"Cuộc chiến siêu âm" Vùng Vịnh và bước ngoặt chiến tranh hiện đại

Ngày 16/1/1991, chiến dịch quân sự Bão táp sa mạc (Desert Storm) bắt đầu với sự tham gia của hơn 30 nước dưới sự chuẩn thuận của LHQ. Bão táp sa mạc đã kết thúc thành công 6 tuần sau khi mở màn. Không lực đã đóng vai trò quan trọng nhất trong chiến thắng này.
Chiến dịch Bão táp sa mạc 1991: Các máy bay liên quân bay trên các mỏ dầu đang cháy ở Kuwait (Globallookpress)
Chiến dịch Bão táp sa mạc 1991: Các máy bay liên quân bay trên các mỏ dầu đang cháy ở Kuwait (Globallookpress)

Màn dạo đầu

Iraq vào nửa sau thế kỷ ХХ là một láng giềng rất bất ổn của các nước Arab. Trong thập kỷ 1970, lợi dụng đường biên giới chưa được xác định, Tổng thống Iraq Saddam Hussein đã bắt đầu đưa ra các yêu sách lãnh thổ đối với Iran. Đồng thời, ông ta tìm mọi cách ủng hộ các lực lượng ly khai ở Iran. Iran đáp trả một cách đối xứng khi kích động người Kurd ở Iraq nổi dậy.

Thời điểm bắt đầu các hành động cương quyết đã đến khi cách mạng Hồi giáo thành công ỏ Iran. Saddam Hussein có cái cớ rất tốt để phát động chiến tranh vì người Iran với mưu toan thúc đẩy cách mạng Hồi giáo toàn thế giới đã bắt đầu phái sang Iraq các toán biệt kích Shi’ite. và thậm chí suýt giết chết Thủ tướng Iraq, ông Tareq Aziz.

Tháng 9/1980, quân Iraq tiến về hướng Tehran. Trong hai năm, thắng lợi đứng về phía Iraq. Sau đó là 6 năm giao tranh ngang ngửa làm tàn tạ kinh tế của hai nước. Hai năm sau đó, quân Iran đánh đuổi quân Iraq về nước. Và rất có thể Giáo chủ Khomeini đã có thể ăn mừng chiến thắng ở Baghdad nếu như không quân trên hạm của Mỹ không can thiệp. Họ đã giáng đòn chí mạng vào quân Iran và ngăn chặn được “sự lan tràn của cách mạng Hồi giáo”. Tức là, hồi đó, Saddam đã được xem là đồng minh của Washington.

Saddam vi phạm điều cấm kỵ

Saddam Hussein (KEYSTONE Pictures USA/ZUMAPRESS.com/ Globallookpress)
Saddam Hussein (KEYSTONE Pictures USA/ZUMAPRESS.com/ Globallookpress)

Tất cả đã thay đổi vào năm 1990. Iraq mắc nợ các nước Arab gần 100 tỷ USD do cuộc chiến hao người tốn của, đã tìm cách giải quyết vấn đề này một cách dễ dàng. Kuwait là chủ khoản nợ 14 tỷ USD của cho Iraq nay bị Saddam Hussein đưa ra tối hậu thư trả 14 tỷ USD vì lấy trộm dầu mỏ ở dải đất ven biên giới và 2,5 tỷ USD nữa để bồi thường tổn hại tinh thần. Dĩ nhiên là Iraq đưa ra cả các yêu sách lãnh thổ.

Quốc vương Kuwait Jaber Al-Ahmad Al-Sabah từ chối trả tiền. Thế là ngày 2/8/1990, quân Iraq tiến quân về thành phố Kuwait. Lần này, họ gần như không gặp sự kháng cự nào. Và Iraq rất nhanh tuyên bố Kuwait là một tỉnh của mình.

LHQ lập tức thông qua nghị quyết đòi Iraq chấm dứt xâm lược và rút quân, sau đó đã cho phép tiến hành chiến dịch giải phóng quốc gia bị Iraq chiếm đóng.

Kẻ xúi giục, cầm đầu và tuyên truyền cho chiến dịch quân sự giải phóng Kuwait có mật danh Bão táp sa mạc là Mỹ. Ở đây, Mỹ có cả lợi thế đạo đức lẫn âm mưu nham hiểm. Vấn đề là Iraq sau khi chiếm được Kuwait đã nắm giữ 1/5 nguồn dầu mỏ thế giới. Và do đó, họ có thể ảnh hưởng lớn đến luật chơi trên thị trường dầu mỏ. Mỹ không thể nào cho phép Saddam làm được điều đó.

Lực lượng của các bên

Dự kiến tiến hành chiến dịch thành 2 giai đoạn mà không xác định rõ ràng độ dài từng giai đoạn. Ở giai đoạn đầu, giai đoạn sử dụng không lực, trù tính sử dụng các đòn không kích ồ ạt để tiêu diệt hoặc ít nhất là vô hiệu hóa các phương tiện phòng không, gây tổn thất không thể bù đắp cho các mục tiêu then chốt của hạ tầng quân sự và quân đội, làm tê liệt hệ thống chỉ huy quân đội và điều hành nhà nước.

Ở giai đoạn 2 diễn ra trên mặt đất, lục quân và thủy quân lục chiến với sự yểm trợ của không quân cường kích và không quân ném bom phải đánh bồi, hạ gục kẻ thù đã tổn thất nặng nề.

Các lực lượng đa quốc gia với sự tham gia của quân đội các nước NATO, phần lớn là Mỹ, cũng như nhiều nước Arab và Đông Âu đã bắt đầu huy động, tập hợp sức mạnh đột kích. Họ đã sử dụng hàng chục căn cứ không quân và cả các sân bay dân sự ở Cận Đông để triển khai máy bay. Mấy tàu sân bay đã được huy động tới khu vực. Liên quân đã điều đến 55.000 người thuộc đội ngũ phi công-kỹ thuật của Không quân Mỹ và bố trí họ cùng với máy móc, trang bị, đạn dược và các quân cụ đi kèm trong 5.000 tòa nhà dựng lên khẩn cấp. Đã triển khai 16 bệnh viện, trải hơn 160.000 km2 bê tông.

Tương quan lực lượng hai bên:

Chỉ số
Liên quân
Iraq
Sư đoàn/binh sĩ, người:
16/800.000 40/500.000
Xe tăng, chiếc: 4.000 4.000
Pháo, cối, khẩu: 3.700 5.000
Trực thăng, chiếc:
2.000 489
Máy bay, chiếc: 200 711
Hạm tàu, chiếc: 170 Không rõ

Máy bay liên quân bay trên bầu trời Iraq, ngày 2/2/1991 (wikipedia)
Máy bay liên quân bay trên bầu trời Iraq, ngày 2/2/1991 (wikipedia)

Iraq đã thua thảm trên không và điều đó cũng đã quyết định trước kết cục cuộc chiến. Trong thực tế, sự thua bại về mặt không lực cao hơn nhiều nếu so sánh chất lượng vũ khí trang bị. Liên quân đã sử dụng trước hết là lực lượng máy bay tối tân mà đội máy bay già nua của Iraq không đủ sức chống chọi. Không quân Iraq là một thứ hổ lốn với các loại máy bay Liên Xô Tu-26, Su-20, Su-22, Su-25, MiG-21, MiG-25 và các máy bay Mirage thuộc các đời đầu của Pháp.

Liên quân tung ra chống Không quân Iraq các lực lượng tiến công sau đây:

- Tiêm kích-bom F-16 (244 chiếc); F-15Е (48 chiếc); F-111 (82 chiếc); F/A-18 (169 chiếc).

- Tiêm kích đánh chặn F-15С (120 chiếc); F-14 (99 chiếc).

- Máy bay tiến công tàng hình F-117 (42 chiếc);

- Máy bay ném bom chiến lược В-52 (66 chiếc);

- Cường kích: А-10 (132 chiếc); А-6Е (115 chiếc); А-7 (24 chiếc).

Và đó mới chỉ là các máy bay của Không quân và Hải quân Mỹ. Anh và Pháp cũng tung vào cuộc chiến mấy trăm chiếc Mirage, Jaguar và Torndo. Một phần đáng kể lực lượng không quân được huy động thuộc về lực lượng bảo đảm là các máy bay tiếp dầu, tác chiến điện tử, vận tải.

Chiến dịch không kích bắt đầu ngày 16/1/1991 và kéo dài 38 ngày. Trong khoảng thời gian này, lực lượng liên quân đã tiến hành gần 30.000 phi xuất. Các mục tiêu không kích chính là lực lượng quân đội Iraq ở tuyến 1 và tuyến 2, các tuyến đường giao thông, bệ phóng tên lửa chiến dịch-chiến thuật, các trận địa pháo, lực lượng dự bị, kho tàng đạn dược và vật tư vật chất-kỹ thuật, các cơ sở quân sự và công nghiệp quốc phòng, các đầu mối điều hành nhà nước và sở chỉ huy quân đội. Ngoài ra, còn có một bộ phận đáng kể máy bay Iraq bị tiêu diệt trên các sân bay. Hơn 100 máy bay đã bay trốn sang Iran.

Xe tăng Iraq bị vứt bỏ lại trên đường nhựa tại khu vực thành phố Kuwait sau chiến dịch Bão táp sa mạc (wikipedia)
Xe tăng Iraq bị vứt bỏ lại trên đường nhựa tại khu vực thành phố Kuwait sau chiến dịch Bão táp sa mạc (wikipedia)

Kết quả đạt được

Chiến dịch mặt đất tiến hành dưới sự yểm trợ của không quân chiến thuật chỉ kéo dài 4 ngày vì thực chất là chẳng còn ai để mà đánh, chính xác hơn là chẳng còn gì để mà đánh. khi phần lớn vũ khí trang bị của Iraq đã bị oanh tạc tan tành. Lúc 8 giờ 00, ngày 28/2/1991, quân đội Iraq ngừng kháng cự.

Iraq đã rút khỏi Kuwait và chấp hành tất cả các nghị quyết của LHQ. Nỗ lực kiếm dễ dàng khoản tiền 16,5 tỷ USD đã kết thúc thất bại. Ngoài thua trận, Iraq còn chịu trừng phạt quốc tế mà trừng phạt đau đớn nhất là hạn chế bán dầu mỏ.

Tổn thất của hai bên trong cuộc chiến chóng vánh này như sau.

Iraq:
- 9.000 người chết;

- 17.000 người bị thương;

- 150.000 người đào ngũ;

- 3.800 xe tăng;

- 1.400 xe bọc thép chở quân;

- 2.900 khẩu pháo;

- 360 máy bay;

- phá hủy 85% xí nghiệp công nghiệp;

- trong số 820 giếng dầu, chỉ còn lại 58.
Liên quân:

- 300 người chết;

- 600 người bị thương;

- 4 xe tăng;

- 1 xe bọc thép chở quân;

- 9 khẩu pháo;

- 69 máy bay;

- 28 trực thăng. 

Theo VND