Tướng Anthony Zinni, cựu chỉ huy Bộ tư lệnh trung tâm của Mỹ, không loại trừ rằng sự leo thang của cuộc xung đột này có thể biến thành chiến tranh toàn diện.
Saudi Arabia và một số các nước khác trong khu vực đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran, điều đó không chỉ làm trầm trọng thêm các mối quan hệ song phương mà còn gây nhiều khó khăn cho quá trình giải quyết các vấn đề khác trong khu vực ở Yemen, Iraq và Syria. Một trong những tác động tiêu cực của cuộc xung đột này là việc huy bỏ cuộc đàm phán của Chính phủ Bashar Assad với phe đối lập ôn hòa của Syria như dự định phải tiến hành vào ngày 25/1 tại Geneva.
Các chuyên gia đều cho rằng, trong bối cảnh không thuận lợi, tình hình rất "mong manh". Trong khi đó, các sự kiện đang phát triển nhanh hơn so với dự đoán. Trong khu vực này, các điểm nóng đều dễ bùng nổ xung đột. Và chắc chắn điều đó sẽ ảnh hưởng không chỉ đến sự ổn định ở khu vực Trung Đông mà còn đến vấn đề người tị nạn.
Một điểm nóng nữa đã xuất hiện đột ngột ở châu Á. Ngày 6/1 (chỉ hai ngày trước sinh nhật của ông Kim Jong Un), Triều Tiên tuyên bố đã thử nghiệm thành công một quả bom nhiệt hạch. Mặc dù dữ liệu về quả bom "nhiệt hạch" chưa có thông tin kiểm chứng, nhưng, một số chính phủ và cộng đồng quốc tế đã lên án mạnh mẽ hành động của Bình Nhưỡng. Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc phòng và an ninh thuộc Hội đồng Liên bang Nga Franz Klintsevich nói rằng, hành động này của Bình Nhưỡng làm phức tạp tình hình thế giới và tình hình trên bán đảo Triều Tiên, và do đó vấn đề thảo ra một khái niệm mới về an ninh quốc tế trở thành nhiệm vụ cấp thiết hơn bao giờ hết.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố rằng, cuộc thử nghiệm là "một mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh" của Nhật Bản. Hàn Quốc hứa sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để trừng phạt Bắc Triều Tiên. Trung Quốc cũng phẫn nộ trước vụ thử nghiệm này, bởi vì hành động của Bình Nhưỡng có thể phá hoại kế hoạch của Bắc Kinh dẫn dắt quá trình khôi phục cuộc đàm phán đa phương về giải quyết vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên đổi lấy sự bảo đảm an ninh và viện trợ kinh tế cho Bình Nhưỡng.
Chuyên gia Sergei Karaganov, Trưởng Khoa Kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế của Học viện Kinh tế cao cấp, Chủ tịch danh dự Ban đối ngoại và chính sách quốc phòng LB Nga, nhận định: "Liệu có xảy ra Thế chiến III? Nếu tôi không cống hiến 10 năm cho việc nghiên cứu vũ khí hạt nhân và vấn đề ngăn chặn quá trình phổ biến vũ khí hạt nhân, thì tôi sẽ trả lời: "Vâng, sẽ có thế chiến mới". Các sự kiện trong năm 2014 và năm 2015 làm chúng ta có cảm giác rằng sắp có chiến tranh thế giới mới. Bầu không khí lại một lần nữa nặng mùi chiến tranh. Các quốc gia cáo buộc nhau về việc thực thi chính sách hiếu chiến.
Nhưng tôi nghĩ rằng, chúng ta sẽ không sa vào một cuộc chiến tranh lớn, và sẽ tiếp tục sống trong một thế giới với những thách thức ngày càng phức tạp. Cần phải thường xuyên nhắc nhở với thế giới về nguy cơ chiến tranh. Mặc dù các mối đe dọa ngày càng tăng, nhưng, chắc là chúng ta sẽ không để nó xảy ra. Mặc dù vẫn có nguy cơ sa vào chiến tranh…Đây là lần đầu tiên trong lịch sử loài người khi các sự kiện tầm cỡ phát triển quá nhanh".
Hiện nay, ngân sách quân sự của nhiều nước không ngừng gia tăng, các quốc gia hàng đầu đang tích cực xây dựng lực lượng vũ trang của mình, và đang tham gia vào chiến sự. Trong khi đó, mâu thuẫn giữa các nước trở thành trầm trọng hơn. Một tình huống tương tự đã được quan sát trước Thế chiến I, mà chất xúc tác dẫn đến chiến tranh là một sự kiện không đáng kể từ quan điểm lịch sử - vụ ám sát Thái tử Áo Franz Ferdinand. Khi đó, chỉ trong 6 tháng giao tranh đã có một triệu người thiệt mạng. Bây giờ, có tính đến sự tồn tại của vũ khí hạt nhân, con số này có thể tăng vọt trong vòng vài giờ.
Theo Spunik