Ngày 3/2, tên lửa SpaceX Falcon 9 phóng lên không gian 49 vệ tinh Internet từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy, bang Florida. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau SpaceX thông báo hầu hết số vệ tinh sẽ rơi khỏi quỹ đạo, do ảnh hưởng của bão từ.
SpaceX thông báo rằng một cơn bão điện từ đã có tác động nghiêm trọng đến các vệ tinh. Theo đó “hơn 40 vệ tinh đã và sắp sửa quay trở lại khí quyển Trái Đất”, công ty vũ trụ viết trên trang chủ. Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ định nghĩa các cơn bão điện từ là các giai đoạn "biến đổi từ trường nhanh chóng" thường gây ra bởi một đợt gió Mặt Trời.
Những cơn bão này có thể tác động xấu cho các thiết bị điện tử và vệ tinh trên quỹ đạo. Trong trường hợp này, cơn bão đã làm ấm bầu khí quyển và gây ra lực cản, ma sát tác động lên chuyển động của vệ tinh. Điều này làm cho sức cản của khí quyển tăng 50% so với những lần phóng Starlink trước đây, "hạ gục" hơn 40 vệ tinh nhân tạo.
SpaceX giải thích rằng nhóm Starlink đã cố gắng triển khai chế độ an toàn nhằm giảm thiểu tối đa lực cản. Tuy nhiên, điều kiện thực tế khắc nghiệt đã không cho phép các vệ tinh sử dụng chế độ này.
SpaceX cho biết, các vệ tinh quay quanh quỹ đạo sẽ hoàn toàn bốc cháy khi chúng quay trở lại bầu khí quyển và sẽ không tạo ra các mảnh vỡ quỹ đạo. Công ty viết trong một thông báo: “Tình huống bất ngờ này cho thấy đội Starlink đã rất nỗ lực để vận hành hệ thống để giảm thiểu tối đa các mảnh vỡ từ vệ tinh".
SpaceX đã phóng thành công hơn 2.000 vệ tinh Starlink tính đến tháng 1 năm nay. Nếu Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) cho phép công ty vận hành hệ thống thứ hai gồm khoảng 30.000 vệ tinh, SpaceX sẽ trở thành nhà cung cấp dịch vụ vệ tinh lớn nhất thế giới với vùng phủ sóng toàn cầu.
Trong khi Starlink đang hướng tới các khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa, nơi có ít kết nối nhất, các nhà khoa học tại Zwicky Transient Facility lại đang lo ngại những vệ tinh này gây trở ngại cho việc quan sát các hành tinh. Điều này thậm chí còn tồi tệ hơn cả ô nhiễm ánh sáng, nhóm nhà khoa học cho biết.
Liên đoàn Thiên văn Quốc tế (UAI) vừa thành lập một Trung tâm Bảo vệ Bầu trời khỏi tác động của các chòm vệ tinh vào 2/2 vừa qua. Vấn đề chính là các kính thiên văn sẽ dễ dàng thu phải ánh sáng phản chiếu bởi các chòm sao vệ tinh này, điều này gây khó khăn cho việc quan sát phần còn lại của vũ trụ.
Ngay sau đó, SpaceX đã thêm "tấm che nắng" vào các vệ tinh Starlink của mình vào năm 2020 nhưng chúng chỉ mờ đi chứ không biến mất khi quan sát bằng kính thiên văn học.
Theo Engadget