(tiếp theo kỳ trước)
Theo WOTR, các quan chức Trung Quốc vẫn khăng khăng từ chối tham gia vào quá trình tố tụng bắt buộc này. Bắc Kinh cũng chủ động tìm cách phá vỡ những liên minh đối kháng trước khi chúng kịp liên kết. Trong một thời gian, các nước láng giềng ở biển Đông đã chủ động ủng hộ quá trình trọng tài. Đọc được ý đồ của các nước, Trung Quốc trong vài năm gần đây đã ra sức tìm cách phá vỡ những liên minh như vậy. Các quan chức Trung Quốc vẫn kiên quyết tìm cách ngăn Mỹ và các đối tác tập hợp ủng hộ cơ chế giải quyết tranh chấp này.
Để đối phó với kết cục mất mặt, Trung Quốc đã sử dụng sức mạnh kinh tế như một công cụ hiệu quả để giảm nhiệt huyết sử dụng luật pháp quốc tế của bốn nước Đông Nam Á có tranh chấp trên Biển Đông. Chẳng hạn, khi quan hệ của Mỹ với Brunei lạnh nhạt đi, Trung Quốc đã đưa ra một thỏa thuận hợp tác khai thác năng lượng vào năm 2013 với Brunei. Trung Quốc hiện tại đang cung cấp cho quốc gia nhỏ bé này những động lực đầu tư hấp dẫn vào cơ sở hạ tầng kết hợp với sáng kiến khu vực “Một vành đai, một con đường” có thể đảm bảo sự ổn định kinh tế lâu dài cho Brunei, vì nước này đang nỗ lực để giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch.
Ở Malaysia, ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc càng rõ ràng hơn. Chính quyền của Thủ tướng Najib Razak chịu sức ép lớn bởi những cáo buộc tham nhũng sau khi các nhà đầu tư truy tìm 700 triệu USD bị mất trong các nguồn quỹ từ công ty đầu tư 1MDB liên quan các tài khoản ngân hàng cá nhân của ông Najib. Một doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc đã giải cứu tình cảnh khó khăn hồi cuối năm ngoái, khi thu mua các thiết bị năng lượng lên đến 2,4 tỉ USD.
Dễ hiểu rằng cho dù là các nước đòi hỏi chủ quyền tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, Brunei và Malaysia vẫn rất chậm trễ trong việc thừa nhận thẩm quyền tòa án quốc tế. Một cuộc hội nghị thượng đỉnh các Bộ trưởng quốc phòng của các nước Đông Nam Á ở Kuala Lumpur hồi tháng 11/2015 là một cơ hội tuyệt vời cho các quốc gia có yêu sách tập hợp các nước láng giềng để thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ cho trọng tài quốc tế, nhưng đã không có tuyên bố chung nào được đưa ra.
Cho dù là nước khởi xướng của quá trình trọng tài cho vấn đề Biển Đông, Philippines có thể hiện nay đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng ý chí chính trị trong nước. Tổng thống đắc cử Rodrigo Duterte, người với chiến dịch dân túy đã trở thành người đứng đầu đất nước, đã công khai đặt câu hỏi về tính hữu dụng của vụ kiện này với Trung Quốc.
Thay vì thế, Duerte gợi ý rằng ông có thể sẽ quay lại các cuộc đối thoại song phương hoặc thậm chí là từ bỏ tuyên bố chủ quyền để đổi lấy sự đầu tư vào cơ sở hạ tầng từ Trung Quốc. Thông tin trên được Trung Quốc vô cùng chào đón. Cho dù ông Duterte đã rút lại nhiều tuyên bố không mấy thận trọng về chính sách đối ngoại, vết rạn nứt trong liên minh ủng hộ tòa án quốc tế trong khu vực vẫn khó để có thể che giấu khi mà sự hoài nghi đến từ chính người đề xuất ban đầu.
Những rạn nứt này được thể hiện rõ trong suốt hội nghị Ngoại trưởng ASEAN đầu tháng 6. Hội nghị dường như sẵn sàng để đưa ra kết luận về việc trọng tài và trật tự quốc tế dựa trên các luật lệ, đưa ra một tuyên bố chung về mối quan ngại sâu sắc đối với những căng thẳng trên Biển Đông. Tuyên bố chung này được hiểu như một lời khiển trách nghiêm khắc đối với Trung Quốc. Nhưng chỉ vài giờ sau, tuyên bố đã bị rút lại trước sức ép của Trung Quốc và các bộ trưởng rốt cuộc đã ra về mà không đưa ra được một tuyên bố chung nào. Liên minh yếu ớt giữa các quốc gia ủng hộ việc thắt chặt một trật tự dựa trên luật lệ đã lại một lần nữa sụp đổ sau khi một vài quốc gia thành viên ASEAN đã bị Trung Quốc tìm cách tách ra khỏi cộng đồng.
Thật kỳ lạ rằng Indonesia - dù không phải là một nước có tranh chấp ở Biển Đông, nhưng là quốc gia Đông Nam Á lớn nhất và là nước duy nhất tỏ thái độ cứng rắn nhất trước những tuyên bố chủ quyền ngày càng tăng của Trung Quốc về vùng biển quanh quần đảo giàu tài nguyên Natuna – hiện đang đóng vai trò quan trọng nhất trong các quốc gia ven biển. Trung Quốc kịch liệt phản đối việc Indonesia bắt giữ bảy ngư dân đánh cá trái phép gần quần đảo Natuna, được Bắc Kinh giải thích một cách nguy hiểm đó là “vùng đánh bắt truyền thống” của ngư dân Trung Quốc.
WOTR đánh giá, dường như không một quốc gia Đông Nam Á nào chống lại một cách hữu hiệu những chiến thuật gây áp lực từ phía Trung Quốc. Mỗi quốc gia ven biển đang tìm cách duy trì quyền tự chủ và bảo vệ chủ quyền, nhưng không đến mức chấp nhận một cuộc chiến với một cường quốc.
Ba năm qua, Trung Quốc quả thực đã tỏ ra rất chuyên nghiệp trong việc cản trở các hành động tập thể giữa các nước láng giềng. Kể từ khi vụ kiện của Philippines với Trung Quốc được đệ đơn lần đầu vào năm 2013, rõ ràng Trung Quốc có rất ít cơ hội để thắng kiện dựa trên cơ sở pháp lý. Thay vào đó, nước này theo đuổi chiến lược làm suy yếu và làm giảm uy tín của quá trình tố tụng, gây mất đoàn kết giữa các quốc gia có khả năng được hưởng lợi từ vụ kiện này, và cố gắng khiến cho các ảnh hưởng địa chính trị của phán quyết này trở nên không khả quan nhất có thể.
Theo WOTR, nếu Trung Quốc thành công trong việc chia rẽ 4 nước yêu sách có lợi ích đang bị đe dọa trực tiếp, việc các nước ASEAN còn lại sẵn sàng bảo vệ các nguyên tắc từ vị trí xa hơn và không thiết thực chắc chắn khó lòng xảy ra.
Bắc Kinh cũng ráo riết tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế hòng hậu thuẫn cho quan điểm sai trái của mình về Biển Đông. Tuy nhiên, sau khi Trung Quốc tuyên bố đã tập hợp được khoảng 60 quốc gia phản đối thẩm quyền của tòa The Hague về tranh chấp trên Biển Đông, chỉ 8 nước đã công khai xác nhận ủng hộ lập trường của Trung Quốc.
WOTR cho rằng bất kể liệu phán quyết của tòa có thể hoặc không thể thay đổi hiện thực, cũng không hi vọng thái độ mau chóng thúc đẩy việc phân định ranh giới của Trung Quốc. Kể cả khi phải đối mặt với sự khiển trách pháp lí của tòa The Hague, Trung Quốc cũng vẫn có khả năng sẽ tiếp tục cố gắng làm giảm uy tín của những luật lệ và tập quán quốc tế đụng chạm tới sự tuyên bố chủ quyền ngang ngược của nước này ở Biển Đông, cũng như bất cứ nơi nào khác.
Theo WOTR, luật pháp quốc tế cần được thượng tôn. Tiếng nói của ASEAN phải thật rõ ràng ít nhất là về những nguyên tắc cốt lõi, điều không thể đạt được nếu không có sự đoàn kết từ những quốc gia ven biển chủ chốt. Chiến lược ngoại giao của Trung Quốc được thiết lập nhằm đảm bảo rằng việc Mỹ đầu tư lớn vào thiết lập và duy trì trật tự quốc tế dựa trên các luật pháp không cản được tham vọng của Trung Quốc.