Số doanh nghiệp phải ngưng hoạt động tăng cao

Số doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động kinh doanh trong 11 tháng qua tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái, và hầu hết là những doanh nghiệp nhỏ có quy mô vốn dưới 10 tỉ đồng.
Số doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngưng kinh doanh trong 11 tháng qua tăng cao - Ảnh minh họa: Quốc Hùng
Số doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngưng kinh doanh trong 11 tháng qua tăng cao - Ảnh minh họa: Quốc Hùng

Báo cáo mới nhất của Vụ Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy trong 11 tháng năm nay, số doanh nghiệp gặp khó khăn phải ngừng kinh doanh của cả nước là 62.713 doanh nghiệp, tăng đến 21,35% so với cùng kỳ năm trước. 

Trong số này, có 14.843 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có đăng ký, và 47.870 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký.

Đây là mức tăng khá lớn so với hai năm trước đó (so sánh 2014/2013: doanh nghiệp gặp khó khăn phải ngưng hoạt động tăng 12,2%).

Điều đáng chú ý là trong 11 tháng qua, tất cả các vùng trong cả nước đều có doanh nghiệp gặp khó khăn phải ngừng hoạt động tăng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, Đồng bằng Sông Cửu Long có tỷ lệ ngưng kinh doanh tăng cao nhất là 71,2%; tiếp đến là Trung du và miền núi phía Bắc tăng 57,1%; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung tăng 36,1%; Tây Nguyên tăng 28,8%; Đồng bằng Sông Hồng tăng 12,7% và Đông Nam Bộ tăng 12,5%.

Phần lớn doanh nghiệp rơi vào tình trạng này là những doanh nghiệp nhỏ, có quy mô vốn đăng ký dưới 10 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 93,5% trên tổng số doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng (cùng kỳ năm 2014 tỷ lệ này là 93,4%). Với doanh nghiệp có vốn đăng ký trên 100 tỉ đồng chỉ có gần 400 doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngưng hoạt động.

Thống kê của Vụ Quản lý đăng ký kinh doanh cũng cho thấy trong 11 tháng đầu năm nay, các ngành, lĩnh vực đều có số doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng tăng so với cùng kỳ năm trước, cụ thể như lĩnh vực nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng đến 141,8%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 89,2%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 58,5%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 31,2%; giáo dục và đào tạo tăng 29,2%;...

Ở chiều ngược lại, trong 11 tháng đầu năm nay, cả nước có 18.646 doanh nghiệp đã tạm ngừng kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động không đăng ký nay quay trở lại hoạt động, tăng 31,24% so với cùng kỳ năm trước.

Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động theo quy mô vốn:

Nguồn: Vụ Quản lý Đăng ký Kinh doanh

Trong 11 tháng qua, cả nước có 86.853 doanh nghiệp được thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 538.671 tỉ đồng, tăng 28,12% về số doanh nghiệp và tăng 37,66% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế là 1.280.855 tỉ đồng, bao gồm: tổng số vốn đăng ký của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 538.671 tỉ đồng và tổng số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn là 742.184 tỉ đồng.

Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đạt 6,2 tỉ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Số lao động dự kiến được tạo việc làm của các doanh nghiệp thành lập mới là hơn 1,3 triệu lao động, tăng 32,9% so với cùng kỳ năm trước.

Theo TBKTSG