, tổ chức ngày 26/04/2016. Tại đại hội này, ông Võ Trường Thành được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT KSB; Ông Nguyễn Quốc Phòng được bầu bổ sung vào Ban Kiểm soát và sau đó được bầu giữ chức Trưởng Ban Kiểm soát KSB.

Sau đại hội trên, DRH tiếp tục gia tăng sở hữu tại KSB. Mua thỏa thuận 1,175 triệu cổ phiếu KSB và nâng sở hữu lên 15% vào ngày 30/5/2016. Từ 29/06 - 01/07, DRH lại mua thêm 1,217 triệu cổ phiếu KSB nữa theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận, để nâng tỷ lệ sở hữu tại KSB lên 20,2% (4,727 triệu cổ phiếu).

Những vị trí điều hành chủ chốt, đặc biệt là các vị trí quản lý, nắm giữ sổ sách tài chính của KSB cũng nhanh chóng được “thay máu” sau sự xuất hiện của DRH.

Đầu tiên, đó là sự xuất hiện của ông Ngô Trọng Nghĩa ở vị trí Phó TGĐ. Kế toán trưởng Lục Thanh Sang được điều sang giữ chức vụ Phó Giám đốc tài chính, phụ tá cho một người mới giữ vị trí Giám đốc tài chính là ông Võ Đình Long. Còn người thay ông Sang ở vị trí Kế toán trưởng là ông Quách Chánh Đại Thanh Tâm, cũng là một người mới.

Vậy những người mới ở KSB có mối liên hệ gì với DRH?

Sợi dây liên hệ

Theo tìm hiểu của VietTimes, tân Trưởng Ban Kiểm soát KSB Nguyễn Quốc Phòng là một trong 25 cái tên cổ đông mới sau đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ của CTCP Đầu tư Căn Nhà Mơ Ước. Trong đó, ông Phòng được phân phối 1,0 triệu cổ phiếu DRH.

Tân thành viên HĐQT KSB, Ngô Thanh Tùng không sở hữu cổ phiếu DRH. Nhưng vợ ông, bà Nguyễn Thị Bích Vân, cũng là cái tên được phân phối 1,8 triệu cổ phiếu.

Con gái ông Võ Trường Thành, Chủ tịch HĐQT TFF và cũng là người vừa bị miễn nhiệm khỏi chức vụ Chủ tịch HĐQT KSB hiện cũng là một lãnh đạo trọng yếu trong DRH. Đó là bà Võ Diệp Cẩm Vân, Thành viên HĐQT DRH.

Bên cạnh đó, các cái tên khác trong danh sách phát hành cổ phiếu riêng lẻ cũng mang đến nhiều hình dung.

Có thể kể đến như ông Lại Minh Hậu, người được phân phối 1,8 triệu cổ phiếu DRH. Được biết, ông Hậu chính là cá nhân đã chuyển nhượng lại dự án Khu căn hộ cao tầng 277 Bến Bình Đông cho DRH. Theo công bố, DRH sẽ hoàn tất các thủ tục pháp lý, chuyển nhượng của dự án này vào Quý 3/2016, và tiến hành khởi công trong Quý 3, bán hàng từ Quý 4/2016 và bàn giao căn hộ vào Quý 3/2018.

Ông Phan Tấn Đạt và "sếp" cũ, ông Tôn Thất Diên Khoa (ảnh nhỏ).

Hay như ông Tôn Thất Diên Khoa, người được phân phối 600.000 cổ phiếu DRH. Theo tìm hiểu của VietTimes, ông Diên Khoa chính là “sếp” cũ của Tổng giám đốc DRH Phan Tấn Đạt, từ thời ở Ngân hàng Eximbank. Hiện, ông Khoa vẫn là Giám đốc đầu tư tài chính của Eximbank, chức vụ mà ông đã đảm nhận từ tháng 7/2006. Ngoài ra, ông Khoa cũng giữ cương vị lãnh đạo tại một số doanh nghiệp và công ty chứng khoán khác.

Còn ông Đạt, một doanh nhân sinh năm 1984. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông Đạt vào công tác tại Eximbank, với vai trò chuyên viên đầu tư tài chính, từ năm 2006 – 2009. Từ năm 2009 – 2014, ông Đạt là Phó Giám đốc đầu tư tài chính của Eximbank, phụ tá thuộc quyền của Giám đốc Tôn Thất Diên Khoa.

Có một số câu hỏi cần tiếp tục được giải đáp, là động lực nào đã khiến bộ ba cổ phiếu DRH – TTF – KSB leo giá khủng khiếp đến vậy? Và sự tăng của mỗi cổ phiếu này có tác động gì nhau? Việc đẩy giá giữa chúng, nếu có, sẽ nhằm mục đích gì?...

Đón đọc kỳ tới.

Ninh Giang – Hoàng Nguyên