Hai điểm nóng phát sinh dồn dập bệnh nhân mới
Tại buổi họp, ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết về trường hợp những bệnh nhân theo đạo Hồi bị nhiễm COVID-19 sau khi tham dự lễ thánh tại Malaysia trở về, cần coi là trường hợp nghiêm trọng, đặc biệt chú ý.
“Hiện tại, cơ quan chức năng đã cách ly hơn 700 người theo đạo Hồi đang cư trú ở Quận 8, nhưng vấn đề là đã xác định được 130 người từng tham dự lễ thánh tại Malaysia mà đến giờ vẫn chỉ tiếp cận được 42 người, số còn lại vẫn chưa tìm ra. Đây là một mối nguy lớn cho cộng đồng” – Ông Bỉnh nói.
Trường hợp thứ hai rất “nóng” là quán bar Buddha (quận 2), cho đến hiện tại đã phát hiện được 4 bệnh nhân (số 91, 97, 98 và 120) cùng tham dự buổi tiệc tối 14/3. Giám đốc Sở Y tế khẳng định đây cũng là trường hợp nghiêm trọng cần đặc biệt chú ý.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh liên tục nhấn mạnh về trường hợp công dân theo đạo Hồi ở Quận 8 và các khách tham dự bữa tiệc tại quán bar Buddha quận 2, đề nghị cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường điều tra, rà soát, lấy mẫu xét nghiệm, cách ly các trường hợp tiếp xúc gần với các bệnh nhân đã được phát hiện.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, GĐ Sở Y tế TP HCM (Ảnh: Hiếu Nguyễn)
|
Ông Bỉnh cũng cho biết mới đây cơ quan chức năng đã phát hiện, cách ly thêm 4 trường hợp có nguy cơ cao dương tính với virus Corona, do đã tham dự buổi tiệc tối 14/3 tại quán bar Buddha. Được biết, những người này cư trú ở lầu 15, một chung cư tại Quận 7 và cơ quan chức năng đã khoanh vùng cách ly nguyên lầu 15, yêu cầu toàn bộ cư dân ở trong nhà.
“Tính riêng ngày hôm qua, TP.HCM đã đón khoảng 1.100 hành khách nhập cảnh trên 27 chuyến bay. Tất cả đều đã được phân luồng, đưa về các điểm cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Tuy nhiên, lấy mẫu xét nghiệm ngay lúc vừa hạ cánh xuống sân bay dù có kết quả âm tính cũng chỉ là bước đầu thôi. Người di chuyển đi lại có thể đã nhiễm khi ở nước ngoài, có thể nhiễm trên chuyến bay, và sau 14 ngày hoặc thậm chí lâu hơn nữa vẫn có thể dương tính. Như trường hợp cư dân theo đạo Hồi đã sang Malaysia dự lễ thánh, ông này về Việt Nam ngày 3/3 mà đến ngày 18/3 mẫu xét nghiệm của ông ta mới dương tính. Như thế là hơn 14 ngày rồi” – Ông Bỉnh bày tỏ.
Vừa căng thẳng lo gánh nặng điều phối cách ly, xét nghiệm cho người Việt về từ các chuyến bay vẫn chưa có dấu hiệu ít đi, vừa phải lo đi lấp “lỗ hổng” khi một lượng lớn người nhập cảnh về nước từ trước đó mang lại nguy cơ lớn lây lan dịch bệnh trong cộng đồng như các bệnh nhân theo đạo Hồi và các bệnh nhân đã đến quán bar Buddha (Quận 2), ông Nguyễn Tấn Bỉnh nhấn mạnh:
“Điều đáng lo ngại là mỗi người đã đến quán bar Buddha đều có những CLB riêng của họ nữa, cho nên từ mỗi người có thể lây nhiễm đến hàng chục người. Dồn dập từ hôm qua đến nay, đã công bố nhiều bệnh nhân mới đều liên quan đến quán bar Buddha” – ông Bỉnh nói.
“Nếu số lượng bệnh nhân nặng phải cấp cứu, chăm sóc đặc biệt, thở máy tăng lên đến mức cần hàng ngàn máy thở, thì hệ thống y tế của chúng ta không thể nào đáp ứng được. Thật ra thì không có bất cứ quốc gia nào chịu được, dù là quốc gia giàu hay văn minh như Mỹ, Ý, Đức…” – Ông Nguyễn Tấn Bỉnh lo ngại.
Mặt khác, về những công dân chưa tuân thủ các quy định về y tế, cách ly, phòng dịch, ông Bỉnh đề xuất: “Sở Y tế đề nghị với những công dân cố tình làm trái pháp luật, khai báo không trung thực, cố tình không tuân thủ quy định cách ly, cần có hình thức xử lý nghiêm để răn đe” – Ông Bỉnh nói.
Hai tuần tới là thời điểm quyết định thắng bại của “cuộc chiến”
“Vừa “gồng mình” chống dịch, vừa đồng thời tiếp nhận một số lượng lớn người Việt đang dồn về quê hương, mỗi ngày, TP.HCM đón thêm từ 1.300 đến 1.800 hành khách nhập cảnh. Tôi biểu dương các ban, ngành đã làm tốt công tác từ đầu đến giờ, nhưng hai tuần tới mới là thời điểm quyết định thắng bại của “cuộc chiến”chống COVID-19” – Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo các quận phòng, chống dịch
|
Chủ tịch UBND TP.HCM khuyến cáo công dân trên 60 tuổi nên tuyệt đối ở trong nhà, không ra đường, vì độ tuổi này dễ nhiễm bệnh và sức đề kháng yếu.
Ông Phong cũng đề nghị triển khai đồng loạt biện pháp đo thân nhiệt của toàn bộ khách ra vào các chung cư, tòa nhà trên địa bàn thành phố.
Chủ tịch UBND giao Sở Tư pháp nghiên cứu, đề xuất Quy chế cưỡng chế cách ly, trình UBND phê duyệt đưa vào thực hiện gấp, do thực tế nhiều công dân được thuyết phục nhưng vẫn không chịu hợp tác cách ly, đặc biệt là các công dân nước ngoài đã nhiễm bệnh và đang được điều trị, đều là những đối tượng không chịu hợp tác cách ly.
Về việc nếu công dân không chịu đeo khẩu trang, Chủ tịch UBND TP.HCM giao Sở Tư pháp nghiên cứu, đề xuất biện pháp xử lý, để bảo đảm an toàn cho cộng đồng.
Ông Phong đề nghị Ban Tôn giáo dân tộc hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương về các hoạt động tập trung liên quan đến thức ăn, thói quen văn hóa, tôn giáo, cầu nguyện, sinh hoạt, chẳng hạn thói quen mỗi ngày cầu nguyện 5 lần của người theo đạo Hồi, để phù hợp với tình hình phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Ông Phong cũng nhấn mạnh thực tế vẫn có tình trạng khan hàng khẩu trang, và có đầu cơ tích trữ, tăng giá và yêu cầu Sở Công thương bàn thêm với Công an thành phố có kế hoạch phòng chống đầu cơ, tích trữ khẩu trang.