Gần đây, hàng trăm người Phi sống ở Quảng Châu, dù không bị nhiễm virus Corona mới nhưng đã bị trục xuất khỏi nhà, cưỡng chế kiểm dịch và tịch thu hộ chiếu. Mỹ tuyên bố rằng người Mỹ gốc Phi ở Quảng Châu cũng bị phân biệt đối xử, các khách sạn không làm ăn với người gốc Phi. Liên minh châu Phi và nhiều nước châu Phi đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về tình hình người gốc Phi ở Quảng Châu và lên án mạnh mẽ sự kì thị và đối xử vô nhân đạo đối với người châu Phi tại địa phương.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc thừa nhận “đã xuất hiện một số tình hình và sự hiểu lầm đã xảy ra khi thực hiện các biện pháp chống dịch”, nói Trung Quốc rất coi trọng và sẽ thúc giục bên liên quan cải thiện cơ chế và phương pháp làm việc; nhấn mạnh Trung Quốc và châu Phi sẽ hỗ trợ lẫn nhau để cùng nhau chống dịch.
Lunde Isidore, doanh nhân người Congo, nói chính quyền đã cho người đến nhà anh ta để cưỡng chế xét nghiệm (Ảnh: BBC)
|
Người châu Phi không nơi cư ngụ
Một số người gốc Phi sống ở Quảng Châu nói với BBC, hàng trăm cư dân và doanh nhân gốc Phi bị phân biệt đối xử tại Quảng Châu, lần lượt bị trục xuất khỏi căn hộ và khách sạn. Một số người nói họ đã bị cưỡng chế cách ly trước khi được xét nghiệm.
Từ đầu tháng 4 trên Internet đã xuất hiện các cảnh quay về người gốc Phi tại Quảng Châu bị buộc rời khỏi nơi ở và sự áp chế họ của cảnh sát địa phương.
Tobenna Victor, một sinh viên Nigeria, cho biết người dân địa phương cáo buộc họ bị nhiễm virus Corona mới: “Chúng tôi đã trả tiền thuê nhà, nhưng sau khi thu tiền, họ đuổi chúng tôi ra ngoài và chúng tôi phải ngủ ngoài đường một đêm”.
Tony Mathias, một sinh viên 24 tuổi người Uganda, bị trục xuất khỏi nơi cư trú, nói: “Tôi đã phải ngủ dưới gầm cầu trong 4 ngày và tôi không ăn gì cả. Tôi không thể mua bất cứ thứ gì để ăn ở bất cứ đâu, không có cửa hiệu hay nhà hàng nào bán cho tôi. Chúng tôi giống như những người ăn xin trên đường phố”.
Lunde Isidore, một doanh nhân người Congo, nói chính quyền đã cho người đến nhà anh ta để kiểm dịch, nói rằng sẽ có kết quả trong một ngày, nhưng sau một ngày không có tin gì.
Đại diện Lãnh sự quán Nigeria tại Quảng Châu tranh cãi với các nhân viên công vụTrung Quốc đòi trả lại hộ chiếu họ đã tịch thu của các công dân nước ông (Ảnh: Đông Phương).
|
Ông Eric Olander, tổng biên tập của China Africa Project (CAP) nói: “Sự giao lưu của Trung Quốc với Châu Phi là vấn đề của chính quyền trung ương, nhưng thực thi pháp luật đối với người nước ngoài là ở cấp địa phương". Ông nói thêm: “Điều này giải thích tại sao có sự không nhất quán, nghĩa là chúng ta đã thấy tin tức lạc quan hơn về trao đổi châu Phi, nhưng các doanh nhân, sinh viên châu Phi và những kiều dân khác ở Trung Quốc lại gặp khó khăn ngày càng tăng trong cuộc sống hàng ngày”.
Một video khác thu hút sự chú ý của cư dân mạng châu Phi và Trung Quốc cho thấy một người được cho là nhân viên lãnh sự quán Nigeria ở Quảng Châu đã tranh cãi với các quan chức thực thi pháp luật Trung Quốc, yêu cầu trả lại nhiều cuốn hộ chiếu bị tịch thu. Ông nói, hộ chiếu Nigeria thuộc về chính phủ Nigeria và không có quốc gia nào có quyền tịch thu nó; yêu cầu được đối xử bình đẳng với họ khi thực hiện chính sách cách ly.
Theo CNN, cả người Trung Quốc lẫn người da trắng ở Quảng Châu đều không bị đối xử như thế, một bộ phận người gốc Phi bị đuổi khỏi nơi cư trú, dường như là quyết định của chủ sở hữu, chứ không phải là sự sắp xếp của chính phủ.
Có khoảng 300.000 người gốc Phi sống ở Quảng Châu. Tại sao cư dân gốc Phi đột nhiên trở thành mục tiêu? Một trong những lý do là Trung Quốc gần đây đã coi trọng điểm phòng chống dịch bệnh là các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, và một lý do khác là một số người gốc Phi đã vi phạm lệnh chống dịch.
Chủ tịch Hạ nghị viện Nigeria Femi Gbajabimila triệu tập Đại sứ Trung Quốc Chu Bình Kiếm đến để phản đối vụ việc người Nigeria bị đối xử không đúng đắn ở Quảng Châu (Ảnh: Đông Phương).
|
Đầu tháng 4, một người Nigeria đã từ chối cách ly sau khi được chẩn đoán bị bệnh và đánh bị thương một nữ y tá tại Bệnh viện Nhân dân Số 8 Quảng Châu. Ngoài ra, 4 người Nigeria đã được chẩn đoán nhiễm bệnh sau khi đến Quảng Châu từ nước ngoài. Họ đã dùng bữa tại một nhà hàng trên đường Khoáng Tuyền ở quận Việt Tú và khoảng 200 người tiếp xúc gần cần phải cách ly.
Những sự việc này đã khiến chính quyền địa phương tăng cường cách ly người gốc Phi và có thể khiến một số chủ nhà lo lắng về nguy cơ lây truyền virus của những người gốc Phi thuê nhà. Trên mạng lan truyền tin đồn về “Sấm sét đen nổ ở Quảng Châu" (ám chỉ người Phi gây ra lây nhiễm cộng đồng quy mô lớn) có thể phong tỏa, nhưng Cục Công an Quảng Châu ngay lập tức phủ nhận những thông tin liên quan là tin đồn và người đàn ông 35 tuổi tung tin đã bị trừng phạt.
Quan hệ Trung Quốc - Châu Phi bị phủ mây đen
Đại sứ quán Mỹ hôm Thứ Bảy đã đưa ra một cảnh báo an ninh có tên “Người Mỹ gốc Phi bị phân biệt đối xử tại Quảng Châu”, nói “cảnh sát địa phương đã ra lệnh cho các quán bar và nhà hàng ngừng phục vụ những khách hàng trông giống người châu Phi” và cũng nói rằng các quan chức địa phương yêu cầu những người có liên hệ với người Phi phải cưỡng chế kiểm dịch và tự cách ly; một số cửa hàng và khách sạn đã từ chối làm ăn với người Mỹ gốc Phi. Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 11/4 đã chỉ trích chính phủ Trung Quốc, nói: “Trung Quốc xuất hiện các hành vi thù địch người châu Phi, đặc biệt là các hành vi đối với công dân người châu Phi là thù địch người nước ngoài”.
Đại sứ Trung Quốc tại Nigeria xem đoạn video ghi cảnh tranh cãi giữa nhân viên Lãnh sự quán nước này tại Quảng Châu và nhân viên công vụ Trung Quốc (Ảnh: Đông Phương).
|
Các quan chức Trung Quốc đã không công khai thừa nhận hay phủ nhận việc có đề xuất hoặc thực hiện các biện pháp mà phía Mỹ nói hay không.
Tình hình của người châu Phi tại Quảng Châu cũng làm dấy lên sự chú ý của Liên minh châu Phi (AU). Chủ tịch Liên minh Moussa Faki, nói rằng ông đã triệu tập Đại sứ Lưu Dự Tích, người đứng đầu phái bộ Trung Quốc tại Liên minh châu Phi, để bày tỏ “sự quan ngại nghiêm trọng”.
Nhiều nước châu Phi đã bày tỏ mối quan ngại với Trung Quốc. Nigeria, Ghana, Sierra Leone, Senegal... đã lần lượt ra tuyên bố hoặc triệu tập các đại sứ Trung Quốc về vụ việc, bày tỏ quan tâm đến quyền và lợi ích của người châu Phi tại Quảng Châu và lên án mạnh mẽ việc người châu Phi bị quấy rối, lăng mạ và phân biệt đối xử. Họ đều cho rằng Trung Quốc cần thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh nghiêm ngặt, nhưng quá trình này không nên mang tính chất kỳ thị.
Ghana đã triệu tập đại sứ Trung Quốc tới. Bộ trưởng ngoại giao Ayorkor Botchway, đã lên án “những sự đối xử vô nhân đạo đối với người Châu Phi tại Quảng Châu” trong một tuyên bố công khai.
Chủ tịch Liên minh Châu Phi Moussa Faki đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc Lưu Dự Tích tới để bày tỏ “sự quan ngại nghiêm trọng” về vụ việc đã xảy ra (Ảnh: creaders.net)
|
Bộ Ngoại giao Kenya cũng tuyên bố “đã xuất hiện hiện tượng vô trách nhiệm đối với người nước ngoài tại Quảng Châu, đặc biệt là nhiều chủ sở hữu Quảng Châu nhắm vào công dân châu Phi”. Tuyên bố cũng chỉ ra rằng chính phủ Kenya đã nhận được phản hồi từ đại sứ quán Trung Quốc ở Nairobi. Phía Trung Quốc nói họ “sẽ hành động ngay lập tức để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân châu Phi”. Nghị sĩ quốc hội Kenya Moses Kuria kêu gọi các công dân Kenya ở Trung Quốc trở về nước.
Chủ tịch Hạ viện Nigeria Femi Gbajabimila đã đăng một đoạn video về cuộc gặp của ông với Đại sứ Trung Quốc Chu Bình Kiếm trên trang mạng xã hội. Femi Gbajabimila cho biết ông rất buồn vì vụ việc và không thể dung thứ việc người Nigeria bị đối xử không đúng đắn ở Trung Quốc. Ông cho Chu Bình Kiếm xem đoạn video về xung đột giữa người Phi và nhân viên thực thi pháp luật địa phương Trung Quốc. Đại sứ Trung Quốc hứa sẽ nghiêm túc xử lý.
Ngoài ra, trang tin Đông Phương (Hồng Kông) ngày 12/4 đưa tin, nhiều đại sứ châu Phi tại Trung Quốc đã trao công hàm cho Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, bày tỏ quan ngại về vụ quấy rối gần đây đối với người châu Phi tại Quảng Châu, nhấn mạnh rằng vụ việc không chỉ gây sự sỉ nhục và kì thị người gốc Phi mà còn khiến thế giới bên ngoài lầm tưởng rằng virus Corona mới có nguồn gốc từ châu Phi; yêu cầu Trung Quốc ngừng ngay việc cưỡng chế xét nghiệm virus, cách ly và các hành vi đối xử vô nhân đạo khác đối với người gốc Phi.
Ngày 9/4, ông Triệu Lập Kiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã trả lời vấn đề này tại cuộc họp báo, nói rằng “chính phủ Trung Quốc đối xử bình đẳng với tất cả người nước ngoài ở Trung Quốc và phản đối mọi cách làm khác biệt nhắm vào các nhóm người cụ thể và không dung thứ đối với những lời nói và hành vi phân biệt đối xử”. Ông nói, “nhiệm vụ cấp bách nhất trong công tác phòng dịch của Trung Quốc lúc này là ngăn chặn (người bệnh) xâm nhập từ nước ngoài và bật lại trong nước. Điều này đòi hỏi sự hiểu biết và hợp tác của người nước ngoài ở Trung Quốc”. Ông cho rằng: “Trong việc thực thi các biện pháp đã xuất hiện một số tình huống và hiểu lầm; Trung Quốc rất coi trọng và sẽ thúc giục bên liên quan cải thiện cơ chế và phương pháp làm việc của họ”.
Ông Dương Nhật Hoa, Phó giám đốc Sở Công an tỉnh Quảng Đông cho rằng hành xử của cơ quan thực thi công vụ Quảng Châu là hoàn toàn đúng đắn (Ảnh: Yangcheng).
|
Tuy nhiên, theo Đông Phương ngày 12/4, ông Dương Nhật Hoa, Phó giám đốc Sở Công an tỉnh Quảng Đông, nhấn mạnh tại một cuộc họp báo vào Chủ nhật 12/4 rằng trong thời gian phòng chống kiểm soát dịch bệnh, người nước ngoài ở tỉnh Quảng Đông cần phải trải qua các biện pháp phòng chống như điều tra, kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm, cách ly điều trị. Người nào từ chối hợp tác hoặc cản trở việc thực hiện nhiệm vụ, cảnh sát sẽ xử phạt theo pháp luật và những người có tình tiết nghiêm trọng thậm chí có thể bị trục xuất hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Mặc dù dịch bệnh hiện nay ở châu Phi không nghiêm trọng như ở châu Âu và Mỹ, nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng một khi dịch bệnh bùng phát, hệ thống y tế địa phương sẽ khó có thể chịu đựng được. Trung Quốc nói đã cung cấp các đội y tế và vật tư cho 18 nước châu Phi. Các chính phủ châu Phi thường hoan nghênh họ. Tuy nhiên, các tổ chức ở Nigeria và Ghana đã phàn nàn về chất lượng của các vật tư do Trung Quốc cung cấp. Chính phủ Trung Quốc nên chủ động khẳng định sự an toàn của vật tư và thuốc Trung Quốc. Hiệp hội Chăm sóc Y tế Nigeria phản đối Trung Quốc gửi bác sĩ đến khu vực địa phương, nói rằng có rất nhiều bác sĩ thất nghiệp ở địa phương có thể tham gia vào công việc điều trị và bác sĩ Trung Quốc không nên chiếm mất công việc của họ.
Xem ra cơn sóng gió ngoại giao Trung Quốc – Châu Phi quanh vụ việc này sẽ không dễ gì bình lặng trở lại.