Tập đoàn của nữ doanh nhân Lê Thị Thúy Ngà cho thấy họ vẫn 'sống khỏe', bất chấp cuộc khủng hoảng đang càn quét khắp chốn, đẩy thị trường nhà đất và cả nền kinh tế trước thử thách khốc liệt.
Bằng chứng là CTCP Tập đoàn Nam Cường Hà Nội - pháp nhân lõi của Nam Cường Group - vẫn đều đặn báo lãi nghìn tỉ mỗi năm. Như thông tin vừa được chính tập đoàn này cập nhật, năm 2022, họ lãi ròng 1.168,1 tỉ đồng.
Một năm trước - năm 2021, mức lãi còn ấn tượng hơn: 1.644,6 tỉ đồng. Các năm trước nữa, Nam Cường Group cũng lãi.
Điểm khác biệt căn cốt giữa Nam Cường Group với phần đông thị trường lúc này còn đến từ trạng thái tài chính. Khi hầu hết ông lớn "ngộp" dần trong gánh nặng nợ vay thì tập đoàn được gây dựng bởi cố doanh nhân Trần Văn Cường lại tương đối dễ thở. Tỷ lệ đòn bẩy của họ rất thấp.
Tính đến này 31/12/2022, tổng tài sản của Nam Cường Group đạt hơn 11.000 tỉ đồng, nhưng trong đó, vốn chủ sở hữu là 7.693,1 tỉ đồng, tăng 11,5% so với đầu năm. Nợ phải chỉ là 3.309,6 tỉ đồng, với dư nợ trái phiếu ở mức 338,5 tỉ đồng.
Chất lượng tài sản và trạng thái tài chính ấy là niềm mơ ước với nhiều 'đại gia' lúc này.
Nam Cường Group lớn cỡ nào?
Như VietTimes từng đề cập, Nam Cường Group tiền thân là Tổ hợp dịch vụ Vận tải vật tư nông nghiệp & xây dựng Xuân Thủy, được thành lập từ năm 1984, dưới dự lãnh đạo của cố Chủ tịch Trần Văn Cường và đương nhiệm Chủ tịch Lê Thị Thuý Ngà (SN 1966, phu nhân của ông Cường).
Tham gia thị trường địa ốc từ sớm, Nam Cường Group cung cấp đa dạng loại hình bất động sản từ khu đô thị, văn phòng, căn hộ cao cấp, khách sạn, resort… nắm trong tay quỹ đất lên tới cả nghìn ha từ Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định đến Hải Dương.
Các dự án tiêu biểu của tập đoàn có thể kể đến như: Khu đô thị mới Dương Nội, Cổ Nhuế tại TP. Hà Nội; Khu đô thị mới Hoà Vượng, Thống Nhất, Mỹ Trung tại TP. Nam Định; Khu đô thị phía Đông, Khu đô thị phía Tây tại TP. Hải Dương và hệ thống khách sạn Nam Cường tại các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Hà Nội, Kiên Giang…
Nên biết, quỹ đất khổng lồ mà Nam Cường Group sở hữu được kiến tạo phần lớn qua các dự án BT (đổi đất lấy hạ tầng) mà tập đoàn này đã tích cực tham gia trong quá khứ.
Điển hình như năm 2008, Nam Cường Group đã khởi công xây dựng tuyến đường trục phía Bắc Hà Đông theo hình thức BT. Tuyến đường này dài gần 5,1 km, với tổng mức đầu tư hơn 700 tỉ đồng.
Đổi lại, Nam Cường Group được Hà Nội giao cho khu đất có diện tích hơn 197ha nằm trên trục đường Tố Hữu – Hà Đông để phát triển Khu đô thị Dương Nội. Dự án này có tổng vốn đầu tư hơn 7.600 tỉ đồng, được phát triển với 3 phân khu, hàng loạt tiểu khu cùng nhiều toà nhà chung cư cao cấp.
Đến năm 2009, Nam Cường Group liên danh cùng Tổng công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội (Handico) đầu tư xây dựng dự án đường Lê Văn Lương kéo dài, cũng theo hình thức hợp đồng BT. Dự án này có tổng chiều dài khoảng 2,7 km, tổng mức đầu tư 676 tỉ đồng.
Với việc tham gia dự án này, Nam Cường Group tiếp tục làm giàu quỹ đất với 46,2ha đất đối ứng tại phường Trung Văn, Nam Từ Liêm và phường Nhân Chính, Cầu Giấy, Hà Nội. Khu đất này sau đó được Nam Cường Group phát triển dự án Khu đô thị Phùng Khoang.
Song song với việc sở hữu nhiều lô đất ở Hà Nội, Nam Cường Group cũng mở rộng mạng lưới với hàng loạt đơn vị thành viên để thực hiện phát triển dự án như CTCP Xây dựng và Thương mại Đông Hải, CTCP Phát triển Hạ tầng Đô thị Evergreen, CTCP Đầu tư và Xây dựng Đô thị, CTCP Dịch vụ Du lịch Nam Cường…
Trên website namcuong.com.vn, tự nhận là của Nam Cường Group, tập đoàn này cho biết đang đầu tư xây dựng Khu đô thị, du lịch sinh thái Đảo Ngọc có quy mô hơn 50,2ha tại Hải Dương và dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Cường hơn 47,7ha, tổng mức đầu tư gần 700 tỉ đồng tại Phường Hải Sơn, Đồ Sơn, Hải Phòng.
Ngoài địa ốc, Nam Cường Group còn đầu tư vào dự án BOT giao thông khi sở hữu 55,5% vốn điều lệ Công ty TNHH BOT Đường 188 – chủ đầu tư dự án BOT đường 188 đoạn An Thái – Mạo Khê (Hải Dương – Quảng Ninh), tổng chiều dài 14,74 km.
Bên cạnh đó, Nam Cường Group còn tham gia hoạt động trong lĩnh vực y tế khi cho ra đời CTCP Bệnh viện Quốc tế Nam Cường. Pháp nhân này được thành lập nhằm đồng bộ về cơ sở hạ tầng xã hội các khu đô thị của tập đoàn./.